Chóng, nhưng vẫn... chậm
Những ngày này, “hot” nhất đương nhiên là sự kiện Mourinho chia tay Chelsea ở trời Tây. Nhưng bóng đá nội cũng dậy sóng với việc Quế Ngọc Hải và trợ lý Đức Thắng vào tận nhà Anh Khoa để trao tiền nợ.
Tấm ảnh người cha tội nghiệp của Anh Khoa gò lưng ngồi đếm tiền bên cạnh nhân viên của SHB.Đà Nẵng được cộng đồng mạng “chế” ngay thành dạng… bán tôm bán cá và lập tức lan toả với hàng nghìn “like” cùng vô số lời bình phẩm. Một tấm ảnh vui, nhưng cười ra nước mắt và khiến tất cả những ai yêu bóng đá Việt đều nhức nhối.
Nhìn kỹ vào tấm ảnh đó, bố của Khoa mặt cúi gằm cam chịu, bản thân cầu thủ “nạn nhân” thì ngồi thừ ra như mất hồn, trong khi Đức Thắng và Ngọc Hải – đại diện cho bên bị coi là “thủ phạm” lộ rõ sự mệt mỏi và ngao ngán. Chỉ có một người… hăng hái, đó là bà kế toán được SHB.Đà Nẵng cử đến giám sát toàn bộ quá trình thu nợ.
Có thể sự việc đến đây khép lại được rồi, khi tiền đã trao và “án” đã thi hành. Nhưng cũng có thể nó vẫn còn kéo dài thêm nữa, nếu bên phía Đà Nẵng tiếp tục thiếu thiện chí trong việc “truy thu”. Không có mốc thời gian nào làm chuẩn, không có số tiền nào là giới hạn. Và cũng không có một nhân vật nào của VFF, đại diện cho “Toà án bóng đá”, xuất hiện ở đó để đưa ra phán quyết cuối cùng về một bản án “điểm” chưa từng có tiền lệ.
Cũng dễ hiểu thôi, bởi các “yếu nhân” VFF khi đó đều đang bận chụm đầu lại để sửa đổi, bổ sung luật sau những bất cập nảy sinh chính từ vụ việc này.
Chưa biết đến bao giờ nỗ lực mang tính tư duy tập thể rất cao đó của VFF mới phát huy tác dụng, chỉ biết rằng một cá nhân của VPF thì đã hành động và tìm cách mở ra cái “hành lang” còn thiết thực hơn cả luật để xử lý những sự cố kiểu Ngọc Hải – Anh Khoa.
Cái hành lang ấy vừa hữu ích, vừa rộng rãi (và quan trọng là còn miễn phí). Nó là những hợp đồng bảo hiểm dành cho 920 người, bao gồm cầu thủ, trọng tài, giám sát… đang hoạt động ở V.League và hạng Nhất trong 2 mùa 2016/17. Nghĩa là khi đã nằm trong diện được mua bảo hiểm, những ai đang đổ mồ hôi công sức ra phục vụ bóng đá nội sẽ không còn phải quá bận tâm đến những rủi ro, điển hình như chuyện chấn thương hay trả nợ chấn thương. Đương nhiên cũng không còn tình trạng bêu riếu, nhiếc móc nhau vì từng chiếc hoá đơn, chứng từ, dẫn đến cái gọi là “trẻ con mất lòng người lớn” như SLNA với Đà Nẵng…
Công đầu trong việc tạo dựng hành lang cho gần một nghìn người đi này thuộc về ông Cao Văn Chóng – vừa được đưa lên ghế Tổng giám đốc VPF như một thế cờ. Ông Chóng làm việc này không những “chóng vánh” mà còn miễn phí, tức là cả VPF lẫn các cầu thủ, giám sát, trọng tài hay các đội bóng đều không phải bỏ tiền túi ra mua bảo hiểm.
Đây có lẽ là chuyện nhân văn nhất trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên của VPF diễn ra ngày hôm qua, và ông Chóng cũng sẽ rất nhanh “ghi điểm” trên cương vị mới. Nhưng dù nhanh đến mấy, ông vẫn chậm một bước so với sự cố Ngọc Hải – Anh Khoa, và những bước tiên phong của ông sẽ vẫn bị coi là đi… “vá lỗi”.