Cafe 24h: Đồ dỏm của Nhật hơn đồ thật của ta?
Thế hệ giữa 7x và đầu 8x hoàn toàn hiểu được khái niệm về đồ Nhật. Chiếc Super Cup màu ốc bươu kim vàng giọt lệ móc từ bãi rác bên Nhật khi sang Việt Nam trở thành một thứ hàng xa xỉ. Chiếc tivi màu Sanyo vỏ đỏ từng là biểu tượng của sự giàu sang. Chiếc xe đạp mini Nhật vốn là niềm ao ước của cả triệu thiếu nữ...
Nhật Bản là một thứ gì đó mang tính chân lý: Đẹp, bền, tốt, rẻ rất phù hợp với tâm lý người Việt ưa cái gọi là “nồi đồng cối đá” và khái niệm “ngon, bổ và rẻ” của công thức RTC - rượu thịt chó.
Bóng đá Nhật có thời chẳng có gì để khoe. Thế nên, mới có chuyện mấy nhà báo đàn anh cứ thỉnh thoảng lôi giai thoại về chiếc giày nhỏ từ thập niên 60 của thế kỷ trước ra nói chuyện. Ý là ngày xưa người Nhật sang Việt Nam và thấy bóng đá Việt Nam (thực chất là miền Nam Việt Nam) phát triển rực rỡ và họ tự ví mình như chiếc giày nhỏ so với chiếc giày thật của bóng đá Việt.
Bóng đá Nhật lớn mạnh, cùng sự phát triển về kinh tế, xã hội. Họ dự World Cup còn bóng đá Việt Nam vẫn cứ xỏ ra xỏ vào với đôi giày thật và giả của mình.
Cái bệnh của nhiều người Việt là nhanh chóng tự mãn, ít chịu học hỏi và hay chê bai. Thế nhưng, cái gì đã được nâng lên thành chân lý thì lại thấy cao vời vợi. Bóng đá Việt loay hoay một hồi với các loại triết lý, rồi quay sang học bóng đá Nhật. Mấy đoàn sang Nhật học cách làm bóng đá nhưng có lẽ chưa thể thẩm thấu được tính cách chỉn chu của người Nhật nên giờ quay sang Hàn Quốc.
Trong khi đó, ông Miura được kỳ vọng là mang “chất Nhật” đến với bóng đá Việt thì có vẻ như bị Việt Nam hóa. Cái sự chỉn chu của người Nhật có được, sau khi họ đã phải trả nhiều cái giá đắt. Để có được sự chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhặt, là cả một quá trình thay đổi ý thức của nhiều thế hệ.
Với người Nhật, chế tạo cái ốc vít quan trọng như chế tạo ô tô, nghĩa là phải chuẩn chỉnh, không có sự hời hợt.
Điều này thấy ngay từ mấy trận đấu của đội bán chuyên nghiệp JFL Selection khi thi đấu với U.23 VN của Miura. Hãy thử hình dung, nếu JFL Selection là một đội bóng của Việt Nam thì ở trận lượt về, kiểu gì cũng “thả” cho U.23 VN vài quả gọi là làm quà, giữ thể diện cho chủ nhà.
Nhưng người Nhật, trong đó có ông Miura không chắc đã muốn điều đó. Trong những buổi đấu tập, thất bại có khi còn giúp ích nhiều hơn là những chiến thắng.
Thế nên, nếu có trách móc Miura thì cũng nên nghĩ lại. Và suy cho cùng, nên theo hướng lạc quan: Đồ giả của Nhật hơn đồ thật của ta. Mà chắc rằng, Miura không phải… giả.