Mỹ Đình buộc phải đóng cửa những “lều tạm”, massage và quán bia
Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình (Khu LHTTQG Mỹ Đình) phải thu hồi đất cho thuê tràn lan, không phù hợp mục đích sử dụng liên quan đến thể thao. Doanh nghiệp thuê đất than trời nhưng lãnh đạo Khu Liên hợp lại khá bình thản.
>>> Tổng cục TDTT kết luận VFF không có ý đồ "gạt" bầu Đức ra ngoài
>>> Những ứng cử viên tại Đại hội VFF khóa VIII có gì?
Công văn chính thức từ Bộ VHTT&DL
Cuối tháng 3/2018, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã ký công văn 1132 về việc quản lý cơ sở vật chất Khu LHTTQG Mỹ Đình. Công văn nhấn mạnh về việc sắp xếp, xử lý tài sản công, tăng cường quản lý đất đai,…
Trước đó, chính quyền sở tại quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần gửi công văn cho Bộ VHTT&DL đề nghị chỉ đạo xử lý các sai phạm trong sử dụng quỹ đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình từ năm 2012. Thời điểm này, Khu Liên hợp thuộc quản lý của Bộ thay vì Tổng cục TDTT. Tuy nhiên, phải đến năm nay, Bộ mới gửi công văn rõ ràng, yêu cầu Khu LHTTQG Mỹ Đình thu hồi đất sử dụng sai mục đích.
Công văn có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Khu LHTTQG Mỹ Đình phải rà soát lại các hợp đồng liên kết, hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư của Khu Liên hợp (kể cả các hợp đồng đã ký nhưng chưa triển khai thực hiện) để đảm bảo thực hiện nội dung quy định tại Nghị định 151, 167 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Trong quá trình rà soát nếu có phát sinh, vướng mắc phải báo cáo kịp thời về Bộ để xem xét.
Thứ hai, Khu LHTTQG Mỹ Đình phải dừng khai thác, cho thuê toàn bộ phần diện tích đất đã đền bù giải bóng mặt bằng nhưng chưa triển khai các dự án theo quy hoạch. Khu Liên hợp có trách nhiệm chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi lại mặt bằng. Bộ VH-TT&DL yêu cầu Khu Liên hợp khẩn trương thực hiện các yêu cầu trên và báo cáo kết quả về Bộ trong tháng 4-2018
Doanh nghiệp thuê có 45 ngày để di dời
Nhiều doanh nghiệp thuê đất sau khi nhận được thông báo của Khu Liên hợp đã cho rằng thời gian di dời quá gấp, còn hợp đồng vẫn còn thời gian dài. Nếu di dời, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại nặng khi đã rót vốn đầu tư với thời gian hoàn vốn từ 2 – 3 năm.
Nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh các loại hình không liên quan đến thể thao nhưng được cho phép mở cửa tràn lan như quán bia hơi, cà phê, massage, khu sửa xe, rửa xe ô tô…
Đại diện một doanh nghiệp cho biết họ thuê 400 m2 đất của Khu LHTTQG Mỹ Đình với giá 80,000 đồng/m2, tốn 80 triệu đồng/tháng.
Ông cho biết: "Hợp đồng này không có điều khoản ràng buộc chặt chẽ về thời gian. Họ có thể thu hồi mặt bằng bất cứ lúc nào kể cả doanh nghiệp có kinh doanh trong hoạt động thể thao. Chúng tôi đã đầu tư nhiều tiền để xây dựng nhà cửa, làm nội thất. Việc phải di chuyển đi ngay thì thiệt hại không ít".
Tuy nhiên, doanh nghiệp lại ký hợp đồng với Khu Liên hợp thông qua một đơn vị trung gian. Chính điểm này khiến doanh nghiệp trở nên yếu thế về mặt pháp lý trước đơn vị cho thuê. Nếu không thực hiện đúng thời hạn, các doanh nghiệp có thể bị cưỡng chế di dời.
Sau khi nhận được công văn từ Bộ, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã làm việc với các đơn vị thuê đất vào ngày 13/4 (13 đơn vị) để thông báo. Lãnh đạo Khu Liên hợp thống nhất thời gian bàn giao mặt bằng chậm nhất diễn ra vào ngày 1/6/2018.
Trong khi đó, các đơn vị thuê đất trong diện thu hồi đề nghị Khu Liên hợp cho thời gian từ 3-6 tháng để tiến hành công tác di dời nhưng không thành công.
Lãnh đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình nói gì?
Quan điểm của lãnh đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình khẳng định sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công văn của Bộ VHTT&DL.
Ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu Liên hợp, cho biết: "Các Nghị định và Chỉ thị của Chính phủ về việc sắp xếp toàn bộ đất công trên cả nước. Chúng tôi thấy hoàn toàn đúng đắn".
"Khu Liên hợp hiện nay có hai loại cho thuê. Một là dự án liên danh liên kết thì phải rà soát lại còn các dự án cho thuê tạm thì phải dừng và thu hồi hết mặt bằng".
Nói về việc doanh nghiệp than khó khi phải di dời trong thời gian gấp gáp, ông Nghĩa phủ nhận: "Khi ký hợp đồng với các dự án cho thuê mặt bằng tạm này, chúng tôi chỉ ký thời gian 6 tháng một lần nên không gặp khó khăn khi thu hồi đất".
Việc Khu LHTTQG Mỹ Đình để xảy ra tình trạng sử dụng quỹ đất không đúng mục đích đến từ việc đơn vị này được chính thức tự chủ tài chính từ năm 2012. Trước đó một năm, Bộ VHTT&DL cho phép Khu Liên hợp thực hiện thí điểm hoạt động liên danh, liên kết với các tổ chức, các cá nhân trong khai thác cơ sở vật chất và quỹ đất nhằm tăng nguồn thu. Toàn bộ sự thay đổi đều dưới thời Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.
Bên cạnh đó, Khu Liên hợp được Bộ VHTT&DL giám sát hoạt động thay vì Tổng cục Thể dục Thể thao như trước đây. Việc này được xem là một nguyên nhân khiến hoạt động giám sát không còn được sát sao.
Tính từ năm 2012 khi được tự chủ tài chính, lãnh đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình cho rằng nếu không làm công tác cho thuê sẽ không có nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động. Trung bình một năm, Khu Liên hợp cần từ 3 – 5 tỷ đồng để duy tu cơ sở vật chất. Nguồn thu dự kiến của đơn vị năm 2018 là 55 tỷ đồng.
Ông Cấn Văn Nghĩa hiện đang tranh cử ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII, và hết năm 2018 ông sẽ nghỉ hưu khi đang giữ vị trí Giám đốc Khu LHTTQG Mỹ Đình.
Tại sao Khu LHTTQG Mỹ Đình phải cho thuê nhiều đất trống?
Khu LHTTQG Mỹ Đình được khởi công xây dựng ngày 6/12/2001 nhằm chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 tại Hà Nội. Khu LHTTQG có diện tích 247 ha tại hai xã Mễ Trì, Mỹ Đình, huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Trong giai đoạn 1 của dự án, Khu liên hợp thực hiện triển khai hai công trình lớn là SVĐ QG Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước. Trong khi đó, toàn bộ các dự án của giai đoạn 2 đến nay vẫn “đắp chiếu” không triển khai được vì lý do không có tiền.
Sau SEA Games 2003, Nhà nước cấp thêm 1.200 tỷ đồng để triển khai giai đoạn hai nhưng hiện tại chỉ có Bệnh viện Thể thao Việt Nam được xây dựng khánh thành năm 2007 có vốn đầu tư 52 tỷ đồng là cao nhất.
5 năm qua lãnh đạo Khu Liên hợp TTQG Mỹ Đình đã cho thuê hầu hết các diện tích đất trống, ngay cả trong các công trình như SVĐ Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước.
Điểm tích cực của việc cho thuê là giúp đơn vị này tự chủ được tài chính, giảm đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, việc thiếu giám sát từ cấp cao nên việc cho thuê đất kinh doanh nhiều hoạt động không liên quan đến thể thao đã ảnh hưởng đến quy hoạch Khu LHTTQG Mỹ Đình.