Hoàng Đình Tùng: Lên tuyển, Duy Mạnh không dại gì cố tình chơi xấu
Sau 4 lượt trận đầu tiên, anh đánh giá như thế nào về màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam? Đâu là điểm mạnh, điểm yếu?
Cá nhân tôi nghĩ đội tuyển Việt Nam đã thi đấu khá tốt trong những lượt trận vừa qua. Tuy nhiên, thất bại đến từ nhiều yếu tố. Một là V.League không thi đấu khiến các cầu thủ không có sân chơi để rèn luyện.
Hai là các đối thủ rất mạnh, đã vào đến vòng đấu này rồi thì không có đội nào là yếu cả. Trong những tình huống 50/50, công nghệ VAR cũng như trọng tài có phần thổi bất lợi cho tuyển Việt Nam, nhưng thực ra họ vẫn làm đúng luật.
Điểm mạnh của tuyển Việt Nam luôn luôn thể hiện ở tinh thần thi đấu máu lửa, không e ngại trước bất kì đối thủ nào. Còn điểm yếu một phần đến từ thể hình và thể lực thua kém đối thủ. Ngoài ra, hàng phòng ngự chưa có sự ổn định cũng như gặp một số sai sót.
Hàng phòng ngự tuyển Việt Nam bộc lộ nhiều thiếu sót như phản ứng trọng tài, động tác thừa,…dẫn đến những bàn thua. Theo anh đâu là nguyên nhân?
Trong những tình huống bật nhảy bình thường hoặc trong thi đấu, đôi khi chúng ta bật nhảy lên thì phản xạ là vung tay ra để cân bằng. Tôi nghĩ rằng tình huống của Tấn Tài hay Duy Mạnh chỉ là sự cố vô ý chứ các em ấy không chủ động.
Khi đã khoác áo đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ biết mình phải làm gì để mang về kết quả tốt nhất, chứ không có ý đồ chơi tiểu xảo này kia đâu.
Tuy nhiên, sau những thất bại vừa qua, tôi cho rằng đó cũng sẽ là bài học kinh nghiệm các cầu thủ cẩn thận hơn, hạn chế tay chân, kiểm soát tốt hơn trong những tình huống đó để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
V.League bị huỷ bỏ, các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên kể từ tháng 5, liệu đây có phải là nguyên nhân khiến tuyển Việt Nam không có được phong độ tốt nhất?
Quãng nghỉ dài kể từ khi V.League bị huỷ bỏ ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến phong độ của các cầu thủ ở mỗi câu lạc bộ cũng như các tuyển thủ Việt Nam. Khi chúng ta đang quen với việc thi đấu hàng tuần, cảm giác bóng, sức khoẻ và phong độ cũng được duy trì hơn.
Tuy nhiên, nếu nghỉ dài hơi, cường độ tập luyện và thi đấu ít đi thì cảm giác bóng bị hạn chế đi nhiều, khi quay lại thi đấu phải mất rất nhiều thời gian mới có thể bắt nhịp lại được.
Với các cầu thủ tập trung ở đội tuyển quốc gia, thi đấu với những đội bóng có trình độ cao đẳng cấp châu Á, mà chỉ cần phong độ hoặc thể lực không đảm bảo thì kết quả sẽ không được như mong muốn. Tôi nghĩ đó cũng là những bất lợi cho đội tuyển Việt Nam khi không thi đấu V.League.
Làm thế nào để cải thiện phong độ trong thời điểm này?
Ban huấn luyện sẽ có những kế hoạch cụ thể. Các chuyên gia có những phương án tốt nhất để các cầu thủ có thể tập luyện trong điều kiện tối ưu để duy trì thể lực, thể trạng và phần nào cải thiện phong độ. Dù vậy, để đảm bảo tốt nhất như những lúc thi đấu bình thường thì không thể bằng được.
Khi V.League bị huỷ bỏ, có phải điều này khiến HLV Park Hang Seo khó tuyển chọn thêm những nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam?
Điều này có phần đúng, nhưng không phải là đúng hoàn toàn. Đương nhiên V.League huỷ sẽ ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn nhân sự cũng như quá trình tập luyện của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, HLV Park Hang Seo cùng ban huấn luyện chắc chắn sẽ có những phương án tốt nhất để sử dụng những con người sẵn có và phát huy tốt nhất thế mạnh của họ.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Hoàng Đình Tùng sinh năm 1988. Anh có 7 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Ở cấp độ U23, tiền đạo này có 26 lần ra sân, ghi 5 bàn thắng. Anh là trụ cột của U23 Việt Nam giành HCB ở SEA Games 25.
Dù đã 31 tuổi song cựu tuyển thủ QG này vẫn miệt mài cống hiến cho đội bóng quê nhà Thanh Hóa. Anh đã có 80 bàn thắng sau 254 lần ra sân cho đội bóng xứ Thanh.