Khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ: CLB hay cầu thủ mới thực sự là ông chủ?
Bản quyền hình ảnh, một cách căn bản nhất, gồm gương mặt, tên, giọng nói, chữ ký, “nickname” và thậm chí cả số áo đấu...của một cầu thủ. Tại Premier League, hợp đồng lao động tiêu chuẩn quy định các CLB có quyền sử dụng một phần hình ảnh cầu thủ để quảng bá cho nhà tài trợ đội bóng, nhưng chỉ rất giới hạn.
Đơn cử như Tottenham Hotspur không được sử dụng Harry Kane với tần suất nhiều hơn các cầu thủ khác trong đội hình chính. Trong khi đó, các nhà tài trợ thường có xu hướng không muốn sử dụng các cầu thủ kém nổi tiếng, ít được biết tới hơn ở Tottenham Hotspur để quảng bá cho sản phẩm của họ. Khi đó nếu muốn sử dụng hình ảnh của Harry Kane nhiều hơn, đội bóng buộc phải đàm phán với anh.
Do mỗi đội bóng ở giải Ngoại hạng đều có rất nhiều đối tác và nhà tài trợ nên các CLB có thể “cài” điều khoản để cầu thủ không hoặc hạn chế quảng cáo cho các nhãn hàng là đối thủ của nhà tài trợ.
Man United là một ví dụ khi có tới hơn 60 đơn vị đối tác, tài trợ. Khi đàm phán ký hợp đồng với Jose Mourinho, một trong những vấn đề phức tạp nhất giữa đôi bên chính là bản quyền hình ảnh. Các nhà đàm phán dường như đã phải tập trung giải vào việc hợp đồng cá nhân của Mourinho với Jaguar và hãng đồng hồ Hublot trong khi đơn vị tài trợ của Man United là Chevrolet và Bulova.
Trường hợp Dybala phức tạp vì anh đã bán hình ảnh của mình cho 1 bên thứ ba và công ty này đánh giá hình ảnh thân chủ cao hơn 2 đội bóng Ngoại hạng. Vì vậy, có thông tin cho rằng Man United và Tottenham Hotspur đã bị đòi chi thêm 13,7 triệu bảng để sở hữu bản quyền hình ảnh Dybala. Thương vụ bất thành khi đôi bên không tìm được tiếng nói chung.
Về cơ bản, cầu thủ chỉ chịu ràng buộc với CLB trong hợp đồng lao động về việc cống hiến trên sân cỏ còn để khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ, đôi bên cần thương thảo một bản hợp đồng khác. Có nhiều ví dụ về việc này. Real Madrid từng đặt ra quy định ăn chia 50-50 với cầu thủ nhưng khi Ronaldo đến, siêu sao Bồ Đào Nha đòi phải được 60%. Vị thế của Ronaldo cho phép anh được quyền “mặc cả” với CLB.
Ngay cả khi tập trung đội tuyển quốc gia, các cầu thủ cũng tham gia quảng cáo cho liên đoàn theo những nguyên tắc cụ thể, đảm bảo không ảnh hưởng quyền hình ảnh riêng của họ. Michael Owen sẽ luôn đi với 2 cầu thủ khác ít nổi tiếng hơn trong tuyển Anh khi thực hiện các nghĩa vụ với nhà tài trợ cho FA.
Tất cả cho thấy một nguyên tắc, quyền hình ảnh của cầu thủ thuộc sở hữu cầu thủ đó và CLB chỉ có quyền khai thác giới hạn. Mọi hoạt động khai thác hình ảnh cá nhân của cầu thủ đều phải thông qua đàm phán.
Việt Nam thì sao?
Khai thác bản quyền hình ảnh cầu thủ chỉ thực sự được chú ý ở Việt Nam sau VCK U23 châu Á 2018 (Trung Quốc). Thành công của U23 Việt Nam đã biến HLV Park Hang Seo và các học trò như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu...trở thành những ngôi sao lớn, thu hút sự yêu mến từ các CĐV. Trang cá nhân của Quang Hải hiện có hơn 2,2 triệu người “follow”, trở thành một kênh kiếm tiền.
Quang Hải cũng trở thành cầu thủ nhận được nhiều bản hợp đồng quảng cáo nhất, đem về cho anh những khoản thu “khủng”. Tương tự, Duy Mạnh hay Đình Trọng cũng là các gương mặt được nhiều nhãn hàng yêu thích.
Việc CLB Hà Nội ban hành quy định về việc quản lý, khai thác hình ảnh cầu thủ của đội bóng này vì vậy gây xôn xao khi cho phép đội bóng của bầu Hiển trở thành đơn vị “sở hữu duy nhất” bản quyền hình ảnh các cầu thủ. Quy định mới này thậm chí cho phép Hà Nội sửa các hợp đồng đã ký kết trước đó với cầu thủ nếu không có điều khoản hoặc có điều khoản không phù hợp với quy định mới.
Bình luận viên Trương Anh Ngọc đã cho rằng, đây là một quy định có phần không hợp lý. Rất khó để đưa ra một quy định chung để áp cho tất cả các cầu thủ. Đơn giản, Messi không thể so với các cầu thủ kém tên tuổi khác ở Barcelona còn tại CLB Hà Nội, hình ảnh Quang Hải chắc chắn phải khác so với các đồng đội.
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Việc sử dụng hình ảnh người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Như vậy có thể thấy ngay tại Việt Nam, pháp luật cũng có những quy định cụ thể về quyền hình ảnh của một cá nhân.
Vấn đề là khác với giải bóng đá chuyên nghiệp như Ngoại hạng Anh, các cầu thủ thường có luật sư hoặc công ty đại diện, ở Việt Nam cầu thủ thường kém hiểu biết về pháp luật, không có người bảo hộ khi ký hợp đồng. Trước một vấn đề phức tạp như bản quyền hình ảnh, cầu thủ khó có thể nhận biết đầy đủ để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình.
Bên cạnh đấy ở CLB Hà Nội, không phải cầu thủ nào cũng thu được tiền từ hoạt động quảng cáo bên ngoài. Lương thưởng vẫn là nguồn thu chính. Vì vậy, họ có thể dễ dàng bỏ qua các quy định về bản quyền hình ảnh CLB đưa ra trong khi nếu hiểu biết, các cầu thủ hoàn toàn đòi được những quyền lợi cao hơn.
Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu bóng đá Việt Nam cần thành lập Hiệp hội cầu thủ, hoặc thúc đẩy sự hình thành các công ty đại diện cầu thủ, bảo vệ họ khi ký kết hợp đồng với CLB.