Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn Trưởng Ban trọng tài VFF
Sáng nay (19/12) tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những đánh giá, nhìn nhận rất thẳng thắn về sự phát triển và công tác điều hành của bóng đá Việt Nam.
Trong đó, nội dung được đề cập nhiều nhất là công tác trọng tài và Ban kỷ luật VFF. Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi báo cáo Phó Thủ tướng về công tác trọng tài, trong đó ông Mùi nêu thẳng, nếu có sự tác động đội ngũ trọng tài rất dễ bị sa ngã nhưng toàn bộ các thành viên trong Ban trọng tài luôn động viên nhau phải làm việc trong sáng, minh bạch và đúng luật.
“Tôi chỉ muốn nói những nghi ngờ liên quan đến trọng tài luôn bắt nguồn từ đội bóng, giới truyền thông… điều đó cho thấy họ chưa chấp hành quy chế, điều lệ và luật chơi”, ông Mùi nói.
Ngay sau phần báo cáo của trưởng Ban trọng tài, Phó Thủ tướng đã có những chỉ đạo, bằng việc đặt câu hỏi với người đứng đầu của bộ phận trọng tài VFF.
“Có thể từ CLB những người đứng sau CLB, các cầu thủ… từ trọng tài, tất cả đều làm nên bức tranh này. Nhưng việc nghi ngờ trọng tài, tôi nghĩ mọi người đều có quyền nghi ngờ.
Ngay cả những giải Anh, Tây Ban Nha, Đức… dù được áp dụng đúng công nghệ nhưng vẫn có sai sót, tuy nhiên, cách người ta xử lý vấn đề sau trận đấu lại rất chuẩn mực. Treo còi vĩnh viễn, người xuống hạng thấp hơn bắt… như vậy công tác trọng tài Việt Nam có làm được thế không? Còn mình không có quyền đòi hỏi khán giả, cầu thủ, lãnh đạo CLB không được quyền nghi ngờ trọng tài.
Vấn đề ở đây là việc xử lý và chấp nhận những sai sót sau trận đấu để xứ lý tận gốc. Ban trọng tài có dám xử lý chuẩn mực và không bị bất kỳ ràng buộc nào không? Bản thân tôi thấy điều này đúng và dư luận rất quan tâm”, ngay sau những chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, toàn bộ Hội nghị đều đồng loạt vỗ tay và cho rằng đó là những vấn đề thiết thực, cần được giải quyết.
Trước những chất vấn của Phó Thủ tướng, ông Mùi giải trình. “Thực tế khi có những biểu hiện tiêu cực, Ban trọng tài cho dừng việc ngay và không mời làm nhiệm vụ. Kể cả những lỗi thuộc về nhận định, chúng tôi luôn xử lý nghiêm minh, thậm chí phạt 4 trận đấu trở lên. Tất cả những việc làm đó, chúng tôi cho rằng để giúp các trọng tài nhìn nhận ra việc làm của mình và luôn ý thức với nghề.
Sai sót là điều không thể tránh khỏi, nhưng những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng tới trận đấu và cả những nghi ngờ tiêu cực cũng đã được xử lý hết sức nghiêm khắc và chắc chắn không có chuyện bao che”, ông Mùi báo cáo Phó Thủ tướng.
Ngòai ra ông Mùi cũng chỉ ra lý do dẫn đến sự phản ứng từ các đội bóng đó là V.League được trực tiếp toàn bộ các trận đấu, nên những pha phạm lỗi, bàn thắng hay không bàn thắng… được xem trực tiếp ngay tại sân, nên dễ dàng dẫn đến những phản ứng. “Để khắc phục những vấn đề đó, Ban trọng tài đã cho mời những trọng tài nước ngoài bắt một số các trận đấu quan trọng. Thậm chí, trình độ các trọng tài ngoại cũng không hơn gì trọng tài Việt Nam. Đây là điều bất khả khảng nhưng nó sẽ phục vụ mục đích ổn định tâm lý cho các đội bóng.
Ở vòng 25 V.League 2017 vừa qua, trọng tài người Malaysia điều hành trận FLC Thanh Hoá-S.Khánh Hoà tình huống dẫn đến phạt 11m 100% nhưng lại không thổi, sau đó lại bắt bù 1 quả khác mà chưa phạm luật. Thế nhưng, các đội bóng có ai phản ứng đâu? Khán giả cũng không phản ứng gì? Như thế trọng tài nào làm việc cũng được?! Và đó là vấn đề đối với các trọng tài Việt Nam, làm đúng hay không đúng cũng bị phản ứng”, tiếp những lý giải của Trưởng Ban trọng tài VFF.
Bên cạnh đó, Phó thủ tưởng cũng đặt câu hỏi đại diện Ban kỷ luật VFF là ông Phạm Hải Đăng. "Ban kỷ luật đã làm tốt nhiệm vụ chưa? Có cần siết lại không? Không có chuyện các cầu thủ chuyên nghiệp rồi mà lại không có kiến thức về luật, về tiêu cực”.
Ông Đăng trả lời: “Ban kỷ luật VFF là những người hoàn toàn trong sáng, không có bất cứ quan hệ với đội bóng hay cá nhân nào. Ban kỷ luật hoàn toàn làm theo luật 100% vụ việc mà chúng tôi xử lý là chuẩn xác. Chúng tôi không biết ban này sắp tới còn tồn tại hay không nhưng nếu còn tồn tại thì cần sự hỗ trợ của các đội và cần hoạt động độc lập cơ bản. Bởi từ trước đến nay Ban kỷ luật chỉ là trọng tài, hướng dẫn cầu thủ, đội bóng và các thành viên chơi theo chính luật được họ tạo ra và cam kết”.
Trước khi có phần chất vấn trưởng Ban trọng tài và đại diện Ban kỷ luật VFF, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam cũng có nhìn nhận rất khách quan về bản báo cáo sơ kết bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải trình bày.
Tại sao đội vô địch V-League lại không đủ điều kiện tham dự giải đấu châu Á? Ban tổ chức các giải bóng đá như V.League đã tốt chưa? Còn hiện tượng nhường điểm, chia điểm không? Còn chuyện đội này “quan hệ” đội kia không? Bạo lực sân cỏ tại sao còn tiếp diễn? Liệu chúng ta có dám khẳng định chúng ta đã chuyên nghiệp hay chưa?..." nhưng vấn đề được Phó thủ tướng đặt ra tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.