Hãy phong Đại sứ cho ông Park Hang-seo
Không phải Greg Norman hay Jordan Vogt-Roberts, chính Park Hang-seo mới xứng đáng là Đại sứ du lịch Việt Nam.
Bạn đã nhớ ra Greg Norman là ai chưa? Chưa đúng không? Nói một cách ngắn gọn thì thế này: Greg Norman là golf thủ huyền thoại người Australia, với biệt danh "Cá mập trắng", ông đã giành được hơn 90 danh hiệu vô địch ở các giải đấu trên thế giới. Giữ được vị trí số 1 trong bảng xếp hạng golf thế giới trong 331 tuần. Là một trong những người chơi nhiều giải nhất trong lịch sử golf thế giới.
Nhận định bóng đá chung kết lượt về AFF Cup 2018: ĐT Việt Nam - ĐT Malaysia
Tại Việt Nam, Greg Norman được nhắc đến là một huyền thoại golf thế giới và tác giả thiết kế của 5 dự án golf. Nổi tiếng nhất là sân The Bluffs Hồ Tràm Strip tại Bà Rịa - Vũng Tàu với danh hiệu: Sân golf tốt nhất Việt Nam và sân golf duy nhất tại Việt Nam lọt top 100 sân golf tốt nhất thế giới năm 2016 và 2017. Hai dự án còn lại gồm KN Golf Links tại Cam Ranh và Golf Club tại Đà Nẵng, cùng 2 dự án mới ký tại Quảng Bình.
Cũng chưa rõ đúng không? Vậy thì thêm chi tiết này: ngày 31/10/2018 ông Greg Norman được bổ nhiệm làm Đại sứ du lịch Việt Nam.
Đương kim Đại sứ du lịch Việt Nam Greg Norman
Thực tế thì danh hiệu Đại sứ du lịch khi nhắc đến, người ta nhớ đến Lý Nhã Kỳ nhiều hơn. Hay chí ít là đạo diễn phim "Kong: Skull Island" Jordan Vogt-Roberts, người bất ngờ nổi tiếng bất đắc dĩ bằng trận ẩu đả tại TPHCM sau khi đã thành Đại sứ du lịch Việt Nam.
Tại sao Đại sứ Du lịch không phải là ông Park Hang-seo? Bởi lẽ nếu nhắc đến một người có tác động đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới vào thời điểm này, chắc chắn không ai bằng HLV người Hàn Quốc.
Nếu không phải là ông Park, một số đài truyền hình Hàn Quốc đã không "thừa tiền" tới mức mua bản quyền các trận đấu của tuyển Việt Nam ở AFF Cup lần này để phát trực tiếp.
Nếu không phải là ông Park, hẳn sẽ không nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hồ hởi tài trợ cho các chương trình đồng hành trên truyền thông liên quan đến đội tuyển đến thế.
Tôi đọc ở đâu đó thông tin về việc trận chung kết lượt đi giữa Malaysia và Việt Nam gây "bão" tại Hàn Quốc với kỷ lục về người xem, trở thành chương trình thể thao có rating cao nhất từ đầu năm 2018 tới nay.
Tôi cũng tin rằng, sự có mặt của ông Park Hang-seo đã tác động phần nào đó để Chính phủ Hàn Quốc đưa ra quyết định cấp thị thực 5 năm đối với công dân Việt Nam có hộ khẩu Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Nghĩa là không chỉ người lao động Việt Nam có cơ hội đến Hàn Quốc làm việc nhiều hơn mà với quyết định này, người Việt Nam được "rộng cửa hơn" khi tới Hàn Quốc du lịch.
HLV Park Hang-seo đang tạo ra ảnh hưởng rất lớn
Cộng đồng mạng đang sôi sục câu chuyện VFF "ăn hôi" thương hiệu Park Hang-seo và đội tuyển sau những thành công vang dội trong khi người trả lương chính cho ông Park lại là bầu Đức - người không thể ngồi tiếp vào ngôi nhà VFF chỉ vì lý do "không có bằng Đại học".
Cộng đồng mạng cũng sôi sục câu chuyện ông PCT tài chính họ Cấn nhưng thực chất là họ Hứa vì sự làm ăn bết bát ở nơi ông này từng thuộc về và chưa thấy có cửa gì để kiếm những khoản tiền khổng lồ như đã hứa sau khi trúng cử.
Thể thao phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải là để con người ta nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ.
Thời điểm này, sự tốt đẹp ấy đang đến từ "chàng hói" Park Hang-seo. Ông này không đẹp như Lý Nhã Kỳ, cũng không có bộ râu dài như Vogt-Roberts, cũng không có ngoại hình quý tộc như ông Đại sứ du lịch Greg Norman. Nhưng chắc chắn nếu đưa ra một cuộc bầu chọn công khai, Park Hang-seo mới chính là người giành chiến thắng xứng đáng.
Nhưng có vẻ như "chọn người xứng đáng" vẫn còn là câu chuyện xa vời với ngành thể thao-du lịch, nhất là khi nhìn vào danh sách bộ sậu của VFF kỳ này.
Park Hang-seo là một Đại sứ đích thực, bất chấp kết quả trên sân Mỹ Đình ngày 15/12.
Trọng tài bắt trận ĐT Việt Nam - ĐT Malaysia từng mắc sai lầm tai hại ở chung kết AFF Cup