Lương ông Park và nỗi niềm một nhân viên VFF
“Lương cao thì mới giảm chứ đã thấp còn giảm nữa thì ăn chè khoán”. Thực ra chủ trương giảm lương của VFF có khá lâu rồi. Năm ngoái doanh thu VFF lên 240 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 747%, liên đoàn cũng có tăng chế độ cho cán bộ, nhân viên. Năm nay dự báo thu nhập sẽ sút giảm, kéo theo việc giảm lương. Mức cắt giảm dự tính cũng chỉ 10%, trước mắt từ tháng 4 và chỉ áp dụng cho giai đoạn bóng đá ngừng vì COVID-19.
Làm ở VFF vừa sướng, vừa khổ. Quan chức đi đâu thiên hạ cũng biết mặt, biết tên. Bóng đá lên thì cũng được chút thơm lây dù công lao thuộc về HLV trưởng, cầu thủ và các ông bầu cả. Thua thì…tất cả do VFF. Nhưng có những cái khổ chỉ nhân viên VFF mới hiểu.
Năm nào các ĐTQG càng tiến sâu ở các giải đấu, chi phí phải bỏ ra càng cao. Ngân sách Tổng cục TDTT cấp chỉ có hạn, phần còn lại dĩ nhiên VFF phải tự lo. Hết tiền thì dĩ nhiên cán bộ, nhân viên phải “thắt lưng, buộc bụng”. Đội tuyển thắng đem lại niềm vui cho cả triệu người nhưng cán bộ, nhân viên VFF thì đấy có khi lại là chuyện cơm áo, gạo tiền.
Bóng đá Việt Nam có cả tá ông bầu, nhiều người uy quyền lừng lẫy. Nhưng số người chịu chi trực tiếp cho VFF và các hoạt động của đội tuyển quốc gia, đếm đi đếm lại không quá dăm 3 người. Bầu Thắng năm 2008 “chia sẻ” ông Henrique Calisto cho đội tuyển Việt Nam, bầu Đức (ông Đức khi kinh tế đi xuống vẫn sẵn sàng hỗ trợ VFF khá nhiều thứ), và bầu Tú.
Bầu Tú nhiều năm liền Thái Sơn Bắc chi cho bóng đá nữ, chưa kể đầu tư vào futsal. Ông Tú nhiều năm cũng hỗ trợ cho Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Gia Lâm (Hà Nội), vốn thuộc quyền Sở VH-TT Hà Nội, cái nôi đào tạo nên lứa Quang Hải, Duy Mạnh...trước khi chuyển giao vào tay bầu Hiển.
VFF năm 2017 thiếu tiền Tết cho nhân viên đã phải lấy 40.000 USD tiền thưởng của FIFA cho đội tuyển futsal để chi. Tiền thưởng cho đội, bầu Tú lại lấy từ túi riêng bù vào. Dĩ nhiên, thành tích tuyển tốt thì cũng có hy vọng sau đó việc làm ăn của VFF tốt hơn để bù vào, như thực tế 2 năm qua. Nhưng nói vậy để thấy, doanh thu của VFF còn phập phù, lương cán bộ, nhân viên không hề cao.
Lương thấp, thực tế với mức cắt giảm 10%, số tiền VFF tiết kiệm mỗi tháng cũng không thấm vào đâu. Đơn cử có thể so sánh, với mức lương khoảng 50.000 USD/tháng, HLV Park Hang Seo mỗi tháng nhận hơn 1 tỷ đồng dù công việc 5 tháng đầu năm là khá nhàn. Có người bảo ông Park chỉ chia sẻ khó khăn 50% thu nhập tháng thì đã vượt toàn bộ tiền tiết kiệm từ cắt giảm lương cán bộ, nhân viên VFF. Nhưng lương ông Park được trả 100% từ nguồn xã hội hoá, VFF cũng khó có thể đòi giảm. Chuyện cắt giảm lương với những trường hợp như HLV Park Hang Seo thường xuất phát từ sự tự nguyện nhiều hơn.
Chỉ hy vọng dịch qua nhanh, để bóng đá cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống trở lại bình thường.