Bóng đá Saudi Arabia đặt mục tiêu không tưởng ở World Cup 2030
Saudi Arabia được biết đến là đất nước giàu có với những tỷ phú chịu chơi. Họ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền khổng lồ để thâu tóm các CLB Ngoại hạng Anh hay chi hàng triệu đô la để mua các gói phát sóng những giải bóng đá hàng đầu trên thế giới. Thế nhưng, tất cả đó vẫn chưa choáng bằng kế hoạch táo bạo của nền bóng đá nước này. Đó là đưa VCK World Cup 2030 về với đất nước này.
Giới mộ điệu xem đây là điều điên rồ bởi Qatar là chủ nhà của năm 2022. Vì thế, 8 năm sau, rất khó để sự kiện bóng đá hàng đầu thế giới về với châu Á. Song, Saudi Arabia đã và đang lên kế hoạch nhằm tiến tới chinh phục mục tiêu không tưởng này.
Họ đã thuê Tập đoàn Tư vấn Boston từ Mỹ phân tích về vấn đề tổ chức World Cup. Ngoài ra, họ cũng tìm đến các nhà cố vấn có tên tuổi ở phương Tây chung tay thực hiện dự án. Theo một nhà cố vấn, đây là dự án có “tư duy vượt trội”; bao gồm cả phương án liên kết với một nước châu Âu để tổ chức.
Thể thao là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong chương trình Tầm nhìn 2030 của đất nước này. Họ nỗ lực với chiến lược nhằm đưa Saudi Arabia thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Và bóng đá là một trong những lĩnh vực nằm trong chiến lược đó.
Thực tế, bóng đá Saudi Arabia đã có những bước đi cơ bản đầu tiên. Họ đã mang về các hợp đồng béo bở để đưa các trận chung kết Cúp quốc nội của Italia hay Tây Ban Nha tổ chức trên quê hương họ. Đồng tiền đang có sức mạnh kinh khủng. Mới đây, Thái tử Mohammed bin Salman đã chi 300 triệu bảng để mua lại CLB Newcastle. Theo truyền thông Saudi Arabia, đây là bước đi hướng đến chương trình Tầm nhìn 2030.
Với ý tưởng này, một số nhóm nhân quyền đã lên tiếng phản đối. Đây là điều dễ hiểu bởi thật khó chiều lòng tất cả NHM, nhất là trong bối cảnh, họ phải chi ra số tiền khổng lồ nếu muốn đứng ra tổ chức World Cup.
Nhưng, nhìn một cách thực tế, khó khăn với Saudi Arabia luôn hiện hữu. Qatar thay đổi cơ cấu tổ chức của các kỳ World Cup khi lần đầu tiên diễn ra vào mùa Đông. Bài toán từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Và Saudi Arabia còn phải tìm cách thuyết phục FIFA, các đơn vị điều hành giải đấu xoay trục để World Cup sớm trở lại châu Á.
Họ cũng tính đến phương án kết nối với một quốc gia lớn của châu Âu để đăng cai. Hiện tại, Anh, Bồ Đào Nha, Italia hay Tây Ban Nha là các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia và đã công khai ý định tham gia vào dự án này.
Một lời đề nghị xuyên lục địa như vậy cũng sẽ yêu cầu thay đổi chính sách từ FIFA, vốn chưa bao giờ tổ chức một giải đấu ở hai châu lục. Tính đến nay, chỉ World Cup 2002 là được tổ chức ở hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản. Đến World Cup 2026, khi số đội nâng từ 32 lên 48 đội, World Cup lần đầu tiên được tổ chức ở ba quốc gia Mỹ, Mexico và Canada.
Để có thể thắng “thầu”, Saudi Arabia cần thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền dời từ tháng 6-7 sang tháng 11-12 để tránh thời tiết nóng bức ở vùng Vịnh. Các quốc gia đã miễn cưỡng chấp nhận sự thay đổi này ở Qatar 2022 song nếu Saudi Arabia tiếp tục đưa ra đề xuất này, chưa chắc họ nhận được sự đồng ý.
Saudi Arabia cũng đi những bước đi khác là tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với FIFA cùng chủ tịch Gianni Infantino. Thế nhưng, chính Infantino đã bị chỉ trích sau khi đóng vai chính trong một video quảng cáo cho Bộ thể thao Saudi Arabia.
Vào tháng 1, Infantino cũng đã hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, kiến trúc sư của Tầm nhìn 2030. Tháng trước, các thành viên của FIFA đồng ý với một đề nghị do Liên đoàn bóng đá Saudi Arabia đưa ra để nghiên cứu khả năng tổ chức World Cup hai năm một lần thay vì 4 năm như hiện tại. Thay đổi này nhằm mục đích nhiều quốc gia có thể đăng cai World Cup.
Ông Yasser al-Misehal, Chủ tịch LĐBĐ Saudi Arabia cho biết: “Đã đến lúc xem lại cấu trúc các trận đấu trên thế giới và cần xem xét đâu là điều tốt nhất cho tương lai bóng đá. Liệu chu kỳ tổ chức 4 năm có mang lại lợi ích cao nhất về tính cạnh tranh và thương mại hay không?”.
Một phát ngôn viên của LĐBĐ Saudi Arabia từ chối bình luận về khả năng tổ chức World Cup, nhưng đã chỉ ra rằng quốc gia này đang nhanh chóng trở thành điểm đến cho các sự kiện thể thao nổi tiếng. Trong những năm gần đây, họ đã tổ chức các giải đấu lớn của golf, đua mô tô hay các trận quyền anh đỉnh cao.
“Chúng tôi muốn bước lên sân khấu bóng đá toàn cầu, biến đam mê thành thành công trên sân cỏ và hợp tác nhiều hơn với gia đình bóng đá quốc tế”, thông điệp từ LĐBĐ Saudi Arabia.
Rõ ràng, tiền không thành vấn đề với nền bóng đá này. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần họ giải quyết. Nan giải nhất vẫn là về bản quyền truyền hình. Nhiều năm qua, các nội dung thể thao trị giá hàng tỷ đô la đã bị đánh cắp để bán cho người dùng Saudi Arabia.
Chính việc vi phạm bản quyền này khiến FIFA, các giải đấu lớn ở Anh và Tây Ban Nha không hài lòng. Dù cho mối quan hệ với Qatar đã được hàn gắn nhưng beIN, đài truyền hình thể thao lớn nhất vẫn bị cấm ở Saudi Arabia. Và NHM nước này chỉ có thể xem EURO 2020 hay Copa America… lậu.
Mới nhất, Cơ quan điều hành bóng đá châu Âu cũng từ chối lời đề nghị 600 triệu đô la từ Saudi Arabia để phát sóng Champions League trên lãnh thổ nước này để tiếp tục gắn bó với đối tác hiện tại là BeIN.
Có quá nhiều thách thức với Saudi Arabia nếu muốn đưa World Cup 2030 về với đất nước họ.
Saudi Arabia sẽ chạm trán tuyển Việt Nam thuộc lượt về vòng loại thứ 3 World Cup 2022 vào ngày 16/11. Ở trận lượt đi, thầy trò HLV Park Hang Seo nhận thất bại với tỷ số 1-3.