Bình Định thế chỗ của Cà Mau: Cho chưa chắc dám lấy
"Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà Bình Định gặp phải chính là chờ sự cho phép từ UBND tỉnh, khi đội bóng sẽ hoạt động 100% nhờ ngân sách.
Thực tế, theo lộ trình vạch sẵn, sau khi bị đánh xuống hạng Ba thì Bình Định phấn đấu muộn nhất đến năm 2017 sẽ trở lại hạng Nhất. Bởi thế, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng, nhất là khâu chuẩn bị lực lượng. Trận thua trước Cà Mau ở trận tranh play-off vừa rồi do cả vấn đề chuyên môn lẫn tài chính, khi các cầu thủ còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm. Nhưng nếu Bình Định lên hạng, chúng tôi sẽ kêu gọi những cầu thủ gốc Bình Định hiện đang thi đấu ở V.League và hạng Nhất về đá cho quê hương. Điều đó nằm trong lòng bàn tay.
Mấu chốt của vấn đề là tài chính. Năm ngoái, ngân sách hoạt động cho đội bóng ở hạng Nhì rơi vào khoảng 2.5 tỷ đồng nhưng để đảm bảo con số 15 tỷ đồng tham gia hạng Nhất như VPF quy định là cả một vấn đề, trong bối cảnh hiện tại ở Bình Định có đào đỏ mắt cũng không ra doanh nghiệp nào. Thế nên chúng tôi phải chờ vào sự cho phép của lãnh đạo UBND tỉnh. Những ngày này, những người làm thể thao ở Bình Định cũng chạy đôn chạy đáo và tìm cách để tác động lên phía UBND nhưng đến thời điểm này, mọi thứ vẫn “án binh bất động”. Nếu được thông qua, Bình Định sẽ chơi.
Thú thật, giành vé lên hạng trực tiếp sẽ vinh dự hơn nhưng với một địa phương có bề dày truyền thống và người dân hâm mộ bóng đá như Bình Định thì cứ lên hạng Nhất, bất kể cách lên như thế nào thì đó cũng là niềm vui và vinh dự rồi. Cơ hội tới tay như thế này mà không nắm lấy thì tiếc lắm”, ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc TT HLTT Bình Định chia sẻ.