"Lò” Sông Lam và con đường... tiêu tiền đau khổ
Khi có thêm 5 tỷ đồng mỗi năm, nhiều người đặt câu hỏi “lò” Sông Lam sẽ làm gì với số tiền ấy. Như chúng tôi đã đề cập, để tiêu số tiền này, SLNA phải làm đề án, trình Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nghệ An. Trước mắt là tăng chế độ dinh dưỡng mà cụ thể là áp dụng tháng “tập huấn” đối với VĐV (tháng “tập huấn” là tháng cầu thủ tập trung để chuẩn bị và thi đấu ở giải trẻ quốc gia). Đề xuất này đã được chấp nhận và đang chờ Sở Tài chính duyệt chi.
Sau dinh dưỡng, SLNA cũng sẽ đề xuất cải tạo khu nhà ở. Tuy nhiên, muốn xin kinh phí ở bất cứ hạng mục nào, đội bóng xứ Nghệ cũng phải làm đề nghị, chứ không thể chủ động được. Thế nên, số tiền 5 tỉ đồng đầu tư thêm được hiểu là số tiền tối đa, còn việc tiêu bao nhiêu và tiêu như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Cũng giống như gói 20 tỷ đồng/năm (được áp dụng trong 3 năm gần đây) chẳng hạn, SLNA cũng phải làm đề nghị rồi sau đó các sở, ban ngành có liên quan ở địa phương duyệt. Thế nên, nói là 20 tỷ đồng/năm nhưng có những năm, “lò” đào tạo trẻ Sông Lam chỉ rút ngân sách được số tiền khoảng 15 tỷ đồng. Điều này là do một số khoản đề nghị, không được chấp nhận. Để cho dễ hiểu, 20 tỷ đồng/năm là số tiền tối đa, còn việc được chi bao nhiêu lại tuỳ thuộc vào đề nghị của SLNA (đề nghị phải hợp lý).
Bóng đá trẻ xứ Nghệ vẫn đang hoạt động theo kiểu bao cấp. Mặc dù biết đón đầu và khá bài bản nhưng khi bóng đá dần chuyển sang chuyên nghiệp, các CLB đều xem đào tạo trẻ là ưu tiên hàng đầu và đầu tư lớn thì mô hình như của SLNA trở nên lạc hậu. Đơn cử như Viettel hay PVF, mỗi năm đầu tư ngót nghét cả trăm tỉ đồng cho bóng đá trẻ nên việc “lò” Sông Lam thua thiệt và mất dẫn vị thế cũng là điều dễ hiểu.