Hành trình đưa cá cược hợp pháp về Việt Nam: 18 năm chưa thể đi vào thực tế

thứ tư 18-4-2018 8:12:11 +07:00 0 bình luận
Từ ý tưởng cho đến khi đưa ra những khung pháp lý, cá cược hợp pháp mất 10 năm để có dự thảo Nghị định, thêm 7 năm để Nghị định chính thức được ban hành. Và đến nay, mọi thứ vẫn chưa thể đi vào thực tế.

Từ ý tưởng cho đến khi đưa ra những khung pháp lý, cá cược hợp pháp mất 10 năm để có dự thảo Nghị định, thêm 7 năm để Nghị định chính thức được ban hành. Và đến nay, mọi thứ vẫn chưa thể đi vào thực tế.

>>> Người dân Việt Nam có thể cá độ hợp pháp World Cup, AFF Cup

>>> Tại sao không được đặt cược các trận đấu có đội tuyển, CLB Việt Nam?

10 năm ban hành dự thảo Nghị định đầu tiên

Ý tưởng đưa cá cược hợp pháp vào Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX. Thời điểm đó, tệ nạn cá cược bất hợp pháp, đặc biệt là bóng đá ngày một gia tăng. Việc "hợp thức hóa" thông qua sự quản lý của Nhà nước đã được đặt ra và Ủy ban Thể dục Thể thao (nay là Tổng cục TDTT) đã được giao xây dựng đề án.

Phối hợp cùng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Ủy ban TDTT cử đoàn tìm hiểu sang Singapore, Anh và một số nước khác để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu đề án cá cược bóng đá.


Ông Mai Liêm Trực là vị Chủ tịch VFF đầu tiên tham gia xây dựng đề án về cá cược bóng đá hợp pháp tại Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ IV (2001 – 2005) của VFF, Chủ tịch Mai Liêm Trực có mời các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để trình bày về vấn đề này nhằm thuyết phục BCH VFF, sau đó là các cơ quan có quyền quyết định ủng hộ.

Quan điểm của những người lãnh đạo trực tiếp bóng đá Việt Nam là cách làm này sẽ tăng nguồn thu cho VFF, ngân sách Nhà nước cũng sẽ được bổ sung, tránh thất thoát ngoại tệ ra nước ngoài. Trong khi đó, Nhà nước cũng không cấm đoán nổi việc cá cược bất hợp pháp mỗi mùa bóng đá trong nước và quốc tế diễn ra.

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thuyết phục được cơ quản quản lý Nhà nước có thẩm quyền cao hơn. Ngoài việc cần một đề án kỹ càng hơn, việc sửa đổi luật cho cá cược hợp pháp cũng không phải công việc dễ dàng. Lý do về việc thiếu nhân lực, kinh nghiệm tổ chức mô hình đặt cược,… một lần nữa khái quát sự dè dặt của những nhà quản lý.

Đến nhiệm kỳ V của VFF, sau “vụ Bacolod”, một số thành viên U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 2005 bị phanh phui. Vấn đề cá cược một lần nữa được đưa ra bàn thảo.


"Vết đen" U23 Việt Nam năm 2005 khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc hợp thức hóa cá độ bóng đá tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, ông Lê Hùng Dũng còn thẳng thắn phát biểu: “Theo đề án đặt cược bóng đá đã trình Chính phủ thì chỉ sau 4 năm tổ chức đặt cược bóng đá, chúng ta sẽ có thể thu lợi hơn 4 triệu USD. Đến năm thứ 15 lợi nhuận thu được sẽ hơn 100 triệu USD. Với số tiền lợi nhuận khổng lồ này, chúng ta có thể đầu tư mạnh vào bóng đá với mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào Top 10 châu Á”.

Mục tiêu của ông Dũng là xin Nhà nước cho VFF và các đơn vị liên quan trực tiếp đứng ra quản lý và thu tiền về cho ngân sách Nhà nước. VFF cũng tính đưa xổ số thể thao như Anh, Đức, Singapore,… vào bóng đá nội như bước đầu tiên trong việc giảm nạn cá cược bất hợp pháp.

Thế nhưng, một lần nữa trình độ quản lý vấn đề này lại được đặt ra. Khúc mắc nằm ở việc nếu để cơ quan trong nước quản lý thì chưa đủ trình độ và thiếu kinh nghiệm. Còn nếu để công ty nước ngoài quản lý lại có thể xảy ra sơ suất và ảnh hưởng đến chính nền thể thao nước nhà. Đề án về cá cược hợp pháp vì thế vẫn chỉ nằm trên giấy trắng.


Thời điểm còn làm Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Lê Hùng Dũng cũng rất sốt sắng trong việc xin Nhà nước cho cá độ bóng đá hợp pháp tại Việt Nam.

Phải đến cuối năm 2009, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định kinh doanh đặt cược. Trong dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính chỉ đề xuất cho phép thí điểm 3 loại hình đặt cược ở Việt Nam là đua chó, đua ngựa và cá cược thể thao.

Đến 27/10/2010, dự thảo Nghị định này đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét.

10 năm để xây dựng xong dự thảo Nghị định đầu tiên liên qua đến đặt cược hợp pháp, những tưởng đề án sẽ được tăng tốc hoàn thành nhanh hơn trong những năm tiếp theo nhưng…

Thêm 8 năm vẫn chưa thể đi vào thực tế

Năm 2010 có dự thảo nhưng gần 3 năm sau, tức tháng 8/2013, dự thảo Nghị định về kinh doanh đặt cược đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 20. Theo đó, Nghị định được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng trong năm 2013, chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký, trong đó đồng ý cho đặt cược bóng đá. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đã bật đèn xanh hoàn toàn với vấn đề này.


Mỗi năm người Việt Nam tuồn 800 triệu USD ra nước ngoài đánh bạc, trong đó có cá độ bóng đá.

Đến giữa tháng 5/2015, Chính phủ mới đã nghe và thảo luận về dự thảo Nghị định kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Sau đó, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, các ý kiến đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp; tiếp tục chủ trì, xin ý kiến của các cơ quan chức năng để hoàn thiện dự thảo Nghị định này và trình Chính phủ tiếp tục xem xét.

Tháng 10/2015 một lần nữa Bộ Tài chính được Chính phủ giao đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế trình Chính phủ trong tháng 12/2015.  

Cuối cùng, ngày 31/3/2017, Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế chính thức có hiệu lực.


Người dân mua vé dự đoán đua ngựa tại trường đua Thiên Mã - Madagui ở Lâm Đồng.

1 năm sau ngày Nghị định có hiệu lực, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mới hoàn thành việc lựa chọn 15 giải đấu và 9 nhóm trận đấu vào danh mục cá cược hợp pháp. Các trận đấu, giải đấu có các đội tuyển quốc gia, các CLB Việt Nam đều không được phép đặt cược. Trong khi đó, vướng mắc nhất nằm ở Bộ Tài chính khi chưa thể chọn lựa được đơn vị kinh doanh cá cược.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chưa thể chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, hạ tầng mạng, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, DN viễn thông thực hiện hoạt động cá độ hợp pháp tại VN.

Câu chuyện cá cược hợp pháp tại Việt Nam vì vậy vẫn tiếp tục nằm trên giấy trắng. Sau 8 năm kể từ dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến, cá cược hợp pháp vẫn chưa thể đi vào thực tế cuộc sống.

Thậm chí, việc chờ đợi sẽ còn diễn ra lâu hơn như thế nữa khi Chính phủ yêu cầu chỉ 1 doanh nghiệp được phép thí điểm kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế trong 5 năm.

800 triệu USD/năm tuồn ra nước ngoài để đánh bạc

Người Việt Nam tiêu tốn khoảng 800 triệu USD/năm để đi ra nước ngoài đánh bạc, chủ yếu ở Macau, Singapore hay Campuchia. Con số trên có thể vẫn thấp hơn với thực tế. Tuy nhiên, sự thật người Việt Nam có sở thích với những trò may rủi như vậy.

Theo Bộ Tài chính, người dân Việt Nam đã tiêu khoảng 13 tỷ USD để mua xổ số trong khoảng 2011-2015 còn doanh thu của các công ty xổ số cũng tăng bình quân 12% mỗi năm.


Doanh thu của Tổng công ty xổ số miền Nam. Ảnh: Bloomberg.

Tổng công ty xổ số miền Nam, bao gồm các công ty xổ số tại 21 tỉnh đã thu về gần 3 tỷ USD trong năm 2016, tăng 200% so với năm 2007.

Theo Bloomberg, Việt Nam thời gian gần đây đã mở cửa thị trường xổ số, casino nhằm thu hút thêm nguồn vốn cho đất nước cũng như hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách. Từ đầu năm 2017 đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành 2 nghị định nới lỏng thị trường này ở Việt Nam.

Một trong số đó là kế hoạch thí điểm, cho phép người Việt Nam đánh bạc tại các casino trong nước, vốn chỉ cho phép người nước ngoài trước đây. Nghị định còn lại là hướng đến nới lỏng những quy định cho các loại hình cá độ đua ngựa cũng như bóng đá.


Các doanh nghiệp muốn mở casino tại Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.
Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội