Cafe 24h: Chờ Thắng
Có vẻ là một ngày đẹp, hoặc chí ít là dễ nhớ về một sự kiện: ngày 3/3. Tuy nhiên, hôm qua có người dẫn câu chuyện, chưa biết độ chính xác thế nào kể về một người “bấm quẻ” và khuyên rằng đừng ký hợp đồng ngày 3/3, tức ngày 25 tháng Giêng Âm lịch. Vì đó là ngày xấu, không tốt cho những việc ký kết. Tốt nhất là sớm hơn, hoặc muộn lại một ngày. Âu cũng là người hâm mộ lo cho đội tuyển và muốn mọi việc chu toàn.
Thực tế thì soi cả lịch vạn niên thì hôm nay, ngày Giáp Thân, cũng vẫn là một ngày… bình thường, có tốt, có xấu và quan trọng là giờ ký kết vẫn được chú là “tốt mọi việc”.
VFF chọn một ngày đẹp, một HLV trưởng có tên đẹp- ít nhất là với bóng đá: Thắng. Bóng đá cần thắng. Nó như một thông điệp. Với bóng đá Việt, cái tên ông HLV có thể trở thành cái vận của chính đội tuyển. Có ông Tavares- nghe đã thấy… lạnh. Có ông Letard- “tát” VFF một vố đau. Có ông Falko Goetz bị đọc trại thành Fan- Không-Quyết. Gần nhất, có ông Miura- chẳng họ hàng gì với… Miu Lê nhưng bị Miu…vào đến nỗi phải xách va li về nước.
Nói vui vậy thôi, không phải cứ có Hữu Thắng là tuyển đá trận nào thắng trận đó. Có dạo, Hữu Thắng làm HLV SLNA đã mấy trận chỉ hòa, fan SLNA đòi đổi tên thành HLV Nguyễn Hữu… Hòa.
Vấn đề là làm sao để thắng. Một mình Hữu Thắng có thắng được không. Xin thưa luôn là không. Các HLV trước Hữu Thắng không phải là không giỏi, những HLV nội không nhận lời làm việc với VFF chẳng phải là bất tài. Cái khó của tất cả những người này là cơ chế. Chưa bao giờ một HLV nội có được cơ chế, lương thưởng như một HLV ngoại. Cái thất bại của những Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng chính là ở chỗ đó.
Hữu Thắng chỉ là một mắt xích của quá trình, anh tác động nhưng không phải là người có tính chất quyết định. Nền tảng mới có tính quyết định.
Nền tảng ấy là một giải V.League vẫn thiếu sự chuyên nghiệp và độ chăm sóc những cầu thủ trẻ. Xa hơn, nền tảng ấy là cả một thế hệ thanh niên.
Hôm qua, một cuộc hội thảo về chính sách phát triển thanh niên được tổ chức. Những con số đưa ra từ hội thảo này đáng lo ngại: Về tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 164,4cm (thấp hơn 13cm so với chuẩn), trung bình chiều cao nữ Việt Nam là 153,4cm (thấp hơn 10cm so với chuẩn). So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thanh niên Việt Nam kém hơn.
Chiều cao của thanh niên Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, ví dụ so với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8cm. Người Việt Nam kém người Trung Quốc 7cm, kém Thái Lan và Singapore là 5 - 6cm.
Các số liệu được báo cáo này dẫn ra cũng cho thấy tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.
Thế thì, chỉ trông vào Hữu Thắng để chờ “thắng” là lạc quan tếu. Nó phải là câu chuyện của cả nền bóng đá và của xã hội. Hữu Thắng vẫn có thể mang lại những kỳ vọng nhưng rất khó bền vững nếu không có sự thay đổi.
Đó là điều người ta cần khi chọn một HLV nội, như là chọn một sự thay đổi thật về tư duy.