Kon Tum đau đáu giấc mơ “xứ Basque” giữa lòng Tây Nguyên

thứ bảy 19-10-2019 8:03:00 +07:00 0 bình luận
Tây Nguyên đã có một đại diện là HAGL tại V.League, nhưng người dân Kon Tum vẫn khao khát có được một đội bóng của riêng họ và mang đậm bản sắc địa phương.

HAGL rất tốt nhưng… thiếu chất địa phương

Không phủ nhận những gì HAGL và các cầu thủ của họ từng đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh,… dường như đã vực dậy một nền bóng đá cạn kiệt niềm tin, không chút cảm hứng từ cách đây 6-7 năm. Kể cả thi đấu bết bát tại V.League trong nhiều năm qua thì HAGL vẫn cứ là đội bóng “quốc dân” được nhiều người mến mộ.

Nhưng chính từ “quốc dân” cũng đã chỉ ra rằng họ là đại diện cho Tây Nguyên về mặt địa lý chứ chưa hẳn là đại diện về tinh thần của đồng bào nơi đây. HAGL là đội bóng quy tụ nhiều cầu thủ đến từ mọi miền Tổ quốc. Trong số đó, chỉ có A Hoàng là con em của Tây Nguyên.

A Hoàng là cầu thủ người địa phương hiếm hoi của HAGL

Xu hướng bóng đá thế giới đương đại là dựa vào nguồn lực ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, thứ bản sắc riêng cho từng vùng miền luôn là niềm đau đáu. Với khu vực có tính đặc thù như Tây Nguyên, ngoài HAGL, họ có những đội bóng khác như Kon Tum, Lâm Đồng hay Đăk Lăk.

Nhưng mẫu số chung của các đội bóng Tây Nguyên chính là việc họ hoàn toàn bị động trong nguồn cung cấp cầu thủ chứ chưa đến nói để chuyện tìm kiếm tài năng. Chính vì thế, bản sắc của vùng miền vẫn chỉ là giấc mơ.

Kon Tum phất cờ, sẵn sàng xây dựng đội bóng đậm bản sắc

Ở VCK U21 Quốc gia 2019, Kon Tum là một trong hai địa phương đồng đăng cai giải đấu cùng với Gia Lai. Không ít người ngỡ ngàng khi chứng kiến SVĐ tỉnh Kon Tum khang trang và quy mô. Chỉ cần sửa chữa lại đôi chút và cải tạo mặt sân cũng như phòng chức năng, đó sẽ là cơ ngơi mà nhiều đội bóng thèm muốn. Số lượng người dân đến xem giải đấu cũng thường xuyên đạt mức 1000 - 2000 khán giả trong một trận đấu.

SVĐ tỉnh chưa có bảng điện tử và phải thay số thủ công

Tiềm năng phát triển bóng đá là thấy rõ, Kon Tum ở hạng Nhì chỉ là tập hợp của những cầu thủ bán chuyên nhưng vẫn tạo ra khó khăn cho các đội bóng được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho đào tạo trẻ ở Kon Tum là vấn đề lớn. Họ thường xuyên phải đi mượn cầu thủ ở khắp nơi và chỉ có khoảng 10-15 cầu thủ là nội lực của chính mình.

Nguồn lực hạn hẹp, cơ sở vật chất luyện tập vẫn chưa đảm bảo. Ảnh: Hàn Phong

Trước đây, khi đi xin tài trợ, bóng đá Kon Tum nhận được lời đề nghị đầu tư từ một doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, trong hợp đồng có điều khoản phải đổi tên đội bóng gắn liền với tên doanh nghiệp. Đây là điều khiến lãnh đạo Tỉnh không đồng ý vì ít nhiều làm mất đi giá trị bản sắc của đội bóng quê hương. Kon Tum sau đó phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách khi không xoay được nguồn chi.

Nhưng giờ đây, câu chuyện đã hoàn toàn khác khi lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt đề án phát triển thể thao thành tích cao trong đó có bóng đá. Chế độ tiền công cho các VĐV được tăng từ 80.000 VNĐ/ngày lên 180.000 VNĐ/ngày. Còn chế độ tiền ăn được tăng vượt trội từ 150.000 VNĐ lên 220.000 VNĐ và khi thi đấu sẽ tăng lên 290.000 VNĐ/ngày, mức chi tương đương với một số đội bóng tại V.League.

Nguồn kinh phí được tăng cường sẽ là cơ hội cho các cầu thủ được tập huấn bài bản

Ông Nguyễn Văn Trường – Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Khi đứng ra tổ chức giải U21 Quốc gia, tôi thường xuyên nhận được lời khen ngợi từ lãnh đạo các đội bóng và trọng tài về sự nồng nhiệt của người dân Kon Tum với giải đấu. Lãnh đạo Tỉnh cũng đã gửi thông điệp rằng nếu chơi tốt ở giải hạng Nhì, tỉnh sẵn sàng đầu tư mạnh. Chúng tôi cũng được yêu cầu xây dựng cơ chế để đào tạo các VĐV làm nguồn cung để phát triển”.

Khán giả đến sân rất đông tại giải U21 Quốc gia 2019 dù Kon Tum không có đội bóng tham dự

“Vấn đề của CLB Kon Tum giờ đây chỉ là việc cầu thủ không được thường xuyên tập luyện theo môi trường chuyên nghiệp. Chúng tôi phải chờ đợi kinh phí duyệt chi mới có thể triệu tập các VĐV trong tỉnh để tập luyện hoặc mượn cầu thủ từ địa phương khác. Nếu không đủ kinh phí lại phải cho VĐV về nhà. Nhưng năm nay có thể sẽ khác, chúng tôi sẽ đá hết mình và phấn đấu giành thành tích”, ông Trường phấn khởi.

Hiện tại, Kon Tum đang phát triển mô hình đào tạo trẻ cho các đội từ U7, U8 đến U15, U17. Thực chất, mô hình này được bắt nguồn từ tỉnh Đăk Lăk do một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Nhưng sau đó, họ đã chọn Kon Tum là nơi để sinh hoạt và luyện tập. Chính những cậu bé người Tây Nguyên cũng đang được học tập và rèn luyện tại đây. Đây cũng chính là nguồn cung cấp cầu thủ để Kon Tum có thể tham dự các giải bóng đá trẻ Quốc gia trong tương lai gần.

Giấc mơ về xứ Basque giữa lòng Tây Nguyên

Với một địa phương chưa có được tiềm lực kinh tế ổn định như Kon Tum, rất khó để họ có thể xây dựng đội bóng theo kiểu “trọc phú”. Tất cả đều phải xuất phát từ nội lực và làm thế nào để tiết kiệm nhất, nhưng lại phải hiệu quả nhất. Chỉ có một cách duy nhất đó là làm bóng đá căn cơ, dựa vào nguồn lực từ chính người dân sống tại các tỉnh Tây Nguyên và đồng bào dân tộc thiểu số.

Kon Tum vẫn đang nỗ lực để xây dựng đội bóng giàu bản sắc Tây Nguyên

Mô hình mà Kon Tum có thể hướng tới có thể giống CLB Athletic Bilbao tại Tây Ban Nha. Đây là đội bóng có trụ sở tại thành phố Bilbao, tỉnh Biscay thuộc vùng Basque, Tây Ban Nha. Đội bóng từng 8 lần vô địch La Liga có một câu slogan tương đối… độc đoán: “Con cantera y afición, no hace falta importación”, có thể dịch ra là :"Với những tài năng cây nhà lá vườn và người hâm mộ, chúng ta không cần người thiên hạ".

Tất nhiên, bóng đá Kon Tum cần nhiều hơn thế và không nhất thiết phải độc đoán như vậy. Họ đang có những cầu thủ người dân tộc thiểu số như A Mít (dân tộc Bana), A Hoàng (Giẻ Triêng) và nhiều cậu bé ở những buôn làng đang chờ đợi cơ hội được toả sáng trên sân cỏ.

Ông Trường cũng cho biết: “Xây dựng và phát triển bóng đá là cả một chặng đường dài. Dù vậy, mục tiêu trước mắt mà bóng đá Kon Tum hướng đến là một đội bóng giàu bản sắc từ những người con của địa phương và phục vụ khán giả địa phương. Qua đó, đội bóng đá tỉnh nhà sẽ cố gắng thi đấu để đạt được thành tích cao trong những năm tới đây. Nếu được, đó cũng sẽ là lời khẳng định cho sự phát triển của bóng đá Kon Tum trong thời đại hội nhập”.

Tập thể đội bóng Kon Tum tại Lễ Tổng kết hạng Nhì Quốc gia 2019
Kon Tum cũng là mảnh đất của núi Măng Đen đầy tiềm năng du lịch, của loại sâm Ngọc Linh được coi là bảo vật quốc gia. Họ cần một phương thức để quảng bá hình ảnh, văn hoá của mình một cách hữu hiệu và lan toả nhất. Vậy còn gì tuyệt vời hơn là việc xây dựng một đội bóng với nòng cốt là người dân tộc thiểu số hoặc sinh ra tại Tây Nguyên, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Phương Trang
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội