BLV Anh Ngọc: Hà Nội FC cần rạch ròi “chia” quảng cáo facebook với cầu thủ

thứ tư 13-5-2020 16:16:44 +07:00 0 bình luận
CLB Hà Nội đi tiên phong trong việc quản lý, sử dụng hình ảnh cầu thủ, HLV ở Việt Nam. BLV Trương Anh Ngọc ủng hộ ý tưởng nhưng cách làm lại chưa hợp lý.

Trong Quyết định mới nhất về Quy định quản lý, sử dụng hình ảnh cầu thủ, HLV của CLB bóng đá Hà Nội, Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội T&T là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý, sử dụng thương hiệu, hình ảnh và các dấu hiệu liên quan của cầu thủ, HLV theo các hợp đồng hợp tác và/hoặc hợp đồng lao động, thử việc, học việc đã ký kết hoặc thỏa thuận (kể cả bằng lời nói) và nhãn hiệu của CLB, Công ty.

Phía CLB Hà Nội nhấn mạnh, ở Điều 5.1.7, công ty có quyền quản lý, quyền được chia sẻ thù lao hoặc bất cứ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại. BLV Trương Anh Ngọc trải lòng với Webthethao về quy định này từ phía CLB Hà Nội.

Webthethao: Anh có thể nêu quan điểm về quy định phân chia quyền lợi quảng cáo, khai thác hình ảnh của CLB Hà Nội?

Trương Anh Ngọc: Đội bóng trả lương cho các cầu thủ nên họ quản lý về mặt chuyên môn cũng như hình ảnh. Nhưng, về mặt hình ảnh thì có những giới hạn rõ ràng. Cụ thể, cầu thủ có facebook, instagram, twitter,…thì đội bóng có cần quản lý trang cá nhân của mỗi cầu thủ không? 

Cần tách bạch, những trang cá nhân đó không phải là đội bóng lập ra cho cầu thủ mà đó là của cầu thủ lập ra để sử dụng hình ảnh của họ. Vậy, đội bóng có quyền quản lý cái đó không, có quyền bắt buộc cầu thủ nộp tiền quảng cáo không? Đây là giới hạn rất rõ ràng.  

Hà Nội FC đi tiên phong để thay đổi cách thức vận hành theo hướng chuyên nghiệp nhưng cách thực hiện trên nền tảng ý tưởng chưa hợp lý.

 

Trong câu chuyện này, tôi ủng hộ Hà Nội FC đưa ra quy định đó vì đang theo hướng chuyên nghiệp hóa theo tất cả mọi việc. Trong đó, hình ảnh cầu thủ là giá trị gia tăng của cầu thủ đó.  

Chuyện liên quan đến quản lý hình ảnh cầu thủ là điều mà rất nhiều đội bóng ở châu Âu làm rồi và làm rất lâu nhưng họ có ranh giới rất rõ ràng. Cầu thủ quảng cáo một sản phẩm thì có cần xin phép đội bóng không? Chắc chắn là không. Cristiano Ronaldo nếu quảng cáo cho thương hiệu nào đó lên instagram cá nhân thì tại sao phải xin phép đội bóng chủ quản lên instagram. Còn đội bóng quản lý đến đâu thì lại là một chuyện khác và phải trên cơ sở trao đổi, bàn bạc với các cầu thủ đó chứ không thể cho các cầu thủ vào một khung được.  

Theo quan điểm của tôi, nếu một cầu thủ quảng cáo sản phẩm nào đó liên quan đến đội bóng, chẳng hạn mặc áo đội bóng thì chuyện này hiển nhiên vì đó là trách nhiệm. Nhưng, cầu thủ đó quảng cáo một sản phẩm nào đó không liên quan đến đội bóng và không ảnh hưởng gì đến hình ảnh của đội bóng, vậy thì, tại sao đội bóng lại có quyền quản lý điều đó? Rõ ràng là không có cơ sở pháp lý gì để làm điều này.

Hiện tại, các trang cá nhân của Quang Hải hay Duy Mạnh có hàng ngàn, hàng triệu người theo dõi. Và tất nhiên, ở đây là câu chuyện tương hỗ về mặt ảnh hưởng. Phải đá cho ĐTQG, cho CLB thì mới có Quang Hải, mới có Duy Mạnh ngày hôm nay nhưng không thể vin vào đó mà nói rằng đội tuyển hay CLB được hưởng phần trăm từ những hợp đồng quảng cáo đó cầu thủ. Bởi trên thực tế, Quang Hải hay Duy Mạnh đã chiến đấu cho ĐTQG, cho CLB và bản thân ĐTQG hay CLB cũng được hưởng những quyền lợi về mặt thể thao, quảng cáo nếu có.

Có phải với các điều khoản kể trên, cầu thủ là người chịu thiệt thòi?

- Ngày xưa khi cầu thủ chưa có mạng xã hội thì các cầu thủ cũng được hưởng những quảng cáo khác. Các cầu thủ nổi tiếng đi đóng quảng cáo còn vấn đề họ đi đóng quảng cáo rồi đóng tiền lại cho đội bóng hay không, tôi chưa nắm rõ. Nhưng bây giờ cầu thủ có hình ảnh, có trang mạng xã hội rồi. Mà đời cầu thủ rất ngắn. Vậy phải tạo điều kiện cho họ làm chứ bởi những việc này hoàn toàn hợp lý.  

Những danh hiệu cá nhân là thước đo để định giá giá trị cầu thủ.

 

Nếu có điều gì ảnh hưởng đến đội bóng như bỏ tập mà đi đóng quảng cáo, chụp ảnh quảng cáo cho nhãn hiệu nào đó là đối thủ của nhà tài trợ đang tài trợ cho đội bóng chủ quản thì có vấn đề về mặt tế nhị. Còn giờ, CLB kiểm soát facebook cầu thủ rồi phải đóng tiền cho CLB thì vô lý. Đời cầu thủ ngắn lắm, hãy để cho anh em kiếm sống.

Vậy, trên thế giới, những cầu thủ nổi tiếng thường làm gì để bảo đảm lợi ích khai thác hình ảnh cá nhân ngoài sân cỏ, tập luyện?

- Họ có công ty quản lý. Chẳng hạn như Ronaldo hay Messi. Công ty quản lý của họ nhận quảng cáo về rồi thậm chí viết gì, như thế nào là các công ty kiểm soát hết; đăng cái gì trên đó, có phù hợp với họ hay không, Ronaldo hợp với sản phẩm gì, không hợp với sản phẩm gì,… Tất cả đều này, công ty quản lý quyết định mọi thứ chứ đội bóng không thể quyết định điều này.

Luôn luôn có ranh giới rất rõ ràng giữa yếu tố về mặt quản lý chuyên môn và quản lý về mặt hình ảnh cá nhân. Cho nên, ngay cả những việc liên quan đến đời tư cầu thủ mà đội bóng phải lên tiếng, ở nước ngoài không có đâu. Như mới đây câu chuyện liên quan đến tin đồn của Duy Mạnh mà Hà Nội FC lên tiếng tôi hơi ngạc nhiên. Có cần thiết phải làm điều đó hay không? Điều đó có ảnh hưởng gì đến chuyên môn của CLB không? hay là để cầu thủ tự xử lý câu chuyện này. Tôi nghĩ CLB hơi sốt sắng nhảy vào để bảo vệ hình ảnh của cầu thủ trong khi điều này hoàn toàn có thể gây ra phản ứng ngược.

Tôi thấy nó không chuyên nghiệp lắm. Ở nước ngoài, những CLB như Milan, Man United, Real Madrid,… chưa có trường hợp nào CLB lên tiếng về đời tư của cầu thủ. Nó là ranh giới riêng tư của cầu thủ nên để tự cầu thủ xử lý.

Những hành động vừa rồi của Hà Nội FC can thiệp sâu vào đời sống riêng tư của cầu thủ?

- Tôi cho rằng, ý tưởng là đúng nhưng cách thức thực hiện thôi. Khi một đội bóng ký hợp đồng với một cầu thủ thì ngoài những yếu tố liên quan chuyên môn còn những yếu tố liên quan đến hình ảnh, giá trị gia tăng. Đó là lý do tại sao khiến cho giá trị chuyển nhượng cầu thủ cao đến như thế và những nhà môi giới cầu thủ lại nhận hợp đồng hoa hồng lớn đến như thế.  

Trên facebook cá nhân, Quang Hải thường xuyên đăng những hình ảnh ngộ nghĩnh về cuộc sống.

 

Giá trị hình ảnh cầu thủ bây giờ rất là lớn bởi vì đi cùng với đó là rất nhiều yếu tố về mặt thương mại, hình ảnh. Chính vì vậy, việc đưa ra quy định chung là không phù hợp mà cần phải quy vào hợp đồng riêng với từng cầu thủ một. Quang Hải có giá trị khác Duy Mạnh chứ, Duy Mạnh có giá trị khác với Thành Chung hay Thành Chung có giá trị khác với các cầu thủ khác. Từ điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của người đại diện. Họ là những người có khả năng thương lượng, hiểu được giá trị của cầu thủ và ở nước ngoài thì thường là các luật sư.

Đây là mối quan hệ “win-win”, cả cầu thủ và CLB cùng được lợi. Thế nên, CLB cần tạo điều kiện như thế nào để hai bên cùng được lợi chứ không phải là gom tất cả cầu thủ về một mối. Nếu tôi là một cầu thủ, chắc chắn tôi sẽ không đồng ý trao facebook của tôi cho một người khác quản lý. Tôi muốn tự xử lý hết cơ.

Khi mà bàn soạn các thứ liên quan đến hợp đồng thì CLB và các cầu thủ phải ngồi lại với nhau rằng trong điều kiện này, nếu tôi quảng cáo tôi được gì, được làm những gì,… Những hợp đồng như thế thường có các phụ lục khác như xử lý, khai thác hình ảnh cầu thủ như thế nào và phụ lục hợp đồng có thể có cả vài chục đến cả trăm trang. Trong đó sẽ quy định cụ thể các trường hợp khai thác hình ảnh và khai thác như thế nào. Chứ rất khó để có quy định chung cho cả đội bóng được.

Một người đại diện cầu thủ ở Việt Nam chỉ ra rằng, Mạc Hồng Quân được đào tạo bài bản ở châu Âu từ nhỏ nên rất chú ý hình ảnh còn các cầu thủ Việt Nam không quan tâm mấy. Đây là sự khác biệt lớn?

- Tôi nghĩ đúng như vậy. Ở đó có ý cả bao hàm xin cho, ơn huệ. Cầu thủ cũng là người lao động. Người lao động phải hiểu họ có giá trị của họ còn phía CLB là người thuê cũng có giá trị riêng của họ. Tuy nhiên, người thuê không thể có ý “tôi cho anh việc làm thì anh phải mang ơn tôi” hay “tôi tạo điều kiện cho anh rồi thì anh phải đáp lại cho tôi điều gì đó”.  

Mạc Hồng Quân quan tâm đến hình ảnh ngay khi trở về Việt Nam thi đấu.

 

Thực tế, một cầu thủ khi đến đội bóng muốn thể hiện hết mình để ra sân và chiến thắng. Đôi bên cùng có lợi mà. Đội bóng chiến thắng thì giá trị thương mại của đội bóng ấy, các hợp đồng quảng cáo cũng cao. Bản thân giá trị của từng cầu thủ trong đội cũng sẽ cao nếu anh ghi được bàn thắng hay đẩy được một quả penalty. Báo chí sẽ nhắc đến anh nhiều hơn. Hai bên cùng có lợi.

Và cầu thủ nước ngoài ý thức được điều này. Bởi vì cầu thủ đó xác định vai trò, cá nhân của họ lớn còn cầu thủ ở mình thường thiếu hiểu biết nhất định về mặt xã hội cũng như các yếu tố liên quan đến luật pháp để tự bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình. Từ đó, khi ký hay thương lượng hợp đồng nên có những đại diện về mặt pháp luật cho mình để thương lượng.  

Phải chăng, đã đến lúc, cầu thủ Việt Nam cần quan tâm đến có những người đại diện hợp pháp cho riêng mình?

- Trên thực tế là đã có rồi, ví dụ những người đại diện cho Quang Hải, Hà Đức Chinh, Văn Hậu,… rất bài bản, chuyên nghiệp. Đó là một nghề thực sự. Họ làm việc hợp pháp, đại diện quyền lợi hợp pháp cho cầu thủ để cầu thủ yên tâm thi đấu. Còn họ đứng ra giải quyết tất cả việc từ những việc có tên lẫn không tên.

Nghề này nước ngoài làm rất nhiều rồi nhưng ở Việt Nam có thể hơi mới. Rất nhiều NHM ở mình hay cho rằng, những người đại diện cầu thủ theo kiểu hớt ván, lợi dụng, thế này thế kia hay xoi xỉa đội bóng này kia. Nhưng thực tế không hẳn. Đó là công việc, là nghề của họ; kể cả họ mánh đi chăng nữa thì cũng rất bình thường bản thân đội bóng có mánh của họ chứ. Tất cả các bên đều muốn được lợi mà.  

Nhưng quan trọng nhất là các bên cùng ngồi lại với nhau, thương lượng để cho họ cùng có lợi chứ không phải một bên có lợi còn bên kia cảm thấy mình không được hưởng gì cả. Hoặc mãi về sau có một ai đó bảo sao lại ký hợp đồng hớ như thế rồi để người ta lợi dụng, chẳng được hưởng gì cả. Tóm lại, cần phải hiểu được giá trị bản thân mình, hiểu được điều này thì sẽ biết được cách thương lượng hoặc là có cách nào đó để một ai đó thương lượng cho mình. Điều này rất quan trọng.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

Bài liên quan
  • Từ khóa
Trần Khánh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội