“Găng tay vàng” Đặng Kiều Trinh: Tôi cố gồng trả nợ tiền mặt bằng vì COVID-19
Webthethao: Sau gần 2 năm chia tay sự nghiệp bóng đá đỉnh cao, Kiều Trinh còn nhớ khung thành đội tuyển?
Kiều Trinh: Thật sự những ngày đầu khi chia tay bóng đá, nhất là khi xem đội thi đấu trên tivi, tim vẫn còn đập nhanh và hồi hộp lắm. Gần 20 năm theo bóng đá, không cùng ĐT tập luyện, thi đấu thì cũng có chút nhớ nhung.
Đôi găng tay, trái bóng có lẽ vẫn là thứ Trinh nhớ và yêu mến đến lúc này?
- Khi nghỉ thi đấu và bước sang làm bóng đá trẻ cùng đội U16 TP. HCM, bản thân Trinh cũng có phần vơi đi nỗi nhớ và cảm giác được ra sân. Tất nhiên những kỷ niệm gắn bó với mình biết bao nhiêu năm khi tập luyện, thi đấu thì không thể quên được. Nhưng bù lại, bây giờ được hướng dẫn các bạn trẻ luyện tập cùng lứa U16 TP.HCM, mọi thứ hơn rất nhiều.
Kiều Trinh từng có câu nói sau lưng thủ môn là “địa ngục”, câu nói này Trinh có hay áp dụng với học trò?
- Trinh nghĩ rằng với các bạn đang theo học bóng đá hoặc tập quen với đứng trước khung thành, điều đầu tiên phải có cảm giác thích và đam mê thật sự. Với cầu thủ trẻ mình không nên quá khắt khe, chủ yếu áp dụng chuyên môn, kỹ năng tập luyện, chơi bóng đối kháng nhiều. Điều này sẽ tốt hơn là áp dụng những ngôn ngữ, động từ mạnh mẽ nhiều khi gây phản ứng ngược.
Vậy theo Trinh điều quan trọng nhất với một thủ môn là gì?
- Như kinh nghiệm của Trinh, trước trận đấu hay giải đấu, thủ môn cần tập luyện hoàn thành tốt giáo án của HLV. Trong trận đấu cần tập trung cao độ, chỉ huy tốt hàng thủ trên sân. Nếu như một trận đấu căng thẳng, có thể giải quyết bằng loạt sút luân lưu, ban huấn luyện thường cho xem băng ghi hình, phán đoán các chân sút đối phương. Điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, không cuốn theo tình huống căng thẳng hay phấn khích đánh mất sự tập trung vào những diễn biến trên sân.
Trong khu vực Đông Nam Á, Trinh cảm thấy ngán nhất khi đối đầu với đối thủ nào?
- Trước kia Thái Lan là đối thủ số 1 của bóng đá nữ Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, giờ đây Myanmar cũng là một trong những đội bóng nữ có sự đầu tư khá mạnh. Thái Lan và Myanmar là đối thủ khó của bóng đá nữ Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Nếu có lời mời lên làm HLV thủ môn tuyến trẻ của bóng đá nữ Việt Nam Trinh nghĩ sao?
- Cũng chưa thể nói trước được điều gì. Trinh vẫn còn khá trẻ nếu tính theo nghề HLV. Bản thân đang cùng ban huấn luyện làm đội trẻ U16 TP.HCM. Chắc cần phải thêm thời gian, trải nghiệm nhiều hơn nữa để đón chào những cơ hội và thử thách mới.
Lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng chính phủ vì dịch COVID-19 khiến cuộc sống của Kiều Trinh và học trò gặp khó khăn?
- Sau khi có lệnh cách ly, đội trẻ cũng đã ngưng tập. Giờ đang thất nghiệp mà. (Cười).
Sau gần 20 năm vui buồn cùng trái bóng thì điều đáng tiếc nhất sự nghiệp của Kiều Trinh là gì?
- Trong sự nghiệp, Trinh đã khóc khá nhiều lần vì sự tiếc nuối, uất nghẹn vì thua đau. Hay những giọt nước mắt hạnh phúc khi đứng trên mục vinh quang cùng đồng đội. Nhưng có lẽ, đáng tiếc nhất năm 2014, đội tuyển nữ Việt Nam từng mất vé dự World Cup vào tay Thái Lan một năm sau đó. Khi ấy chúng ta được thi đấu trên sân nhà Thống Nhất nhưng thất thủ 1-2 trước nữ Thái Lan. Cả đội buồn và đầy tiếc nuối.
Được biết mới đây Trinh mở quán cà phê ở TP.HCM, Trinh có thể chia sẻ về điều này?
- Đúng rồi. Trinh có mở quán cà phê cũng nhỏ thôi, bên quận 10. Mọi người ghé ủng hộ nhé! (cười). Trinh cũng muốn mở quán nho nhỏ vì sau thời gian rảnh khi hướng dẫn tập xong cho đội trẻ, trở về với quán. Trinh cũng mong muốn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Dịch bệnh thế này, đóng cửa mất hai tuần rồi, không biết thế nào nữa, cũng đang cố gồng trả tiền mặt bằng.
Trong sự nghiệp cầu thủ, Trinh đã 6 lần vô địch giải VĐQG, 3 lần giành HCV SEA Games, 3 lần vô địch giải Đông Nam Á và 3 lần giành quả bóng vàng nữ Việt Nam. Trước khi theo nghiệp cầu thủ Trinh nghĩ mình sẽ có được thành quả như ngày hôm nay?
- Tôi cũng thấy một phần tự hào về những gì đã làm được. Tuy nhiên, đó là công sức đội bóng, cả tập thể mới có được những thành công ấy. Bản thân Trinh cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy, đồng đội và đặc biệt là gia đình những lúc khó khăn, vui mừng nhất luôn nhắn nhủ, động viên tinh thần.
Nếu cho Kiều Trinh được chọn lại, chị vẫn theo sự nghiệp bóng đá?
-Tất nhiên. Bóng là giờ đây nó như một phần khó có thể thiếu với Trinh vì khi còn thi đấu và bây giờ kết thúc sự nghiệp Trinh vẫn muốn gắn bó với bóng đá.
Nếu có một lời khuyên hay một chia sẻ cho phận nữ nhi đá bóng chị muốn nói điều gì?
- Bản thân Trinh từ ngày đầu theo nghiệp bóng đá cũng không nhận được sự đồng thuận từ gia đình nhưng vì mê quá, bỏ không được. Sau này ba mẹ cũng hiểu và ủng hộ. Trinh đã chia sẻ rất nhiều lần với báo chí, bóng đá nữ hiện tại rất khó khăn, chuyện ăn tập, lương còn thấp, nhiều đội ở giải VĐQG lương còn rất thấp.
Điều Trinh mong muốn nhất là những người làm quản lý bóng đá hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến bóng đá nữ. Đam mê của nữ nhi phải được đảm bảo với thu nhập cuộc sống. Để sau này khi kết thúc sự nghiệp, cầu thủ nữ không rơi vào cảnh thất nghiệp khi mưu sinh.
Cảm ơn Trinh về cuộc trao đổi (!).