Bóng đá nữ Afghanistan thời Taliban: Quá khứ đau đớn chỉ toàn nỗi sợ hãi lại dội về

thứ ba 17-8-2021 16:15:00 +07:00 0 bình luận
Với các cô gái ở Afghanistan, đấu tranh để được ra sân chơi bóng là cả cuộc cách mạng. Có lúc, họ hy vọng mầm xanh trỗi dậy nhưng rồi, Taliban đang đe dọa đến các đặc quyền phụ nữ cũng như mạng sống của họ.

Ác mộng lạm dụng tình dục

Sau khi chính phủ Taliban bị lật đổ vào năm 2001, phụ nữ ở Afghanistan mơ về quyền tự do và có nhu cầu hưởng thụ giải trí chính đáng. Thế nên, sự xuất hiện của đội tuyển bóng đá nữ Afghanistan được ca ngợi trên toàn cầu như một biểu tượng của những quyền tự do mới mà phụ nữ nước này được hưởng.

Phụ nữ Afghanistan chơi đá bóng là hiện thân cho quyền tự do ở đất nước này. Ảnh: AFP

Nhưng, năm 2018, cả thế giới đã rúng động với hàng loạt bê bối lạm dụng tình dục xảy đến với các cô gái đá bóng nơi này. Một trong những quan chức thể thao hàng đầu của Afghanistan thời bấy giờ thừa nhận, đã có lạm dụng tình dục, không chỉ ở bóng đá nữ mà còn các môn thể thao khác.

Hầu hết các cầu thủ đều quá đỗi sợ hãi về vấn nạn này. Tổng thống đương nhiệm thời bấy giờ là Ashraf Ghani đứng ra giải quyết các cáo buộc về vấn nạn này và nói rằng: “Nó gây sốc cho tất cả người dân Afghanistan”.

Một trong những người liên quan chính là Tổng thư ký LĐBĐ nước này, Sayed Alireza Aqazada. Ông này sau đó đã phủ nhận cáo buộc. Song, cơn thịnh nộ nổ ra. Hàng loạt câu hỏi chất vấn được đặt ra ở các cuộc họp của cả hai viện Quốc hội Afghanistan.

Sau đó, Hafizullah Rahimi, người đứng đầu Ủy ban Olympic Afghanistan, đã có một tuyên bố gây sốc. “Đáng buồn thay, những lo ngại này đã đến với chúng tôi. Lạm dụng tình dục thực sự tồn tại, không chỉ trong Liên đoàn bóng đá mà còn ở các liên đoàn thể thao khác. Chúng ta phải chống lại nó”, ông nói.

Khalida Popal, cựu đội trưởng ĐTQG nữ Afghanistan đã mạo hiểm để phơi bày sự thật. Cô kể rằng, cô đã đánh cược với mạng sống của mình khi còn là một thiếu nữ để bí mật chơi bóng khi Afghanistan vẫn nằm dưới sự thống trị của Taliban. Để không bị bắt, cô và các bạn đã chơi trong im lặng để lính canh Taliban ở phía bên kia bức tường không nghe thấy họ.

Popal đã chuyển đến Đan Mạch sinh sống từ năm 2011 sau khi chạy trốn khỏi những lời đe dọa giết người ở Afghanistan. Cô cho biết, cô đã tận mắt chứng kiến sự lạm dụng thể chất và tình dục đối với trẻ em gái bởi các HLV và quan chức liên đoàn. Các cô gái phàn nàn với cô về một loạt các hành vi lạm dụng, từ cưỡng hiếp đến sờ soạng và quấy rối tình dục.

Popal đã nỗ lực đấu tranh để cả thế giới có cái nhìn khác về phụ nữ Afghanistan thông qua bóng đá. Ảnh: AFP

Cô ấy nói rằng cô gần như mất hy vọng về bất cứ điều gì được làm sau khi cô bắt đầu ghi lại sự lạm dụng của hai HLV. Cô đã đưa những phát hiện của mình cho LĐBĐ Afghanistan vài năm trước đó.

"Thay vì cách chức hay trừng phạt, họ lại được thăng chức”, Popal đau đớn kể. Cô khẳng định một số thủ phạm chính là những nhân vật quyền lực có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ. Các quan chức trong liên đoàn sẽ nói với các cầu thủ rằng, họ có thể đưa vào danh sách đội và đưa tiền nếu quan hệ tình dục với họ.

Thời điểm này, báo chí phương Tây đã cố gắng tiếp cận một vài cầu thủ trẻ sống ở Afghanistan, bao gồm cả các môn thể thao khác. Họ kể những câu chuyện tương tự về quấy rối và bắt nạt tình dục. Họ nói rằng việc lạm dụng thường xảy ra khi đang cạnh tranh để có được một suất trong đội tuyển quốc gia hoặc để có cơ hội tập huấn hay thi đấu ở nước ngoài. Một người nói rằng, cô ấy bị gạ gẫm: “Hãy cho tôi thấy bạn xinh đẹp như thế nào vì chỉ những cô gái xinh đẹp mới được vào đội.”

Những cáo buộc về đội tuyển bóng đá nữ đã gây chấn động vì trước đó nó đã được quốc tế tôn vinh như một biểu tượng của một Afghanistan mới, tự do hơn - và là nơi các quyền tự do mà trẻ em gái và phụ nữ được hưởng sau sự sụp đổ của Taliban vào năm 2001.

Sân vận động ở Kabul, nơi đội tập luyện từng là nơi diễn ra các vụ hành quyết của Taliban chỉ nhấn mạnh sự tương phản. Nhưng nó đã không xảy đến công bằng với Khalida Popal. Khi còn là Giám đốc điều hành của bóng đá Afghanistan, cô đã tuyển dụng các nữ HLV người Mỹ và nhiều phụ nữ Afghanistan từ cộng đồng. Cô nói, phụ nữ Afghanistan “mơ ước được làm điều gì đó cho đất nước của họ, hỗ trợ các chị em, phát triển một đội tuyển quốc gia mạnh mẽ, thể hiện hình ảnh tích cực của phụ nữ Afghanistan”.

Trận đấu đầu tiên của đội nữ Afghanistan là đấu với một đội quân đội quốc tế. Ảnh: AFP

“Nhưng thật không may, những người đàn ông đã phá hủy ước mơ của chúng tôi”, Popal nói. Sau những cáo buộc đó được truyền thông châu Âu đăng tải, Popal đã nhận được vô số lời cảm ơn vì cô đã lên tiếng. Một số rơi nước mắt và nói rằng họ đã có những trải nghiệm tương tự nhưng quá sợ hãi để nói ra.

“Tôi biết sự lên tiếng của mình có thể thay đổi rất nhiều cuộc đời và có thể thay đổi cả hệ thống”, Popal hy vọng.

Mầm xanh trỗi dậy

Sau sự vụ chấn động đó, bóng đá nữ Afghanistan nỗ lực từng ngày để gượng dậy. Và họ đã mơ về viễn cảnh tươi đẹp sau giải VĐQG được tổ chức thành công cuối năm 2020. Hình ảnh các cô gái tả xung hữu đột, chạy ăn mừng hò hét trong trận chung kết giữa Herat Storm vs Kabul Fortress ngay tại Kabul là minh chứng hùng hồn cho sức sống mới.

Afghanistan là một quốc gia bảo thủ. Các cầu thủ thi đấu trên sân trong trang phục áo dài tay và quần cạp trễ dưới chiếc quần đùi rộng thùng thình. Những chiếc khăn trùm đầu kiểu “hoodie” đen, trùm kín tóc.

Đàn ông và con trai co cụm trong một dãy ghế; phụ nữ và trẻ em gái ở một nơi khác, nhưng họ rất dữ dội: hò hét, hò hét và đập trống khi các cầu thủ ghi bàn.

Bất chấp sự bảo thủ từ trang phục hay phân biệt giới tính, hình ảnh đó vẫn hàm chứa giá trị nhân văn cao cả. Điều mà họ không thể tưởng tượng sau gần 2 thập kỷ Taliban bị lật đổ.

Đáng chú ý, những người phụ nữ chơi trên sân bóng mà trước đó, Taliban từng trừng phạt những người đàn ông và phụ nữ vi phạm các quy tắc nghiêm ngặt của họ. Các hình phạt khủng khiếp đến mức khi SVĐ được cải tạo vào năm 2007, các nhà thầu đã loại bỏ khoảng hai feet (tương đương 60cm) đất để đảm bảo mọi người không chơi trên phần xác để lại của những người Afghanistan khác.

Tất cả điều này xảy đến khi đội trưởng của CLB Herat Storm, Sabria Nawrozi chưa sinh ra. Cô gái sinh năm 2000 được cha cô kể rằng, Taliban sẽ bắt mọi người đứng thành hàng và bắn hoặc treo cổ họ. Các thi thể sẽ treo lủng lẳng dưới nắng trong nhiều ngày.

Sabria Nawrozi từng mơ về một tương lai tươi sáng cho bóng đá nữ Afghanitsan. Ảnh: NPR

Trước trận chung kết, Nawrozi đã chỉ tay về phía khán đài đông người tụ tập để hồ hởi: “Đó là mầm tươi xanh. Nó mang lại niềm vui cho mọi người. Họ đến để vui vẻ và cổ vũ cho đội bóng mà họ yêu thích.”

Đó chính là sức mạnh để Nawrozi tin tưởng vào bóng đá sẽ phát triển ở Afghanistan. Cô là hiện thân cho phụ nữ nơi đây khi không sợ hãi bất cứ điều gì. Không chỉ cha cô mà vị hôn phu cũng ủng hộ. “Đó là một niềm tự hào đối với tôi”, Nawrozi nói.

Heather Barr, đồng giám đốc phụ trách về phụ nữ tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thời bấy giờ cho biết: “Phụ nữ Afghanistan chơi bóng vô cùng phấn khích”. Nhắc đến những ngày Taliban cai trị, cô nói: "Đôi khi họ không được phép ra khỏi nhà và không được phép đến trường."

Phụ nữ đá bóng ở Afghanistan dường như là câu chuyện khó có thể chấp nhận. Quay ngược thời điểm Nawrozi đến với trái bóng tròn. Lúc đó là năm 2015, cô nói rằng hàng xóm từng chế giễu mẹ cô để cô bỏ bóng đá. “Họ nói quần áo thể thao của tôi là thiếu lịch sự. Họ nói ồ, chúng tôi đã nhìn thấy con gái bạn trên TV”.

Theo quan điểm của người dân Afghanistan, thật đáng xấu hổ khi phụ nữ đá bóng hoặc chiếu trên màn hình TV vì nam giới có thể nhìn thấy họ.

Shaharzad Akbar, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan, cho biết: “Bản thân phụ nữ ở nơi công cộng, bất chấp tất cả những tiến bộ mà chúng tôi đã đạt được, vẫn là thách thức ở Afghanistan. Đặc biệt là thể thao, bởi vì về cơ bản bạn đang trình diễn cho mọi người xem trong một xã hội mà phụ nữ được cho là sẽ vô hình trước công chúng”.

Bản thân Nawrozi cũng đã bị dọa giết vì chơi bóng. “Các chiến binh đe dọa sẽ nổ súng vào cơ sở của liên đoàn thể thao. Họ thậm chí còn đe dọa đánh bom liều chết nếu các cô gái chúng tôi tập luyện hoặc chơi ở đó”, cô nói.

Không chỉ Nawrozi, rất nhiều cô gái ở Afghanistan muốn thay đổi cuộc đời, sự hà khắc về quan niệm bằng chính trái bóng tròn. Adiba Ganji, cầu thủ sinh năm 2004 của CLB Kabul Fortress, từng hy vọng một ngày nào đó sẽ thi đấu cho ĐTQG, thậm chí là một CLB ở châu Âu.

Mẹ và anh trai cô từng phản đối việc cô chơi bóng. Sau đó, cha cô bị thương trong một vụ đánh bom liều chết ở quê hương Ghazni của họ vào năm 2016. Ông đã mất thị lực và thính giác. Cô phải bỏ học vì gia đình không đủ tiền chi trả. Gia đình cô rơi vào cảnh nghèo khó đã khiến mẹ và anh trai cô thay lòng đổi dạ.

Họ ủng hộ cô và hy vọng cô sẽ là ngôi sao sáng có thể kéo gia đình đi lên, hoặc ít nhất, đảm bảo một tương lai cho chính mình. Cô ấy đã được trả tiền với tư cách là một cầu thủ bóng đá. Và nếu cô ấy có thể trở thành một câu lạc bộ lớn, cô ấy sẽ còn kiếm được nhiều hơn nữa. 

Ganji nói: “Tôi muốn cho mẹ tôi thấy rằng tôi có thể đáp ứng những mong đợi của bà. Tôi thực sự yêu thích bóng đá. Tôi muốn nó phục vụ gia đình và đất nước của mình”.

Nhưng, ngay thời điểm năm 2020, sóng ngầm dần xảy đến bằng các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Các cuộc đàm phán đó đã bắt đầu vào giữa tháng 9 và các quan chức Taliban thường nói rằng phụ nữ chơi ở nơi công cộng là hành động bất hợp pháp.

Một quan chức cấp cao, người thân cận với các nhà đàm phán của Taliban, giải thích trong một tin nhắn WhatsApp gửi NPR bằng tiếng Ả Rập: “Phụ nữ không được phép để lộ cơ thể của mình cho bất kỳ ai ngoài người giám hộ là nam giới”. Các nữ cầu thủ có lý do để lo lắng khi Taliban trở lại.

Bóng đá nữ Afghanistan từng mơ về mầm xanh. Ảnh: Xinhua

Những câu hỏi đến dồn dập với Nawrozi. Những thành tựu mà phụ nữ đã chiến đấu trong hai thập kỷ qua có thể đổi sông đổ bể nếu Taliban trở lại. Một ngày sau khi Nawrozi giãi bày tâm sự, cô cùng CLB giành chức vô địch sau chiến thắng nghẹt thở 3-2 trên loạt sút luân lưu. Mầm xanh đã nhìn thấy nhưng đâu đó, nỗi lo Taliban hiện về. Và…

…nỗi lo bị chết dưới bàn tay Taliban

Ngay sau khi Taliban chiếm được Kabul và tuyên bố Afghanistan là một Tiểu vương quốc Hồi giáo, các thành viên của ĐTQG nữ lo sợ về tính mạng của họ. Khalida Popal kể rằng, trong các cuộc điện thoại và tin nhắn thoại điên cuồng gửi đến, cô có thể nghe thấy sự đau khổ, những lời cầu cứu đẫm nước mắt.

Các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia nữ Afghanistan mà Popal thành lập đang lo sợ cho cuộc sống của họ sau khi Taliban càn quét để giành lại quyền kiểm soát đất nước sau hai thập kỷ.

Khi họ gọi, tất cả những gì Popal có thể làm là khuyên họ chạy trốn khỏi nhà, trốn khỏi những người hàng xóm biết họ là những người đang chơi bóng và cố xóa bỏ lý lịch của họ, đặc biệt là hoạt động chống lại Taliban.

Popal nói với Associated Press trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Đan Mạch: “Tôi đã được khuyên gỡ bỏ các kênh truyền thông xã hội, gỡ ảnh xuống, trốn thoát và ẩn mình. Điều đó khiến trái tim tôi tan nát vì trong suốt những năm qua, chúng tôi đã làm việc để nâng cao tầm nhìn của phụ nữ và bây giờ tôi đang nói với những người phụ nữ của tôi ở Afghanistan hãy im lặng và biến mất. Tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm”.

Cô gái 34 tuổi này hầu như không thể hiểu được tốc độ sụp đổ của chính phủ Afghanistan và cảm giác bị các quốc gia phương Tây bỏ rơi, những người đã giúp lật đổ Taliban vào năm 2001. Cô đã bỏ trốn cùng gia đình sau khi Taliban chiếm được Kabul vào năm 1996. Popal trở lại Afghanistan cách đây hai thập kỷ khi còn là một thiếu niên sống trong trại tị nạn ở Pakistan. Với sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế, Popal cảm thấy lạc quan rằng quyền của phụ nữ sẽ được thúc đẩy.

"Thế hệ của tôi đã hy vọng xây dựng đất nước, phát triển tình hình cho thế hệ tiếp theo của phụ nữ và nam giới trong cả nước. Vì vậy, tôi bắt đầu cùng với những phụ nữ trẻ khác sử dụng bóng đá như một công cụ để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi mặc chiếc áo đấu. Đó là cảm giác đẹp nhất, tuyệt vời nhất từ trước đến nay."

“Tôi đã nhận được rất nhiều lời đe dọa và thách thức về cái chết vì tôi đã được trích dẫn trên truyền hình quốc gia. Tôi đang gọi Taliban là kẻ thù của chúng ta. Tính mạng của tôi đang gặp nhiều nguy hiểm”, cô nói thêm.

Popal đã quá quen với các lời dọa giết khi cô bắt đầu hành trình tìm kiếm sự công nhận với phụ nữ Afghanistan. Thế nhưng, sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ ông Ghani khiến phụ nữ đá bóng ở nơi đây đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc” về tính mạng. “Phụ nữ đã mất hy vọng”, Popal thở dài.

Tính mạng của các cô gái đá bóng ở Afghanistan đang "ngàn cân treo sợi tóc". Ảnh: AFP

“Họ đang khóc. Họ buồn. Họ tuyệt vọng. Họ có rất nhiều câu hỏi. Điều đang xảy ra với họ là không công bằng. Họ lẩn trốn. Hầu hết họ bỏ nhà đi lánh nạn vì hàng xóm biết họ là cầu thủ. Họ đang lo sợ còn Taliban thì khắp nơi”, Popal không thể giữ sự bình tĩnh.

“Họ liên tục quay video và chụp ảnh từ cửa sổ cho thấy họ đang ở bên ngoài ngôi nhà và điều đó rất đáng buồn,” cô nói.

“Dưới chế độ Taliban, phụ nữ không có quyền đi học, đi khám bệnh hay đi làm. Họ bị giới hạn trong nhà của họ. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu chơi bóng đá, một thứ khá mới mẻ trong nền văn hóa của chúng tôi bởi vì thể thao không được coi là thứ dành cho phụ nữ, Popal nói thêm.

Những người Afghanistan lo sợ rằng Taliban có thể áp đặt lại kiểu cai trị tàn bạo với phụ nữ. Họ, bao gồm cả những phụ nữ vội vã rời khỏi đất nước.

Taliban ghét các cô gái chơi thể thao. Đó là điều chắc chắn. Các quan chức bóng đá Afghanistan muốn tị nạn ở Ấn Độ. Theo một cơ quan quản lý bóng đá cấp cao ở Ấn Độ, các quan chức ở Afghanistan, những người không muốn được tiết lộ danh tính, đang lo sợ phản ứng dữ dội từ Taliban tàn bạo vì quảng bá bóng đá nữ ở nước này.

Tiến sĩ Shaji Prabhakaran, chủ tịch của Football Delhi và là cựu lãnh đạo khu vực của FIFA, nói với Outlook vào tối Chủ nhật rằng, các quan chức Afghanistan và gia đình của họ lo sợ cho tính mạng của họ vì họ đã cổ vũ bóng đá nữ ở nước này trong bảy năm qua.

“Taliban đang kiểm soát Kabul và tình hình rất tồi tệ. Sân bay vẫn an toàn nhưng Taliban sẽ sớm phong tỏa mọi thứ”, Tiến sĩ Prabhakaran dẫn lời các quan chức Afghanistan cho biết.

Ông đã thu hút sự chú ý của Bộ Ngoại giao nhưng cho đến nay, vẫn chưa có phản ứng nào. Liên đoàn bóng đá Ấn Độ cho biết họ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào. Trong khi đó, tính mạng của các cầu thủ nữ Afghanistan đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Afghanistan là đối thủ của tuyển nữ Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2022. Ngoài ra, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ chạm trán Tajikistan và Maldives. Đội bóng dẫn đầu bảng B sẽ giành tấm vé dự VCK Asian Cup 2022 ở Ấn Độ.

Trần Khánh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội