Café 24h: Kéo co và... có keo
Một cái tin rất nghiêm túc, dù kéo co được vinh danh không hoàn toàn giống với môn thể thao kéo co hiện đại. Đó là một nghi lễ cầu mong mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh và xóm làng bình yên.
Dù là nghi lễ hay môn thể thao thì kéo co cũng làm cho con người ta gần nhau hơn, vui vẻ hơn. Thế nhưng, chuyện không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy.
Tôi nhớ một dịp, gặp ông anh là lãnh đạo một tờ báo. Hỏi anh có khỏe không, anh cười buồn: “Khỏe, vì chơi thể thao thường xuyên”.
Định mừng cho anh vì chắc dạo này có thời gian đánh golf hay chí ít là tennis thì anh nói: “Là chơi kéo co. Ở nơi khác thì người ta cùng nắm một đầu dây, kéo cơ quan ra khỏi chỗ gian khó, chứ chỗ anh chia phe, mỗi nhóm nắm một đầu…”. Chả cần nói thêm, chỗ của anh là siêu mất đoàn kết. Không cùng nhìn về một hướng, không cùng nắm đầu dây thì… chỉ có chết. Một thời gian sau, thấy anh chuyển cơ quan.
Giờ, nghe chuyện ông nói về tình hình bóng đá Việt Nam, rằng: “Tôi làm bóng đá đâu chỉ cho HA.GL mà là còn vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, muốn bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành tích cao. Nhưng lâu nay tôi thật sự chán nản làm bóng đá vì ghen ghét, thói đố kỵ của nhiều người”. Cái sự ghen ghét, đố kỵ cũng là một kiểu kéo co.
Góc nhìn của ông Đoàn Nguyên Đức là góc nhìn của một ông bầu, nhưng nếu là góc nhìn của lãnh đạo VFF thì cũng lại là câu chuyện phải suy nghĩ. Lâu nay, trong số các vị lãnh đạo ở VFF vốn được cho là “không mất đoàn kết vì có đoàn kết đâu mà mất”. Ở thời điểm hiện tại, 4 ông thì 3 hướng, còn hơn cả chơi kéo co.
Không chỉ có câu chuyện ghen ghét, đố kỵ. Bây giờ, câu chuyện của HLV Miura là cực kỳ khó khăn bởi cái trò kéo - co này. Không gọi cầu thủ HA.GL cũng bị chửi, gọi cũng chưa chắc yên thân. Đó là chưa kể việc phải lấy nòng cốt dự SEA Games năm sau là thành phần U.19 từng đá năm 2014 (nói một cách chính xác là nòng cốt phải là quân HA.GL dự SEA Games).
Chuyện đưa lứa U.19 năm 2014 dự SEA Games 2017 đã đưa vào… Nghị quyết của VFF rồi. Nhưng ông Miura là người Nhật, đâu có biết “Nghị Quyết” là cái ông nào, chỉ thấy công việc của mình cứ liên tục bị can thiệp, kéo chỗ này, co chỗ nọ.
Cái cần nhất là đoàn kết để làm việc, là phải “có keo” thì lôi nhau ra kéo co.
Chỉ mong, UNESCO không công nhận môn kéo co kiểu này, dù ở nhiều nơi, nó cũng là một thứ di sản, như bóng đá chẳng hạn.