Cả 5 trận đấu ở các giải quốc tế chính thức, tuyển Việt Nam đều thua Trung Quốc. Và trong hồi ức của những người trong cuộc, thời điểm đó có sự chênh lệch nhất định về trình độ của hai đội.

Nỗi đau hàng thập kỷ

0h00 ngày 8/10/2021, tuyển Trung Quốc và Việt Nam sẽ đụng độ ở lượt trận thứ 3 bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Một trận đấu được giới chuyên môn đánh giá cân bằng, cả về lực lượng lẫn trình độ. Đây là lần thứ 6, hai đội tuyển quốc gia chạm trán. 

Trước đó, trong cả 5 lần gặp gỡ, tuyển Việt Nam đều thất bại mà với nhiều người trong cuộc, thật khó “nuốt trôi”. Lần đầu tiên, hai đội tuyển quốc gia gặp nhau tại Thống Nhất. Ngày 25/5/1997, Việt Nam tiếp Trung Quốc thuộc lượt đi vòng loại thứ 1 World Cup 1998.

Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam mới hội nhập quốc tế và đang sở hữu lứa cầu thủ trẻ tài năng. Trên bảng xếp hạng FIFA, Việt Nam xếp thứ 104 còn Trung Quốc đứng thứ 55. Thời bấy giờ, đội bóng láng giềng giàu tham vọng và sở hữu đội hình chất lượng để hướng đến mục tiêu dự World Cup.

Trước đối thủ được đánh giá cao hơn nhưng trong tâm trí các tuyển thủ, cứ vào là đá, không việc gì phải sợ. “Chúng tôi từng thắng Nga 1-0, hòa Iran 2-2 nên đá với Trung Quốc vẫn bình thường thôi, không việc gì phải căng thẳng hay áp lực nào cả. Cứ ra sân là chiến”, cựu tiền đạo Văn Sỹ Hùng nhớ lại.

“Trận đấu ở Việt Nam, người hâm mộ háo hức lắm, nhìn lên khán đài đông nghẹt, anh em thấy hừng hực khí thế lắm. Trung Quốc mạnh hơn về thể hình lẫn chuyên môn, lối đá lấn lướt nhưng chúng tôi không e ngại. Dù vậy, đội vẫn không có kết quả tốt vì nền tảng thể lực yếu hơn”, cựu tiền vệ Triệu Quang Hà chia sẻ.

Gần một tháng sau, hai đội tái ngộ ở Bắc Kinh trong trận lượt về. Cựu tuyển thủ Triệu Quang Hà vẫn nhớ như in: “Hôm đó trời mưa to quá, ảnh hưởng đến lối chơi của đội. Hai chú Tam Lang và Duy Long đưa ra đấu pháp và toàn đội tin vào kết quả khả quan song thời tiết khiến đội không thể hiện tốt nhất. Thế là, chúng ta lại chấp nhận thua với tỷ số 0-4”.

Hai năm sau, ở vòng loại Asian Cup 2000, tuyển Việt Nam thất bại với tỷ số 0-2. Góp mặt trong cả ba trận thua, cựu tuyển thủ Văn Sỹ Hùng đau đáu: “Thực sự mà nói, tôi không có nhiều ấn tượng khi đối đầu với tuyển Trung Quốc, bởi ngày ấy trình độ của hai đội bóng không có nhiều sự chênh lệch đâu. Tuy nhiên họ vẫn thắng mình. Ấn tượng duy nhất của tôi về đội bóng này là việc các cầu thủ sở hữu thể lực khá tốt, nhiều thời điểm gây ra khó khăn cho chúng ta”. 

Hơn 10 năm sau, hai đội tuyển mới tái ngộ ở vòng loại Asian Cup 2011. Trước trận lượt đi trên sân Hàng Châu của đối phương, HLV Calisto tự tin vào một kết quả khả quan. Cho dù lúc đó, hai trụ cột Dương Hồng Sơn và Lê Công Vinh không góp mặt. Hơn nữa, đội lại vắt kiệt sức ở AFF Cup 2008 cùng trận đấu với Lebanon. Một lịch thi đấu dày đặc khiến nền tảng thể lực không đảm bảo.

“Các cầu thủ của tôi ổn. Cuối trận gặp Lebanon, vài cầu thủ có dấu hiệu xuống sức nhưng đó là hệ quả của chấn thương. Đây là điều khiến tôi đau đầu nhưng tất cả đều có thể ra sân. Tôi không có gì phải lo về thể lực hay tâm lý ở các học trò.

Chúng tôi không tới Hàng Châu để du lịch. Tuyển Việt Nam phải làm được một điều gì đó. Cụ thể ư? Tôi muốn một trận hoà. Chúng tôi quyết làm được điều này và để nó thành sự thực, các cầu thủ phải chơi tới trên 200% phong độ và tinh thần”, HLV Calisto phát biểu trước trận đấu.

Tuy nhiên, nhân tính không bằng trời tính. Tuyển Việt Nam không thể tạo nên bất ngờ, để rồi nhận thất bại với tỷ số 1-6. Cựu đội trưởng Minh Phương chỉ ra rằng: “Năm 2008, tuyển Việt Nam mới lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á khi đánh bại Thái Lan trên sân Mỹ Đình. 

Thế nhưng, phải xác định rằng sân chơi châu lục và sân chơi khu vực khác nhau rất nhiều. Đá với Trung Quốc ngày ấy, chúng tôi xác định chỉ cọ xát để học hỏi. Điểm rơi phong độ của cầu thủ Việt Nam đã nằm ở AFF Cup 2008 rồi nên ở trận gặp Trung Quốc đầu năm 2009, đội không có được phong độ, thể lực tốt nhất”.

Cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh nhìn nhận thẳng thắn: “Dưới thời thầy “Tô”, bóng đá Việt Nam phát triển rất tốt nhưng nói gì đi nữa, giai đoạn này hay trước đó, thế hệ vàng như các anh Minh Chiến, Văn Sỹ, Đức Thắng, Huỳnh Đức, Hồng Sơn… cũng e ngại, thua đau mỗi khi đụng độ Thái Lan. Còn về bóng đá Trung Quốc, họ phát triển hơn chúng ta nhiều lắm. 

Những năm 2009 – 2010, để thắng các đội trong khu vực còn khó chứ huống hồ gì nói đến một đội bóng từng dự World Cup như Trung Quốc. Dù tinh thần có tốt đến mấy, làm tâm lý cho cầu thủ kiểu gì vào sân khi trình độ khác nhau cầu thủ cũng bộc lộ sai lầm, yếu kém và thua trận. 

Nếu thả cửa, chúng ta chỉ đá được đến phút 70 là “hết pin” vì trình độ và nền tảng về chuyên môn, thể lực khác nhau nên kết quả đã quá rõ ràng. Những trận thua 1-6 trước Trung Quốc giúp chúng tôi cọ xát, trải nghiệm thực tế mà thôi còn ra sân là xác định không thể thắng được đối thủ rồi”.

Đến trận lượt về trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam chấp nhận thất bại với tỷ số 1-2. Cựu thủ môn Bùi Quang Huy nhớ lại: “Cũng lâu rồi nhỉ, đã hơn 10 năm kể từ ngày tôi ra sân trong trận đấu gặp tuyển Trung Quốc rồi. Đó là lượt trận thứ 2 gặp đối thủ này trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2011. 

Đây là một kỉ niệm rất đặc biệt bởi đó là trận cuối cùng tôi thi đấu trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Mỗi khi nhắc lại trận đấu này, tôi luôn có cảm giác bồi hồi khó tả.

Thực tế, trận đấu với tuyển Trung Quốc chỉ là một trận đấu thủ tục, khi Việt Nam đã hết cơ hội để vào vòng trong. Họ từng giành vé dự vòng chung kết ở bảng đấu này, nhưng tôi cùng các đồng đội cũng không cảm thấy quá choáng ngợp khi đối đầu bởi trình độ của đối thủ cũng không quá mạnh so với mặt chung của châu Á.  

Bản thân tôi thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2001, từng va chạm quá nhiều đối thủ trong nước lẫn quốc tế nên tâm lý của mình cũng khá thoải mái, không bị căng cứng nhiều. So với trận lượt đi, trận lượt về tuyển Việt Nam thi đấu tốt hơn. Trung Quốc không phải là đối thủ quá mạnh nên kết quả 1-2 cũng phần nào phản ánh đúng cục diện trận đấu”.

Trong khi đó, cựu tiền vệ Mai Tiến Thành bày tỏ: “Năm 2009, tôi đối đầu Trung Quốc ở cấp độ trẻ và sau này cũng được gọi lên ĐTQG. Tại giải tứ hùng VFF Smartdoor Cup 2009, U23 Việt Nam đã giành chức vô địch ngay trên sân nhà Mỹ Đình. 

Dưới thời HLV Henrique Calisto, chúng tôi đã có được giành 7 điểm. Trong chiến thắng 3-1 trước U23 Trung Quốc, tôi cũng may mắn ghi 1 bàn. Lúc đó thật sự rất tự hào, bởi Trung Quốc được đánh giá cao hơn Việt Nam rất nhiều. 

Lên cấp độ đội tuyển quốc gia, tôi cũng đồng hành cùng tuyển Việt Nam nhưng phải nói thật, khi ấy chúng ta còn thua xa so với Trung Quốc. Họ rất mạnh, từ nền tảng thể lực đến chuyên môn rất rõ ràng. 

Về mọi mặt, chúng ta không thể so sánh với bóng đá Trung Quốc giai đoạn đó được. Nói về tinh thần chiến đấu thì đội tuyển Việt Nam ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có, nhưng thực lực và chuyên môn, chúng ta thua xa Trung Quốc”.

Từng nhiều lần đối đầu với đội tuyển Trung Quốc, cựu đội trưởng Minh Phương thừa nhận: “Nếu so sánh về trình độ và đẳng cấp, lứa chúng tôi không thể bằng Trung Quốc. Bóng đá Việt Nam những năm 2009, 2010 chỉ ở tầm khu vực Đông Nam Á; thậm chí xác định cạnh tranh với Thái Lan, đối thủ số 1 của Việt Nam ở các kỳ AFF Cup và lứa U23 ở SEA Games. 

Thực tế, bóng đá Việt Nam không chỉ giai đoạn chúng tôi đâu, trước đó thế hệ đàn anh như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Việt Hoàng, Hữu Thắng… không có cửa để cạnh tranh sòng phẳng với Trung Quốc. 

Họ có nền bóng đá mạnh, cạnh tranh với Nhật Bản, Hàn Quốc; cách đó nhiều năm đội bóng này từng dự World Cup. Dù có quyết tâm, khát khao nhưng thực tế khi ấy trình độ và đẳng cấp chúng ta không thể bằng họ”.

Lần này sẽ khác?

Sau 1 thập kỷ, hai đội tuyển quốc gia Trung Quốc và Việt Nam có cơ hội tái ngộ ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. So với thời điểm cách đây hơn 10 năm, lứa cầu thủ hiện tại của đội tuyển Việt Nam được nhìn nhận với vị thế khác hẳn.

Cựu tuyển thủ Văn Sỹ Hùng cho biết: “Trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, bóng đá Trung Quốc đầu tư rất nhiều. Họ được “bật đèn xanh” để phát triển toàn diện. Thậm chí, các ngôi sao tầm cỡ thế giới cũng đến Trung Quốc để chơi bóng. 

Họ có tất cả mọi thứ cùng sự chuyên nghiệp hơn rất nhiều so với thời kì trước. Cầu thủ Trung Quốc bây giờ có thể hình, thể lực tốt hơn trước. Với những lý do này, cá nhân tôi nghĩ, trận đấu tới đây sẽ là thử thách khó khăn với tuyển Việt Nam. 

Để nói rằng, Trung Quốc hơn chúng ta thì không hẳn như thế, nhưng họ lại có dàn cầu thủ nhập tịch, có thể trạng tốt,…Dù vậy, mỗi trận đấu đều có tính bất ngờ. Nếu nắm bắt được cơ hội, tuyển Việt Nam sẽ giành được kết quả khả quan”.

Cựu thủ môn Bùi Quang Huy nêu quan điểm: “Tôi đánh giá tuyển Việt Nam vẫn có cơ hội vì chúng ta đang có phong độ tốt còn Trung Quốc có thế mạnh riêng nhưng không có quá nhiều sự chênh lệch. Đây sẽ là một trận đấu hấp dẫn, khi cơ hội chia đều cho cả hai. 

Lứa cầu thủ của chúng tôi hàng thập niên về trước có thể trình độ, đẳng cấp với Trung Quốc không có sự tương đồng nhau song với những gì bóng đá Việt Nam đã thể hiện trong thời qua; đặc biệt là các trận đấu ở vòng thứ 2 và thứ 3 World Cup 2022, chúng ta đang thu hẹp khoảng cách với các đội bóng ở châu lục”.

Theo cựu tuyển thủ Minh Phương, bóng đá Việt Nam không còn gặp Trung Quốc để học hỏi, cọ xát mà chơi sòng phẳng để giành kết quả tốt. “Hiện tại, Trung Quốc vẫn được đánh giá cao hơn Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA. Thế nhưng bóng đá không phải phép tính trong toán học; không phải đội yếu hơn sẽ nhận thất bại, đội mạnh giành chiến thắng. 

Trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã phát triển và có sự ổn định không chỉ trong khu vực mà cả tầm châu lục. Việc giành vé dự vòng loại cuối World Cup 2022 mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam. 

Tôi hy vọng rằng, lứa hiện tại gặp lại Trung Quốc không chỉ đá để cọ xát, học hỏi và rút kinh nghiệm nữa. Tôi tin vào một kết quả có lợi, một tín hiệu lạc quan cho tuyển Việt Nam ở trận gặp Trung Quốc. Ít nhất, khi bước ra sân các cầu thủ không còn tâm lý sợ thua trước các đối thủ mạnh”.

Từng nhiều lần chạm trán các đội tuyển Trung Quốc, cựu tiền vệ Mai Tiến Thành có sự so sánh: “Tôi hiểu cảm giác lứa cầu thủ này khi sắp đối đầu với Trung Quốc. Tôi đặt niềm tin rất lớn vào các em. Chúng ta có niềm tin, một tập thể đoàn kết và trình độ tương đương với Trung Quốc. 

Nếu so sánh các đội bóng trong bảng B vòng loại thứ 3 này, rõ ràng Trung Quốc không hơn Việt Nam. Chúng ta có thể hòa hoặc thắng đối thủ ở một trận đấu cụ thể trên sân, bởi hiện tại về kỹ năng chơi bóng, niềm tin và trình độ giữa hai nền bóng đá đã có thay đổi. Tôi tin những Quang Hải, Công Phượng, Văn Thanh, Tiến Linh…sẽ có một trận đấu tốt cả về thế trận lẫn kết quả”.

Trong khi đó, cựu tiền đạo Lê Sỹ Mạnh nhìn nhận: “Trong khu vực, chúng ta không còn sợ thua khi đối đầu với Thái Lan. Hai trận đấu với Saudi Arabia và Australia, đội không kém về mặt lối chơi mà chỉ kém may mắn với những quyết định có phần nhạy cảm của trọng tài. 

Gặp Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, tôi tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ chơi tốt. Chúng ta có thế hệ cầu thủ Việt Nam tốt nhất từ trước tới nay. Nếu Trung Quốc dựa vào sức mạnh của những ngôi sao, cá nhân nhập tịch để xây dựng một đội bóng thì chúng ta hoàn toàn khác. 

Cầu thủ Việt Nam là một khối đoàn kết ở cả 3 tuyến, chơi nhuyễn và quan trọng nhất là ra sân vì màu cờ sắc áo của dân tộc. Nói gì đi nữa thì phải cảm ơn HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam có một thế hệ cầu thủ hay thì phải có một vị tướng giỏi. 

Tôi từng là cầu thủ và cũng đã qua các đời trợ lý nhưng tâm lý chiến, cách thổi lửa của HLV Park Hang Seo rất đặc biệt. Để bảo vệ học trò, ông sẵn sàng đối đáp trọng tài, sẵn sàng lao vào với cầu thủ đối phương. Đó là cách truyền lửa và sự khác biệt của ông thầy người Hàn Quốc với bóng đá Việt Nam”.

 

Nội dung: Trần Khánh - Đình Viên - Phương Trang

Thiết kế: Đức Dũng

Bài liên quan

Lê Huỳnh Đức: “Viên gạch” nối hai nền bóng đá Việt Nam và Trung Quốc

Trong quá khứ, Lê Huỳnh Đức là cái tên gắn liền với những sự kiện đầu tiên của bóng đá Việt Nam và Trung Quốc.

Tuyển Việt Nam và sứ mệnh thay đổi lịch sử trước Trung Quốc

Năm lần đối đầu trước đó, tuyển Việt Nam đều thất bại trước Trung Quốc. Trong lần thứ 6 này, nhiệm vụ của thầy trò HLV Park Hang Seo là thay đổi lịch sử.

Sau trận đấu Trung Quốc, VFF đàm phán hợp đồng với ông Park

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và công ty đại diện của HLV Park Hang Seo có thể ngồi lại với nhau để đàm phán hợp đồng sau hai trận đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 trong tháng 10 khép lại.

Webthethao.vn Bình luận