Dũng “già” kỷ lục 4 lần Vua phá lưới: Chuyện ăn 9 bát cơm đến triết lý của vị "thuyền trưởng"
Để xác lập được kỷ lục ấy, Dũng “già” trải qua biết bao đắng cay của bóng đá thời bao cấp. Dưới đây là câu chuyện HLV Nguyễn Văn Dũng chia sẻ với Webthethao về thanh xuân huy hoàng đến triết lý của một vị thuyền trưởng.
Bóng đá bao cấp... thiếu từ miếng ăn đến đôi giày
Webthethao: HLV Nguyễn Văn Dũng đang giữ kỷ lục 4 lần giành danh hiệu Vua phá lưới của bóng đá Việt Nam, cuộc sống của một ngôi sao sân cỏ ngày ấy như thế nào, thưa ông?
Nguyễn Văn Dũng: Ngày xưa mọi thứ bình thường lắm, bóng đá thời bao cấp, nó khó khăn từ bộ quần áo, đôi giày chứ không như giờ. Các cầu thủ chơi bóng ngày trước khổ luyện lắm. Phương thức, dụng cụ tập không đa dạng, phong phú như bây giờ.
Chúng tôi đá bóng xong ra sân từ đi tắm, ăn cơm đến lúc ngủ,... chuyện gì cũng chỉ liên quan đến bóng đá. Sao anh không chuyền quả đó cho em? Quả đó anh chuyền nhẹ hơn thì em nghi bàn rồi! Anh phải chạy bó vào trong tôi chuyền dễ hơn,... Sau mỗi trận đấu chúng tôi thường ngồi lại để nói chuyện về bóng đá như thế.
Trong 4 năm giành danh hiệu Vua phá lưới của bóng đá Việt Nam, đâu là thời điểm ông cảm thấy ý nghĩa nhất?
- Thật sự khi chơi bóng, ghi một bàn thắng, tạo ra một cột mốc, mọi thứ đều đáng nhớ và rất ý nghĩa. Năm 1998, khoảng thời gian tôi nhớ nhất khi nhận giải Vua phá lưới, khi ấy đã 35 tuổi. Năm đó, tôi và cầu thủ trẻ Lê Huỳnh Đức cạnh tranh quyết liệt danh hiệu này, tôi ghi được 17 bàn sau 26 trận đấu.
Ở tuổi 35 nhưng vẫn trở thành Vua phá lưới, HLV Nguyễn Văn Dũng có thể chia sẻ bí quyết tập luyện?
- Thời của tôi mọi thứ nó khó khăn nên con người cũng phải khổ luyện, sau mỗi buổi tập chính, tôi ở lại tập thêm cả tiếng đồng hồ. Trước kia không có HLV thể lực, chúng tôi phải tự tạo ra dụng cụ tập luyện bằng việc đúc xi-măng làm tạ, gánh hai thùng nước, chạy rèn thể lực. Nếu tập sức bền thì chạy bậc thang của sân vận động. Tùy vào cách tập luyện thể lực của mỗi người thôi nhưng quan trọng phải có ý chí vươn lên.
Tập luyện như vậy, còn chuyện ăn uống thì sao?
- (Cười) Nói là lại bảo than nghèo kể khổ. Chúng tôi làm gì có được bữa ăn nhiều chất đạm, đường, tinh bột,..như bây giờ. Trong một trận đấu phải đợi hết hiệp mới được uống vài ngụm nước. Sau buổi tập, trận đấu cầu thủ ăn 6 đến 9 bát (chén) cơm là chuyện bình thường.
Lâu lâu bữa cơm có quả trứng, vài miếng thịt ba chỉ là ngon lắm rồi. Nhưng phải nói thật, ngày xưa thực phẩm chất lượng; từ bó rau, quả trứng hay con cua thật chất nên sức khỏe dẻo dai.
Vậy con người của Dũng “già” ngày ấy và bây giờ thay đổi như thế nào?
- Tôi vẫn thế. Ngày xưa còn thi đấu thì tập luyện nhiều, bây giờ có tuổi vẫn phải tập chứ nhưng ít lại. Những gì mình tích lũy được từ sự nghiệp thi đấu, làm bóng đá trẻ giờ đây mình truyền cho các cầu thủ, học trò trên sân.
Giải VĐQG của bóng đá Việt Nam thời ông thi đấu không có ngoại binh, điều này thật sự thuận lợi cho mẫu trung phong nội?
- Đúng! Nhưng không phải tất cả đâu. Trong bóng đá, nếu không có kỹ năng, không có sức khỏe, không chăm chỉ tập luyện thì thành công không bao giờ đến. Hoàn cảnh nó chỉ là yếu tố khách quan, nếu bạn có năng lực, có sức mạnh và bản lĩnh trên sân cỏ thì nghiễm nhiên bạn sẽ có vị trí. Thậm chí ban huấn luyện còn xây dựng lối chơi của đội bóng xung quanh mình nữa.
Trong màu áo Nam Định khi còn thi đấu, trận cầu nào khiến ông nhớ nhất? Ai là người ông thích đá cặp nhất trên hàng công của đội bóng thành Nam?
- Trận chung kết năm 1985, Nam Định giành chiến thắng 3-1 trước Sở Công nghiệp TP.HCM, lúc đó tôi khoác áo Công nghiệp Hà Nam Ninh. Đó cũng là chức vô địch duy nhất bóng đá thành Nam đến thời điểm này. Trong 3 bàn thắng của Nam Định, tôi ghi 2 bàn. Ngày ấy còn trẻ, khỏe và sung sức lắm. Không chỉ bản thân tôi, nhiều anh em đều nói ngày ấy càng đá càng thấy khỏe.
Bóng đá Nam Định trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước thăng trầm khác nhau. Có thời gian, mình tôi đá trung phong cắm ở Hà Nam Ninh. Chuyển sang Dệt Nam Định, chúng tôi đá bộ 3 với Bùi Sỹ Thành và Phương “cò”, đây là bộ 3 mà thế hệ chúng tôi được nhiều người yêu mến.
Thế còn ở ĐT Việt Nam khi ấy thì sao thưa ông?
- Nếu ở ĐT Việt Nam, cái tên tôi thích đá cặp nhất chính là Hà Vương Ngầu Nại (Cảng Sài Gòn) từ năm 1991. Tôi thích chinh chiến và sát cánh cùng Ngầu Nại bởi cả hai bổ trợ và hiểu cách đá của nhau.
Thiên tài cũng từ khổ luyện mà ra
Khổ luyện để có được thành công, giờ đây trên băng ghế chỉ đạo HLV Nguyễn Văn Dũng chia sẻ với học trò ở DNH Nam Định điều gì?
- Để xây dựng một đội bóng là điều khó và xây dựng được một đội bóng mạnh lại là điều cực kỳ khó. Để có một đội bóng chơi gắn kết, nhuần nhuyễn với nhau từng vị trí trên sân phải thật hiểu nhau. Nam Định hiện các em còn trẻ, điều tôi mong muốn nhất làm sao hoàn thiện mình trong từng vị trí, từng thời điểm quyết định trận đấu. Ngoài chuyên môn, lối sống sinh hoạt đời thường phải tốt để duy trì và tích lũy thể lực khi ra sân thi đấu.
HLV Văn Dũng xuất thân từ vị trí tiền đạo, điều này ảnh hưởng đến lối chơi đội bóng thành Nam hiện tại?
- Cầu thủ và huấn luyện viên khác nhau nhiều lắm. Bóng đá xưa thời bao cấp, nó thay đổi đến chóng mặt so với ngày nay. Trước, trong và sau mỗi trận đấu cầu thủ Nam Định đều tập luyện các bài tập, giáo án khác nhau.
Mỗi trận đấu khác nhau, tùy thuộc vào tình hình cụ thể để đưa ra đấu pháp hợp lý. Đá với đội mạnh, mình đẩy lên tấn công khác gì đưa mặt cho họ đấm. Đá với đội đồng hạng, chơi sân nhà thì mình phải đẩy lên chơi đôi công. Nói chung còn tùy thời điểm đối thủ của mình là ai.
Ông và Merlo đang giữ kỷ lục 4 lần Vua phá lưới giải VĐQG Việt Nam. Trên cương vị HLV, ông đánh giá thế nào về chân sút này?
- Đỗ Merlo sau khi nghỉ vòng 2 V.League gặp chấn thương nhưng giờ cậu ấy trở lại tập luyện bình thường. Merlo phù hợp với lối chơi của Nam Định, ban huấn luyện cũng như các cầu thủ tạo điều kiện Merlo phát huy được sức mạnh của mình. Mẫu tiền đạo như Đỗ Merlo có khả năng dứt điểm bằng đầu và chân khá tốt, với trung phong thì cậu ấy gần như hoàn thiện. Điểm yếu ở thể lực, tuổi tác nhưng kinh nghiệm và sự khôn khéo bù lại cho Merlo.
Nếu có một lời khuyên cho thế hệ trẻ bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp HLV Nguyễn Văn Dũng muốn nói điều gì?
- Mỗi thế hệ và thời kỳ bóng đá có sự phát triển khác nhau. Tôi không thể áp dụng thời bao cấp vào hiện đại như bây giờ. Tuy nhiên, bóng đá ngoài kỹ năng phải có sự khổ luyện. Muốn hướng đến cầu thủ chuyên nghiệp phải có cái đích rõ ràng. Tập cái gì, tập ra làm sao, cái gì mình thiếu và yếu.
Nếu cái chân trái chưa tốt thì phải tập, thấy chưa giỏi đánh đầu, cũng phải tập,.. Cầu thủ V.League bây giờ tôi ít thấy ai ở lại tập thêm tạo kỹ năng cho riêng mình. Sau buổi tập đã thấy bạn gái đứng cửa sân, tối lên Bar,... lấy đâu sức mà đá. Miệng thì nói chuyên nghiệp, thích và đam mê nhưng thực tế làm được bao nhiêu.
Thời đại 4.0, tôi không bắt cầu thủ phải bỏ điện thoại, games,... nhưng chơi ít thôi. Tối lại, sau mỗi trận đấu, cầu thủ nên ngồi với nhau, trò chuyện để hiểu nhau hơn trên sân. Đằng này mỗi ông 1 cái điện thoại, mỗi ông 1 góc,.. Muốn giỏi, chuyên nghiệp nhìn Ronaldo đó, ngoài 30 tuổi họ vẫn tập như vậy. Không phải tự nhiên họ thành ngôi sao, thiên tài đâu, khổ luyện cả!
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Nguyễn Văn Dũng (sinh ngày 23/11/1963), thi đấu vị trí tiền đạo. Thành tích: Vô địch A1 toàn quốc năm 1985 cùng Công nghiệp Hà Nam Ninh. 4 lần đoạt giải vua phá lưới năm 1984, 1985 (cùng 15 bàn), 1986 (cùng 12 bàn với Trần Minh Huy của Hải quan), 1998 (17 bàn). Ghi 3 bàn thắng cho đội tuyển VN tại SEA Games 16 (2 bàn trong trận hòa Philippines 2-2 và bàn duy nhất trong trận thua Malaysia 1-2). Á quân Tiger Cup 98. Vô địch giải U.21 Báo Thanh Niên 2004. Từng huấn luyện tuyến trẻ U.17, U.15 Ninh Bình. Hiện tại, Nguyễn Văn Dũng đang nắm giữ vị trí HLV trưởng DNH Nam Định tại V.League 2020.