Chuyện cổ tích ở xứ Nghệ
Động lực từ một giải đấu
Huyện Nghi Lộc cách không xa thành phố Vinh. Trong quá khứ, Sông Lam đã từng đặt “chân rết” ở đây nhưng sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, đội bóng xứ Nghệ đã xoá tên từ năm 2014. Bóng đá nơi đây vốn kém phát triển nên khi lò Sông Lam xoá sổ lớp năng khiếu, trẻ em nơi đây hầu như không còn cơ hội trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Đó là lý do, trong hệ thống đào tạo trẻ Sông Lam cũng như đội 1, có rất ít cầu thủ người địa phương này.
Không có động lực nên nhiều năm trở lại đây, huyện Nghi Lộc chỉ cử đội nhi đồng đi tham gia giải toàn tỉnh cho có, còn đội thiếu niên thì không tập trung được nên không tham gia. Nói về phong trào bóng đá ở Nghi Lộc, ai cũng lắc đầu, thất vọng.
Với mong muốn vực dậy phong trào bóng đá tại địa phương này, BTC Festival bóng đá học đường U.13 Yamaha năm 2015 đã quyết định chọn Nghi Lộc là nơi tổ chức vòng loại khu vực Nghệ An. Một giải bóng đá với cách thức tổ chức mới, gắn liền với giáo dục nhà trường nên được mọi người rất ủng hộ. Còn nhớ mùa Hè năm ngoái, dưới cái nắng có ngày lên tới trên 40 độ C, hàng ngàn người vẫn kéo về SVĐ huyện Nghi Lộc để chứng kiến cuộc so tài giữa các trường Trung học trên địa bàn.
Những ngày giải đấu diễn ra, không khí ở SVĐ huyện Nghi Lộc cứ như ngày hội. Ngoài sự háo sức của trẻ con, các bậc phụ huynh cũng nhận ra rằng, bóng đá có một vai trò lớn và cần động viên con em mình đầu tư thời gian và tích cực tham gia. Vòng loại kết thúc với 2 tấm vé đi dự VCK được trao cho THCS Hưng Đồng và THCS Nghi Long. Thế nhưng, sức lan toả của giải đấu là rất lớn, có ý nghĩa tạo động lực, cho phong trào bóng đá địa phương nói chung, bóng đá trong học đường nói riêng.
Trong những ngày chuẩn bị cho VCK Festival bóng đá học đường U.13 2015 diễn ra ở Hà Nội, THCS Hưng Đồng và Nghi Long đã tích cực cho cầu thủ luyện với những giáo án rất đặc biệt. Địa phương quan tâm, ngành giáo dục ủng hộ nên chưa bao giờ, không khí bóng đá ở Nghi Lộc trở nên náo nhiệt như vậy. Hình ảnh thầy Trần Văn Dìn và các cầu thủ THCS Nghi Long miệt mài tập luyện vào các buổi chiều đã trở nên quá quen thuộc. Người cho quả ổi, người mua cho ít chai nước ngọt, người ủng hộ 1-2 trăm ngàn…, thầy Dìn và các em học sinh cảm thấy động lực chưa bao giờ lớn như vậy.
Chiếc cúp ý nghĩa
Từ động lực của Festival bóng đá học đường được tổ chức tại địa phương, Trung râm Văn hoá Thể thao huyện Nghi Lộc đã quyết định thành lập đội thiếu niên của huyện tham gia giải toàn tỉnh sau nhiều năm bị giải tán. Lấy nòng cốt là các em của 2 trường THCS tham dự VCK Festival bóng đá học đường U.13 tại Hà Nội nên với các em, trong một mùa Hè, họ có 2 mục tiêu lớn để hướng tới.
Mặc dù thất bại ở VCK Festival bóng đá học đường U.13 nhưng khi trở về với giải bóng đá thiếu niên toàn tỉnh Cúp Báo Nghệ An, thiếu niên Nghi Lộc lại mang đến một nét rất mới, làm bất ngờ các đối thủ. Đầu tiên là phong cách, khi thiếu niên Nghi Lộc ngoài HLV, còn có cả săn sóc viên và đội ngũ trợ lý rất chuyên nghiệp. BHL thiếu niên Nghi Lộc cho biết, họ học được phong cách chuyên nghiệp ấy từ chính Festival bóng đá học đường.
Nhiều năm không tham gia giải nhưng thiếu niên Nghi Lộc đã khiến tất cả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và kết thúc bằng trận chung kết như mơ với thiếu niên huyện Yên Thành. Theo đó, hết hiệp 1, thiếu niên Nghi Lộc bị dẫn 2 - 0 nhưng bằng ý chí và nghị lực, họ đã có màn lội ngược dòng ngoạn mục, thắng chung cuộc 3 - 2.
Thiếu niên Nghi Lộc vô địch trước sự bất ngờ của tất cả mọi người. Ngoài chiếc cúp, thành công của thiếu niên Nghi Lộc còn mang ý nghĩa, “cứu rỗi” giấc mơ của nhiều trẻ em mê bóng đá. Hiện nay, 3 cầu thủ của thiếu niên Nghi Lộc vô địch năm 2015 đã có mặt ở lò Sông Lam và được đánh giá cao.
Từ Festival bóng đá học đường U.13 được tổ chức ở địa phương, thiếu niên Nghi Lộc được thành lập và cử đi thi đấu sau bao nhiêu năm bị giải tán. Họ vô địch và tạo động lực lớn cho phát triển bóng đá tại địa phương. Đó là điều đặc biệt, nếu nhìn về một giải đấu. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc cho biết: “Festival bóng đá học đường do Yamaha tổ chức đã tạo ra sân chơi tích cực cho các học sinh. Bên cạnh rèn luyện thể thao, giải đấu còn nuôi dưỡng đam mê, tạo động lực để các em nỗ lực trong học tập. Ngành giáo dục của huyện hy vọng, giải đấu sẽ được tổ chức hằng năm tại địa phương này”.
Năm nay, vòng loại Festival bóng đá học đường U.13 tiếp tục được tổ chức ở huyện Nghi Lộc. Sau năm đầu thành công ngoài mong đợi, tất cả đang háo hức chờ đợi giải đấu lần thứ 2. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, vì những ý nghĩa lớn lao của giải đấu, địa phương nói chung, ngành giáo dục Nghệ An nói riêng sẽ tạo mọi điều kiện để đơn vị tổ chức thực hiến các công việc của mình.
Tác động lớn Sau Festival bóng đá học đường được tổ chức và góp phần khơi dậy phong trào bóng đá trẻ tại địa phương, “lò” Sông Lam đang xúc tiến các phần việc cuối cùng để xây dựng lại hệ thống “chân rết” ở huyện Nghi Lộc. Đây thực sự là tin vui với trẻ em yêu bóng đá huyện Nghi Lộc. Tất nhiên, niềm vui này, có phần tác động rất lớn từ giải bóng đá Festival bóng đá học đường được tổ chức cách đây 1 năm tại huyện Nghi Lộc.
Giải đấu “cứu rỗi” đam mê của trẻ con
Nếu không có Festival bóng đá học đường, trẻ em ở Nghi Lộc có lẽ chỉ biết chơi bóng theo đam mê, chứ khó nuôi dưỡng nó để hy vọng trở thành cầu thủ nổi tiếng. Sau khi “chân rết” của lò Sông Lam bị giải tán, bóng đá nơi đây giống như “vùng trũng”, thiếu động lực để phát triển. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi từ một giải đấu. Hiện nay, ngoài háo hức với Festival bóng đá học đường lần thứ 2, bóng đá Nghi Lộc còn tích cực chuẩn bị cho giải đấu quan trọng sắp tới là VCK thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh mà thiếu niên Nghi Lộc là ĐKVĐ.