Nhà báo Phan Đăng: Trở lại rồi, nhưng...
1. Đầu tiên là sự trở lại của quả bóng Động Lực từ vòng 5 V.League. Một sự trở lại đáng chú ý, khi mà trước đó Động Lực bị lắc đầu và một đối tác Thái Lan nhảy vào thế chân. Trong phi vụ này, một bộ phận dư luận đã “khóc” cho Động Lực và có ý trách móc VPF vô tình khi hất bạn cũ, hợp tác lâu năm ra ngoài để chơi với bạn mới bóng bẩy hơn. Nhưng nói thế chỉ là một nhẽ, cái nhẽ còn lại là Động Lực với kiểu làm ăn không đúng như cam kết đã khiến đối tác có lý do để hất. Và như thế, trong trường hợp này cái câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, lý do thua “lấm lưng, trắng bụng” ngay trên sân nhà là ứng nhiệm.
Bây giờ, sau khi được dư luận “khóc” và được VPF mời quay trở lại, hy vọng doanh nghiệp này sẽ trở lại với một phong cách mới, một tâm thế mới. Cái mới mà ở đấy, người ta hy vọng đơn vị này đừng ỷ mình là “bạn lâu năm”, là “đối tác nội”, “đối tác được ưu tiên” mà vẫn giữ thói quen làm ăn thiếu chuyên nghiệp. Nhìn rộng ở góc độ kinh tế, Việt Nam đã gia nhập WTO từ lâu, lại mới gia nhập TPP nữa nên kinh tế thể thao - bóng đá cũng sẽ phải chịu những sự cạnh tranh gay gắt, sòng phẳng từ bên ngoài.
Vậy nên, lần được tạo điều kiện để trở lại này, nếu “người nhà” vẫn không chịu làm mới hoặc chỉ làm mới một cách nhất thời, nhỏ giọt rồi đến một lúc nào đó lại thua thảm như Việt Nam đã thua Thái Lan 0-3 ở sân Mỹ Đình vài tháng trước thì thôi, miễn bàn. Lúc ấy, đừng mong nhận được nước mắt xót thương của ngay cả những người cùng nhà.
2. Mấy ngày nay, cái tên Quế Ngọc Hải được nhắc đến nhiều khi trở lại sau 6 tháng kể từ cú đạp gây ra chấn thương nặng cho Anh Khoa. Người Việt Nam và cái văn hoá duy tình, nặng về cảm xúc của “văn minh lúa nước” là thế: dễ giận, dễ ghét mà cũng dễ xuôi lòng, dễ bỏ qua.
Ở chính Nghệ An quê Hải cũng có câu hát đặc trưng: “Giận thì giận, mà thương thì thương”. Ở mặt tích cực, câu hát này nói lên tình cảm, sự vị tha rất đáng quý của tâm hồn Việt nhưng ở một khía cạnh khác, chính cái sự dễ giận rồi cũng dễ thương lại khiến chúng ta thiếu lý tính, thiếu cái bệ phóng cần thiết để tiến xa trong một xã hội pháp quyền - một thế giới pháp quyền.
Trở lại trường hợp Quế Ngọc Hải, ai cũng thấy, Hải đã thực sự ăn năn trong suốt 6 tháng vừa qua. Và trong trận đấu đầu tiên sau khi trở lại, Hải đã khoác chiếc áo mang số 45 - số áo của “nạn nhân” Anh Khoa như một cách để tự nhắc nhở, tự răn đe mình. Chúng ta có quyền hy vọng, với một sự tự nhắc nhở thường trực ấy, rồi Hải sẽ không là chủ nhân của bất kỳ cú song phi nào tiếp theo. Mà sau chỉ 1 trận trở lại trong màu áo SLNA, Hải cũng đã được trở lại trong màu áo ĐTQG - nơi có vị HLV cũng là người “thầy ruột” của mình.
3. Riêng ở chỗ này, cần nói thêm: Có phải Ban kỷ luật VFF đã giảm án cho Quế Ngọc Hải chỉ 10 ngày trước khi hết hiệu lực để kịp hợp thức cho anh lên Tuyển hay không? Chẳng hỏi cũng biết, chắc chắn người ta sẽ trả lời là “không”! Nhưng sự thực thế nào thì hiểu, những người có trách nhiệm hiểu và Ban Kỷ luật VFF cũng hiểu hơn ai hết.
Mà đã hiểu, chắc chắn bây giờ tất cả đều cầu mong khi quán triệt tinh thần của thứ “bóng đá đàn ông” mà HLV Hữu Thắng với quan điểm rõ ràng, Hải sẽ không làm gì quá đà để không làm cái quyết định giảm án kia trở nên việt vị.
Thôi thì dẫu sao trở lại cũng đã trở lại rồi.
Cầu trời!