Công Phượng: Điên mới sang… Bỉ
“Khi mua cầu thủ nào về CLB thì phải phù hợp với chuyên môn của đội bóng đó. Nhiều người nói với tôi rằng Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh ra nước ngoài thi đấu vì yếu tố thương mại. Nhưng khi tôi hỏi ngược lại, thương mại là gì? Thì không ai trả lời được.
Tôi trả lời luôn thương mại là mua bán và kinh doanh, nằm ngoài yếu tố chuyên môn. Một ông Chủ tịch bỏ tiền ra số tiền lớn để mua cầu thủ về làm thương mại thì tôi gọi đó là thằng điên”, bầu Đức, vẫn với chất giọng quen thuộc, nói về thương vụ Công Phượng chuyển sang Sint-Truidense.
Phượng là trường hợp khá đặc biệt. Anh nổi lên từ các giải trẻ với những pha xử lý đầy ngẫu hứng rồi sau đó trở thành “ngôi sao quốc dân”. Phượng đi đến đâu, luôn có đội ngũ hùng hậu người hâm mộ chào đón bất chấp phong độ của anh thiếu sự ổn định.
Thực tế, ngoài các giải trẻ, dấu ấn của tiền đạo xứ Nghệ tại các giải đấu quốc tế lớn không thật đậm nét. Phượng thất bại ở AFF Cup 2016, SEA Games 2017 và chỉ thành công khi HLV Park Hang Seo đến với bóng đá Việt Nam. Ấy vậy, dưới thời nhà cầm quân người Hàn Quốc, vai trò của Công Phượng không quá đậm nét như Đình Trọng, Quang Hải, Quế Ngọc Hải, Đặng Văn Lâm…
Tuy nhiên, vượt trên tất cả, Công Phượng luôn là tâm điểm ở các thương vụ chuyển nhượng. Anh từng đến Mito Hollyhock (Nhật Bản) vào năm 2016 khi chưa khẳng định quá nhiều về dấu ấn chuyên môn ở các giải đấu lớn.
Tại đây, Phượng chỉ ngồi ghế dự bị, đi phát tờ rơi và thừa nhận: “Tôi tới Mito Hollyhock để học hỏi và thực sự mọi người đã giúp tôi cải thiện kỹ năng chơi bóng của mình”. Một chuyến “xuất ngoại” đúng nghĩa của đi du học.
Ba năm sau, anh đến với Incheon United với bản hợp đồng cho mượn nhưng rồi cũng thất bại. HLV Jorn Andersen của Incheon United từng chê Công Phượng thể lực yếu, tranh chấp kém. Đó là nguyên nhân khiến anh không trụ lại ở Hàn Quốc.
Và rồi, anh bất ngờ sang châu Âu, ở một giải đấu chất lượng của Bỉ nhờ bàn tay của ông Lee Dong-jun, người đại diện của HLV Park Hang Seo. Phượng luôn được kết nối bởi những vệ tinh xung quanh.
Thật trùng hợp khi hai trong ba lần xuất ngoại, buổi lễ ra mắt được tổ chức ở Việt Nam. Điều này đi ngược với xu thế ra mắt tân binh của bóng đá thế giới. Nhưng với Phượng, anh lại có đặc ân khác.
Bầu Đức cưng Công Phượng tới mức: “Tôi chỉ muốn cho Phượng xuất ngoại với hợp đồng cho mượn, còn nếu muốn bán đứt thì đã cho sang Pháp lâu rồi. Tôi nói là chịu, bán Công Phượng bán bao nhiêu tiền cho đủ. 10 triệu USD chăng? Vậy cũng có nghĩa lí gì với tập đoàn HAGL, vì Công Phượng đã là biểu tượng của CLB”.
Công Phượng như “báu vật” cho ông bầu đội bóng phố Núi. Bầu Đức cũng tiết lộ, ông từ chối khá nhiều các đội bóng của Pháp và Thái Lan để đưa Công Phượng đến với Bỉ bởi ở đó “lương Phượng một tháng ở đây bằng lương cả năm của cầu thủ ở Việt Nam thì cớ sao không cho đi? Một Công Phượng đã bằng 12 người khác thì quá tốt rồi còn gì”.
Bóng đá không phải phép toán đơn giản. Một cầu thủ có thể thất bại ở môi trường Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng có thể thành công ở môi trường khắc nghiệt, đẳng cấp hơn như Bỉ là câu chuyện hết sức bình thường.
Tuy nhiên, với Phượng, anh cần khẳng định “có điên mới bỏ tiền lớn ra mua cầu thủ để thương mại” bằng yếu tố chuyên môn. Câu trả lời vẫn cần thời gian.