Café 24h: “Cầu thủ... quốc dân”
Cứ theo cái định nghĩa là đội bóng quốc dân, tôi chợt nhớ đến bộ phim mang tên “Quốc sản” do danh hài Châu Tinh Trì của Hồng Kông (Trung Quốc) sản xuất. Quốc sản là bộ phim hài, nhại theo phong cách serie phim 007 nhưng ở Quốc sản, thay vì một điệp viên tài giỏi thì lại là một anh chàng láu cá, gặp may.
Đôi khi những kẻ bất tài nhưng gặp thời vẫn có thể trở thành những người có vị trí quan trọng trong cuộc sống. Nhưng điều ấy rất khó đến với bóng đá - vốn là sân khấu 4 mặt như lời bầu Kiên từng nói. Cái hay, cái dở, cái tốt đẹp của anh trong 90 phút của trận đấu hay của cả một giải đấu nó lồ lộ ra, không che chắn được. Mấy chục ngàn người trên sân, chưa kể tới bao nhiêu khán giả trên truyền hình.
HA.GL được yêu quý không phải tự nhiên có được điều ấy. Hôm qua, trên sân có khán giả đã chia sẻ rằng trong phần giới thiệu quan khách, khi lãnh đạo VFF được xướng tên thì tiếng vỗ tay chỉ lẹt đẹt. Nhưng khi loa phóng thanh nhắc tên bầu Đức thì tiếng vỗ tay át cả tiếng mưa tầm tã trên đất Sài Gòn.
Khán giả khoái ông Đức, khoái HA.GL là có lý do. Thế nên, chuyện đội tiếng là tuyển nhưng không được yêu quý bằng Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy… cũng là điều bình thường. Chẳng có thể ép buộc ai yêu ai, hâm mộ ai. Điều duy nhất để chiếm trọng tình cảm của NHM, chỉ là cố gắng thi đấu và chiến đấu.
Hôm qua, đội quân của bầu Đức một lần nữa chứng minh được tại sao họ được yêu quý đến thế. Có cảm tưởng như với mỗi cầu thủ U.21 HA.GL, họ không đá chỉ vì màu cờ sắc áo của CLB mà hơn thế, như thể là gánh nặng của… quốc gia.
Chính vì thế, hôm qua U.21 HA.GL vô địch như có cảm tưởng ĐTQG, hay một đội trẻ của Việt Nam vừa vô địch một giải đấu nào đó.
Hôm qua, HA.GL mang hình bóng một “đội bóng quốc dân”: Một CLB có ảnh hưởng với NHM còn lớn hơn cả các Đội tuyển.
, một lần nữa khiến tất cả ngất ngây bởi cách chơi bóng của một ngôi sao. Bàn thứ nhất là một bàn thắng thể hiện đẳng cấp, bàn thứ hai thể hiện nỗ lực và xả thân bất chấp nguy cơ có thể va vào cột cầu môn.
Phượng từng nghi bàn vào lưới U.19 Australia, U.19 Nhật Bản và bây giờ là U.19 Hàn Quốc. Chỉ một chút đáng tiếc, đó vẫn là một giải trẻ, với những đội bóng trẻ.
Cần phải thoát khỏi tiếng trẻ để thực sự trở thành “cầu thủ quốc dân”.