Bóng đá “vị nhân sinh” trên sân cỏ Việt

thứ năm 4-2-2016 15:12:27 +07:00 0 bình luận
Có niềm vui tột đỉnh, có nỗi buồn tái tê. Có sự tự hào, viên mãn, có nỗi ê chề, tủi hổ. Có hy vọng ngập tràn, có thất vọng cùng cực. Có nụ cười, có nước mắt… Có đủ thứ, bởi bóng đá là cảm xúc. Và dù ở cung bậc nào, tình yêu cũng không bao giờ vơi cạn.

Có nhiều người rên xiết là chán M.U, căm thù Van Gaal, thậm chí “thề không bao giờ” ngó vào cái tivi có chiếu Man đỏ nữa. Nhưng chính họ, cứ sau mỗi dịp cuối tuần, lại tiếp tục thở ngắn than dài, lại não nề với điệp khúc “giết chết một tình yêu”. Thật ra thì tình yêu có chết đâu, nó vẫn cứ thôi thúc và khiến họ ngóng theo M.U, dù là một MU xấu xí và yếm thế.

Có nhiều người dè bỉu HLV Miura, quay lưng với bóng đá Việt, chê V.League đủ đường. Họ trở thành những nhà phê bình với tài “luận anh hùng” còn hơn các chuyên gia. Nhưng để luận được anh hùng như vậy, hẳn là họ không bỏ sót trận đấu nào của đội tuyển, theo dõi sát sao Công Phượng thi đấu bao nhiêu phút, Công Vinh bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội, ông Miura đưa ra bao nhiêu quyết định gây tranh cãi... Đấy cũng là yêu bóng đá, dù chỉ là thứ tình yêu… bàn phím.

Năm 2014, BĐVN rúng động với liên tiếp 2 scandal dàn xếp tỷ số liên quan đến Ninh Bình và Đồng Nai. Bóng ma 2005 với chuỗi tiêu cực trọng tài và “trọng án” SEA Games từng ám ảnh một giai đoạn rất dài, lại hiện về.

Lúc ấy, có nhiều người lo rằng bóng đá Việt sẽ chết, vì “rút dây động rừng” và vì mất niềm tin, cạn kiệt tình yêu. Nỗi thất vọng còn nhân lên gấp bội khi ĐTVN gục ngã ở BK AFF Cup 2014 trên sân nhà, dù vé CK đã nắm trong tay sau trận lượt đi oanh liệt trên đất Mã. Đúng là niềm tin có thể mất, và thực tế là đã mất thêm rất nhiều nhưng tình yêu thì không cạn kiệt.

Từ trong đống đổ nát và hoang phế ấy, một nguồn sáng le lói được thắp lên. Đó là đám trẻ nhà bầu Đức, với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Hồng Duy...

Vào thời điểm U19 VN với dàn cầu thủ vừa ra ràng của Học viện HA.GL Arsenal JMG trình diễn lối đá cống hiến và rực lửa, tình yêu của NHM như một lẽ tự nhiên, ào ạt dồn cả về cho họ. Dù chỉ là những trận giao hữu, thậm chí là những trận thua nhưng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… vẫn khiến hàng triệu trái tim thổn thức.

Cơn sốt HA.GL không phải không có mặt trái hay “tác dụng phụ” nhưng giá trị của nó thì ai cũng nhìn thấy và phải thừa nhận: Như một cái phao cứu cả nền bóng đá đang chao đảo và mất phương hướng. Chẳng vẻ vang gì khi các đội tuyển “lớn” chìm nghỉm hoặc phải làm nền cho các đàn em, thậm chí còn bị đối xử “bên trọng, bên khinh”, nhiều người nhận ra sự thật tréo ngoe ấy nhưng con tim có sự lựa chọn tự thân của nó.

Đến tận bây giờ, khi “cơn sốt” đã hạ nhiệt nhưng tình yêu mà khán giả dành cho HA.GL vẫn nồng nàn. Bằng chứng là sau một mùa giải khó nhọc, họ vẫn có thể lấp đầy sân Thống Nhất, biến các trận đấu ở giải U.21 quốc tế thành những ngày hội. Và đám trẻ nhà bầu Đức vẫn được ủng hộ để có tên ở U.23 VN dự VCK U.23 châu Á, và là nòng cốt trong chiến dịch tìm Vàng SEA Games 2017.

Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng đôn cả lứa Công Phượng lên chơi V.League 2015 chỉ là một nước cờ chẳng đặng đừng của bầu Đức. Tham vọng của ông lớn hơn thế rất nhiều, khi mục tiêu của lò đào tạo HA.GL Arsenal JMG là xuất khẩu các “tài năng triệu đô” ra nước ngoài. Tuy nhiên, sau vài chuyến du đấu “chào hàng” ở châu Âu và giải giao hữu, bầu Đức nhận ra những khó khăn cùng thực tế, lập tức chuyển hướng để “xoay bài”. Thay vì chờ vận may từ trên trời rơi xuống, các cầu thủ HA.GL được thử lửa ngay ở giải đấu quốc nội.

Cú “bẻ lái” của bầu Đức mạnh tay, quyết đoán và nó cũng phải trả giá đắt. Tuy nhiên, cái được mà bầu Đức và HA.GL mang đến cho V.League 2015 là quá lớn, quá nhiều. HA.GL đi đến đâu là sân đó khán giả đông nườm nượp. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà phe vé đã nhẵn mặt khắp Hàng Đẫy, Mỹ Đình, hôm đó lại xuất hiện ở Lạch Tray (Hải Phòng). Bà cười tít mắt, bảo: “May mà có cái bọn trẻ con này nên tụi tao mới lại có chỗ kiếm ít cơm, chứ bao nhiêu năm nay, Vi lích đá tháo khoán còn chả ai thèm vào sân, vé có mà bán cho… hổ”.

Xin miễn bình luận về thuật ngữ “kiếm cơm” của người phụ nữ kia nhưng nó có khác gì cái hàn thử biểu của bóng đá không? Phe vé, họ hiện diện ở đâu là ở đó bóng đá còn đất sống. Nhìn thấy họ, tức là nhìn thấy sức sống của bóng đá, nhìn thấy đam mê và tình yêu.

Nhân nói chuyện vé, quay ngược về Hà Nội, nơi giải Ngoại hạng phủi đã tổ chức được mùa thứ 3. Nhiều người đặt câu hỏi với BTC, vì sao không bán vé? Chỉ cần mỗi người bỏ ra 5, 10 ngàn đồng để vào sân, BTC cũng thu về một khoản không phải kha khá mà là đáng kể, để “lấy bóng đá nuôi bóng đá”, khi mỗi chiều Chủ nhật có tới 7-8.000 ngàn khán giả lèn kín khán đài, bám rào vây kín quanh sân và tràn cả vào đường piste.

Các giải đấu phong trào, dĩ nhiên khó được coi là thước đo sự phát triển của một nền bóng đá. Thế nhưng nếu coi là thước đo tình yêu thì hoàn toàn có thể và chính xác nhất. Ở khía cạnh nào đó, bóng đá phủi có lẽ cũng là định nghĩa đơn giản nhất, với thứ đam mê, tình yêu trong sáng, nhiệt thành và hồn nhiên nhất.

Đó là nơi cả làng kéo nhau đi xem đá bóng như Triều Khúc. Những cụ ông đầu bạc phơ, những cháu bé còn chưa nói sõi, bố phải công kênh lên vai để nhìn cho rõ, họ đều là khán giả của thứ bóng đá hết mình và gần gũi. Ở đó, bóng đá hiện hữu với vẻ đẹp đơn sơ, gần gũi và đời nhất.

Đó là nơi đón những đội bóng vượt vài trăm cây số chỉ để chơi mấy chục phút chiều Chủ nhật như Du lịch (Lào Cai) hay Văn Minh (Nghệ An). Họ chơi không phải vì cái gì đó to tát. Họ bỏ tiền bạc, công sức, thời gian và tâm huyết, chấp nhận hy sinh nhiều thứ để được đam mê. Ở đó, họ biết hàng ngàn khán giả mỗi tuần vẫn đang chờ họ, để được hò reo, xuýt xoa theo từng bước chân của họ. Ở đó, họ được “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”.

Bóng đá phủi nhờ được tổ chức và liên kết tốt đã trở thành “đấu trường” thực sự có ý nghĩa, vượt ra khỏi ranh giới một môn chơi phong trào. Mô hình bóng đá phong trào làm thiện nguyện đang được nhân rộng từng ngày, không chỉ ở Thủ đô mà còn phát triển đến nhiều tỉnh khác như Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên… Rất nhiều vùng sâu xa, rất nhiều mảnh đời bất hạnh đã được góp tay ủng hộ sau mỗi vòng quay của trái bóng.

Trong năm 2015, BĐVN đã có lúc “dậy sóng” khi Manchester City đưa dàn hảo thủ đến giao hữu với ĐTVN của chúng ta. Nó mở ra tương lai hứa hẹn hơn, với những bữa tiệc thịnh soạn hơn, khi khách mời là những Manchester United, Barcelona hay Real Madrid… Nếu điều đó thành hiện thực, những “fan ruột” của các CLB hàng đầu thế giới sẽ có cơ hội thể hiện tình yêu bỏng cháy của mình.

Nhưng tình yêu đôi khi chẳng cần to tát, lớn lao đến thế. Có thể, nó chỉ là cái nhíu mày đầy tư lự của một CĐV khi Tuấn Anh, Xuân Trường bị đối phương đốn giò trên tivi. Có thể, nó chỉ là một tấm áo lót ghi vội mấy dòng tri ân mẹ của Tuấn Tài. Có thể, nó chỉ là vòng tay siết chặt của bầu Đức trong ngày ký hợp đồng đưa Công Phượng sang Nhật. Cũng có thể nó chỉ là chút tâm huyết của dân làng đắp pho tượng Người đá để cổ vũ con em mình mỗi khi ra sân bóng phủi, hay những giọt nước mắt của một cầu thủ phong trào sau thất bại do không hoàn thành lời hứa và cả tâm nguyện với người anh của mình…

Bóng đá vị nhân sinh là thế, khi nó “chiết xuất” ra thứ tình yêu bất biến. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội