Những cầu thủ Việt thể hiện ra sao ở trời Âu?
Hợp đồng giữa Văn Hậu và Heerenveen đã kết thúc hôm 30/6. Dù Hà Nội FC nỗ lực đàm phán và sẵn sàng chi tiền để Heerenveen giữ lại Văn Hậu nhưng mọi cuộc thương thảo đều không mang lại kết quả. Hậu vệ Việt Nam sẽ về nước trong thời gian tới và trở lại thi đấu ở giai đoạn hai V.League 2020.
Gần 1 năm ở Hà Lan, Văn Hậu không được trao nhiều cơ hội để ra sân thi đấu. Ở đội 1, cầu thủ sinh năm 1999 chỉ có vỏn vẹn 4 phút ra sân ở Cúp Quốc gia, còn lại là các trận đấu với Jong Heerenveen. Dù không có nhiều đất diễn nhưng hậu vệ quê Thái Bình đã có sự phát triển vượt trội cả về thể hình lẫn thể lực. Đây cũng là một chút thành quả mà Văn Hậu có được sau thời gian học hỏi ở môi trường bóng đá châu Âu.
Đồng cảnh ngộ với Văn Hậu là đàn anh Nguyễn Công Phượng. Sau hai chuyến đi đến Nhật Bản và Hàn Quốc không mấy thành công, tiền đạo xứ Nghệ chuyển đến một đội bóng châu Âu với niềm hy vọng tràn trề. Sint-Truiden từng được xem là “bàn đạp” để Công Phượng phát triển tài năng và tích luỹ kinh nghiệm thi đấu.
Nhưng thực tế, trình độ bóng đá của cầu thủ Việt vẫn còn một khoảng cách rất xa với bóng đá châu Âu. Thời điểm đó, Công Phượng chỉ có thể trụ lại trong nửa mùa giải ở Sint-Truiden. Anh may mắn hơn Văn Hậu khi có 20 phút ra sân tại giải VĐQG Bỉ, nhưng đó lại là trận đấu mà Sint-Truiden thảm bại 1-6 trước Club Brugge.
Sau thất bại ở trời Âu, Công Phượng được “giải cứu” và trở về khoác áo CLB TP.HCM. Tiền đạo xứ Nghệ vẫn đang thể hiện tốt với 3 bàn thắng tại V.League 2020.
Trước Công Phượng và Văn Hậu, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng từng được thử sức ở trời Âu. Nhưng khác với các đàn em, Việt Thắng chỉ được gửi đến đội trẻ Porto của Bồ Đào Nha theo lời giới thiệu của HLV Calisto, từ năm 2004 đến 2005. Dẫu là một tiền đạo chất lượng cùng thể hình lý tưởng 1m80 nhưng Việt Thắng cũng chỉ được tập luyện chứ không được ra sân thi đấu cùng CLB Porto.
Với những cầu thủ từng được xuất ngoại sang châu Âu, trường hợp của Lê Công Vinh được xem là thành công nhất. Công Vinh đã được thử sức ở CLB Leixoes trong 4 tháng. Đây cũng là đội bóng cũ của HLV Calisto, cựu thuyền trưởng ĐT Việt Nam.
Tiền đạo sinh năm 1985 có trận đấu chính thức đầu tiên ở giải VĐQG Bồ Đào Nha là cuộc đối đầu với UD Leiria vào tháng 10/2009, Leixoes thắng 3-2. Dù không ghi bàn nhưng đây là dấu mốc lịch sử khi anh trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên được thi đấu ở một giải VĐQG của châu Âu. Chỉ gắn bó trong một thời gian ngắn, Công Vinh thi đấu 1 trận giải VĐQG, 1 trận Cúp Quốc gia và ghi được 1 bàn thắng trước khi trở lại khoác áo Hà Nội T&T tại V.League 2010.