Có nên dời V.League sang năm 2022?
Mòn mỏi chờ đợi
Do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành ở Việt Nam trong thời gian gần đây, VPF quyết định tạm dừng kế hoạch tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia bao gồm V.League và hạng Nhất từ ngày 31/7 như đã thông báo trước đó.
Thời điểm hiện tại, có CLB đang tập luyện, có CLB phải xả quân. “Sau khi nhận thông báo hoãn, Sài Gòn FC đã điều chỉnh kế hoạch tập luyện. Trước đó, chúng tôi tập luyện theo nhóm nhỏ, vận động ngoài trời với bóng. Cầu thủ sinh hoạt, ăn uống đúng với quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề ra trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp”, HLV Phùng Thanh Phương cho hay.
Với SLNA, trong bối cảnh đội đang đứng cuối bảng, lại có nhiều thay đổi về cấp thượng tầng, đây là quãng thời gian để đội bóng có sự chuẩn bị tốt cho ngày trở lại. “Việc nghỉ V.League dài ngày là cơ hội để SLNA bổ sung lực lượng, đặc biệt là thử nghiệm các cầu thủ trẻ. Không chỉ riêng SLNA mà bất kể câu lạc bộ nào cũng thế, quãng nghỉ là cơ hội để họ ổn định lực lượng, tìm ra những vị trí tốt nhất cho đội hình thi đấu trong ngày trở lại”, HLV Nguyễn Huy Hoàng nói.
Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng của SHB Đà Nẵng bày tỏ: “V.League cứ hoãn đi hoãn lại như vậy ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tập luyện của Đà Nẵng. Chúng tôi đã tập hơn 1 tháng trong hoàn cảnh cứ phải chờ đợi cũng khá là mệt mỏi. Hiện tại, BHL tạm thời cho các cầu thủ nghỉ mấy ngày rồi tính tiếp”.
Có khả thi khi dời V.League 2021 sang 2022?
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, CLB thấu hiểu với quyết định tạm dừng vô thời hạn V.League 2021 của VPF. “Tôi nghĩ việc phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chung của toàn cầu, bất kể nước nào tổ chức bóng đá chuyên nghiệp đều gặp cản trở về công tác tổ chức.
Thông qua kế hoạch phòng chống dịch của Chính phủ, hoãn V.League là hợp lý bởi có ích cho cộng đồng. Đến khi nào giải đấu có thể trở lại, chúng tôi sẽ có những kế hoạch tập luyện phù hợp để cầu thủ có được điểm rơi phong độ tốt nhất”, HLV Huy Hoàng nói.
“V.League tiếp tục hoãn vô thời hạn khiến các đội bóng gặp nhiều khó khăn nhưng đây là điều không ai mong muốn. Thời điểm này, cùng nhau chung tay đẩy lùi, ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 là vấn đề cấp bách”, HLV Phùng Thanh Phương cho biết.
Song, trước tình cảnh hiện tại, nhiều đội bóng chờ vào phán quyết sớm từ phía VPF. Mới đây, chuyên gia Phan Anh Tú gợi ý: “Với hoàn cảnh dịch bệnh hiện tại, các đội bóng sẽ rất cập rập trong công tác chuẩn bị, sau đó lại phải thi đấu một cách vội vàng,... Chính vì thế, việc tạm hoãn V.League ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý.
Từ giờ đến cuối năm, ĐTQG có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Mọi kế hoạch vẫn đang ưu tiên cho đội tuyển, thế nên quan điểm của tôi là nên chấp nhận phương án V.League dời sang năm sau”.
Về vấn đề này, các CLB cũng có những ý kiến khác nhau. “Khi có công văn, văn bản chính thức chúng tôi mới trả lời được. Đây chỉ là ý kiến của cá nhân đưa ra nhằm tham khảo, khảo sát. Tôi nghĩ nếu BTC đưa ra vấn đề cụ thể nào đó thì phải dựa trên ý kiến của các đội bóng tham dự giải”, một lãnh đạo của CLB Bình Dương cho biết.
HLV Phùng Thanh Phương của Sài Gòn cho rằng: “Với tình hình hiện tại, chúng ta nên chung tay đẩy lùi dịch COVID-19 trước. Sau khi dịch bệnh được khống chế, ban tổ chức giải, các đội bóng nên họp bàn với nhau, thống nhất về phương án giải sẽ trở lại”.
Trong khi đó, HLV Phan Thanh Hùng nói: “Bây giờ tình hình dịch bệnh phức tạp. Đó là chuyện khách quan rồi, mình cũng phải chịu thôi. Quan trọng là VFF, VPF phải có kế hoạch cụ thể cho các CLB, chứ không các đội cứ tập mãi nhưng lại không thi đấu như vậy cũng không ổn và cảm giác rất mệt mỏi.
Điều quan trọng nhất bây giờ là khống chế được COVID-19, tiêm vaccine đầy đủ thì tiến hành thi đấu như các giải châu Âu, cứ vừa chống dịch, vừa thi đấu. Tôi nghĩ, trong tương lai mình có vaccine rồi thì sẽ an toàn hơn và đá thoải mái hơn, đó là phương án hợp lý nhất. Từ giờ đến cuối năm, chắc khó tổ chức V.League vì lịch trình của ĐTQG và U23 đã dày đặc. Nếu có phương án dời sang năm sau thì cũng đành thôi”.
Không chỉ V.League, các đội bóng hạng Nhất cũng gặp nhiều khó khăn với bối cảnh hiện tại. Đặc biệt, vấn đề kinh phí để hoạt động là bài toán nan giải. Một lãnh đạo CLB hạng Nhất ở khu vực phía Nam cho hay: “Chúng tôi đã rất cố gắng với nguồn tài chính eo hẹp để trụ vững ở mùa giải 2021. Chúng tôi chưa thấy VPF, VFF có kế hoạch chia sẻ, hỗ trợ các đội bóng khó khăn khi giải đấu kéo dài, dịch diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh nếu giải đấu kéo dài sang năm 2022, các đội sẽ rất khó khăn về kinh phí, đặc biệt những đội có tài chính eo hẹp như chúng tôi”.
Trước khi có thông báo hoãn vô thời hạn, VPF đưa ra kế hoạch về việc V.League 2021 sẽ trở lại vào ngày 31/7 và kết thúc ngày 22/8. Tức là, số ngày để đưa giải đấu “hạ cánh an toàn” là 23. Từ nay đến cuối năm, bóng đá Việt Nam dồn trọng tâm ở hai giải đấu chính cấp độ ĐTQG là vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và AFF Cup 2020.
Trong ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11, tuyển Việt Nam thi đấu hai trận/tháng. Theo lịch FIFA Days, mỗi lần tập trung sẽ mất ít nhất 10 ngày. Như vậy, V.League sẽ khó thể tổ chức trong giai đoạn này. Trong khi đó, vào tháng 12, tuyển Việt Nam thi đấu AFF Cup 2020 dự kiến tổ chức từ 5/12 đến 1/1/2022. Do đó, trường hợp khả dĩ để tổ chức V.League 2021 đúng tiến độ chỉ diễn ra trước tháng 9. Song, với diễn biến dịch COVID-19 hiện tại, đó là bài toán nan giải với VFF và VPF.
Ở mùa giải 2020, các giải VĐQG Đông Nam Á buộc phải đưa ra những quyết định chưa từng có trong lịch sử. Sau năm vòng đấu, Thai.League nghỉ đến hơn 6 tháng. Thay vì tổ chức trong năm 2020, BTC giải VĐQG Thái Lan kéo dài mùa giải đến tháng 3/2021.
Giải VĐQG Indonesia buộc phải hủy sau khi chỉ thi đấu đúng 3 vòng. Đến hiện tại, Indonesia Super Liga chưa hẹn ngày trở lại. Ở Malaysia, giải VĐQG nước này phải khép lại sau 11 vòng và chọn nhà vô địch ở thời điểm đó là Johor Darul Ta’zim. Giải VĐQG Philippines chọn ra nhà vô địch sau đúng… 5 vòng đấu vì kế hoạch thay đổi liên tục sau diễn biến phức tạp từ dịch COVID-19.
Phương Nam - Yên Lãng