Cafe 24h: Đừng làm xấu thêm hình ảnh bóng đá
Không phải chữ “bầu” ấy có gì đó thiếu trang trọng mà đơn giản, doanh nhân này khẳng định: Doanh nghiệp không cần thiết hay nói thẳng là không nên gắn với bóng đá, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là ở mảng khác, không phải là bóng đá.
Cho dù doanh nghiệp ấy vẫn tài trợ mỗi năm hàng chục tỷ đồng nhưng có lẽ qua rồi cái thời doanh nghiệp phải bám vào bóng đá để làm thương hiệu. Thậm chí đã có lúc ở V.League xuất hiện trào lưu các ông bầu tháo chạy khỏi bóng đá.
Điều quan trọng là rất nhiều chủ doanh nghiệp không muốn gắn với V.League khi mà bóng đá Việt chưa cho thấy trở lại là một hình ảnh sạch, đẹp.
Mất hình ảnh là mất giá trị. Câu chuyện Sharapova tuyên bố sử dụng doping hôm trước thì hôm sau hàng loạt các thương hiệu lớn ký hợp đồng với ngôi sao này xem xét lại hợp đồng.
Ở trong thời đại số, những hành động xấu, những cái xấu còn lan truyền còn nhanh và tác hại hơn cả “hiệu ứng cánh bướm”. Mới rồi, một hiệu trưởng chỉ “nhỡ mồm” xưng mày tao với một phóng viên trẻ rồi trong lức bực tức nói rằng “Tao có thể đánh sập tờ báo của mày” là lại thành chuyện. Dù ông này có lớn tiếng xin lỗi thì dư luận, cộng đồng mạng cũng đã kịp yêu cầu ông này từ chức.
Đôi khi có những hành động vô tình, những lời nói khi tức giận cũng mang lại tác hại khôn lường. Người ta nói: “Bệnh từ mồm vào, họa từ miệng ra”.
Câu chuyện Văn Quyết của HN.T&T bị thẻ đỏ trên sân Nha Trang sẽ còn nhiều lời bàn tán. Quyết nói sau đó: “Tôi không cố ý, tính tôi trước nay thế nào thì mọi người biết rồi”.
Người ta không biết đâu và ngay cả khi đồng đội của anh bào chữa rằng anh bị vấp chân, cũng khó thay đổi cái nhìn ác cảm với Văn Quyến. Có cần thiết Quyết phải lao ra? Để làm gì? Cái tệ của cầu thủ Việt là lỗi phản ứng: Đôi co, tranh cãi thậm chí dọa nạt trọng tài. Quyết phải biết điều ấy, nhất là khi anh là một trụ cột của ĐTQG. Vì thế, nếu hành động ấy với cầu thủ khác có thể chỉ là thẻ vàng thì những cầu thủ có kinh nghiệm, có ảnh hưởng phải bị phạt gấp đôi.
Và một câu chuyện nữa, khá buồn: Cuộc đôi co giữa HLV Phạm Minh Đức với phóng viên. Tôi chắc Minh Đức không có ý định coi thường phóng viên nhưng ở thế bị thua, lại bực mình vì câu hỏi có vẻ “ đá xoáy”. Nhưng dù thế nào thì hình ảnh và cách đối đáp bốp chác, có vẻ hơi “chợ” như thế cũng khó chấp nhận với một HLV chuyên nghiệp…
Hơn lúc nào hết, bóng đá bây giờ đang cần doanh nghiệp, cần sự đầu tư, cần khán giả. Chỉ cần một hành động không đẹp là có thể làm hỏng đi nỗ lực nhiều ngày.
Chung tay làm đẹp bóng đá phải từ mỗi hành động nhỏ, mỗi lời nói cần cân nhắc chứ không chỉ là những tấm pano hô hào khẩu hiệu.