LUẬT TDTT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG: Đón đầu những “xu thế” mới

thứ năm 31-5-2018 11:28:31 +07:00 0 bình luận
Ngày 31/5, Quốc hội khóa XIV thảo luận về một số vấn đề còn chưa đồng thuận trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trước khi quyết nghị thông qua vào cuối kỳ họp (ngày 14/6)…

Sau gần 11 năm có hiệu lực (kể từ 2006 và được áp dụng từ 1/7/2007), bên cạnh nhiều mặt tích cực (được coi như "xương sống" cho toàn bộ hoạt động TDTT nước nhà), Luật TDTT cũng đã bộc lộ nhiều điểm cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cũng như xu thế phát triển của TDTT nước nhà. Hôm nay (31/5), Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về một số vấn đề còn chưa đồng thuận trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trước khi quyết nghị thông qua vào cuối kỳ họp (ngày 14/6)…

NHỮNG ĐIỀU CHỈNH ĐÁNG CHÚ Ý 

Điều chỉnh quan trọng đầu tiên chính là việc Luật đã quy định rõ trách nhiệm đối với UBND các cấp trong xây dựng cơ sở vật chất TDTT, trong đó nêu rõ yêu cầu đối với từng cấp, từ cấp nhỏ nhất là "thôn, làng, ấp" tới cấp tỉnh. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có các công trình thể dục, thể thao cấp tỉnh (sân vận động, nhà tập luyện, thi đấu thể thao, bể bơi).

Một điều rất đáng chú ý là Luật sửa đổi, bổ sung có hàng loạt điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT trong trường học – một trong những điều bất cập bấy lâu nay do những khiếm khuyết trong Luật hiện hành. 

Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về một số vấn đề còn chưa đồng thuận trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT trước khi quyết nghị thông qua vào cuối kỳ họp (ngày 14/6).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từ nay sẽ có trách nhiệm rõ ràng đối với công tác phát triển TDTT trường học như: Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục thể thao cho hoạt động giáo dục thể chất ở các cấp học; Quy định số lượng, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao của từng cấp học; Xây dựng, ban hành chương trình giáo dục thể chất, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên TDTT...

Các nhà trường cũng có trách nhiệm phải đảm bảo giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường cũng như các hoạt động liên quan. Mỗi trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường!

Về thể thao thành tích cao, lần đầu tiên, Luật có quy định về trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên và thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp (sẽ có hướng dẫn thực hiện riêng). 

MỞ CỬA CHO XU THẾ PHÁT TRIỂN MỚI

Luật TDTT sửa đổi bổ sung lần này đã có sự điều chỉnh nhằm làm rõ hơn quan điểm của Nhà nước đối với thể thao chuyên nghiệp. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp (Luật cũ chỉ nêu rõ phần thành lập CLB). 

Từ thực tiễn nảy sinh, Luật cũng cập nhật xu thế mới về "người đại diện" như sau, trong đó nêu rõ "Hợp đồng chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp có thể được ký kết thông qua người đại diện trung gian. Đại diện trung gian được hưởng hoa hồng theo quy định của pháp luật và được cấp phép hành nghề theo quy định của Liên đoàn thể thao quốc gia, Liên đoàn thể thao quốc tế của môn thể thao đó". 

Một bổ sung rất quan trọng về "CLB thể thao chuyên nghiệp" là nêu rõ quyền lợi được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu hàng hóa, miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, một điều rất đáng chú ý là Luật TDTT sửa đổi bổ sung bước đầu dự kiến đưa vào nội dung về Đặt cược thể thao: "Đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược. 

Các nguyên tắc về Đặt cược thể thao được quy định gồm: a) Kinh doanh đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; b) Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao; c) Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia; d) Đồng tiền sử dụng để đặt cược, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược là Việt Nam đồng.

3. Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.".

Đây cũng là nội dung sẽ được tiếp tục thảo luận tại Quốc hội vì được cho là mang tính nhạy cảm (và tiềm ẩn nhiều phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện), mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Việc có tiến hành "luật hóa" vấn đề này hay không vẫn còn đang được tranh luận khá sôi nổi trong thời gian qua.

Bài liên quan
Nhà báo Hữu Bình
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội