Sau World Cup 2023, bóng đá nữ Việt Nam cần làm gì để rút ngắn khoảng cách với thế giới?

thứ năm 3-8-2023 15:18:41 +07:00 0 bình luận
Bóng đá nữ Việt Nam khép lại kỳ World Cup đầu tiên với thành tích khá khiêm tốn. Bài toán đặt ra sau giải đấu này là làm sao rút ngắn khoảng cách đó.

Định hướng từ VFF sau World Cup 2023: Chú ý đến nguồn lực Việt kiều

Đội tuyển nữ Việt Nam tạm biệt World Cup 2023 với 3 thất bại, thủng lưới 12 bàn, không ghi bàn nào và chỉ có đúng 1 tình huống dứt điểm trúng đích. HLV Mai Đức Chung thừa nhận, khoảng cách giữa bóng đá nữ Việt Nam và thế giới vẫn còn khá xa.

Đội tuyển nữ Việt Nam có lần đầu tiên tham dự sân chơi World Cup. Ảnh: Đ.Đ

Đó là thực tế nếu nhìn nhận vào màn trình diễn của các cô gái kim cương ở New Zealand. Toàn đội nỗ lực, cố gắng nhưng không thể khỏa lấp yếu tố chuyên môn. HLV Mai Đức Chung nói rằng: “Ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, chúng ta phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Hy vọng rằng kỳ World Cup nữ sắp tới, chúng ta sẽ tiếp tục góp mặt".

World Cup nữ mở rộng 32 đội cùng với sự phát triển không đồng đều ở các khu vực thuộc châu Á tạo cơ hội lớn cho Việt Nam tham dự. World Cup 2023 sẽ là tiền đề để bóng đá nữ Việt Nam bước vào chu kỳ mới.

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: “Về góc độ VFF, một mặt chúng tôi chú ý đến cầu thủ Việt kiều, mặt khác, cũng kỳ vọng sẽ có nhiều cầu thủ Việt Nam được xuất ngoại. Đặc biệt, nhiều cầu thủ trẻ ra nước ngoài chơi bóng thì thật tốt. 

Trường hợp của Huỳnh Như là điểm sáng. Nhưng ở khía cạnh khác, Như cũng đã 32 tuổi. Việc xuất ngoại vẫn còn là hơi muộn. Hy vọng sau World Cup, các cầu thủ Việt Nam sẽ được chú ý về mặt chuyên môn đến từ các chuyên gia. Mong muốn của VFF là cầu thủ nữ Việt Nam có thể xuất ngoại với bến đỗ là các CLB châu Âu hoặc Nhật Bản. Đây là môi trường lý tưởng để phát triển bóng đá đỉnh cao”.

Một mình Huỳnh Như xuất ngoại là quá ít cho sự phát triển của bóng đá nữ trong tương lai. Ảnh: Đ.Đ

Ngoài ra, VFF còn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giải VĐQG nữ. Ông Tuấn cho hay, từ năm 2015, VFF đã từng bước đẩy mạnh hệ thống thi đấu bóng đá nữ quốc gia. Sự xuất hiện của giải U16 và U19 nữ Quốc gia đến từ việc VFF cân đối nguồn kinh phí để tổ chức và duy trì. VFF cũng rất muốn các đơn vị đồng hành với bóng đá nữ cũng như các giải đấu trẻ, như vậy các tài năng trẻ quốc gia được phát triển, quan tâm.

Bên cạnh đó, các CLB cũng có các lứa trẻ, qua đó phát triển bền vững, tạo nguồn lực nội tại phát triển địa phương, thay vì phải đi tìm kiếm cầu thủ. Sự có mặt ở World Cup nữ cũng là một trong những yếu tố kể trên. 

VFF cũng rất mong các địa phương hoạch định bóng đá nữ như một môn trọng điểm. “Chúng ta cần có nhiều phương án để làm sao tăng số lượng trận đấu, mở rộng đầu tư cho các đội đi tập huấn trước sự kiện lớn để cầu thủ tích lũy kinh nghiệm, tự nâng cao trình độ chuyên môn. 

Vừa qua, chúng ta đã có một chuỗi thành công ở khu vực. Nếu không có sự nỗ lực, ĐT nữ Việt Nam không thể giữ được ngôi hậu xuyên suốt thời gian qua và cũng không thể giành vé dự VCK World Cup nữ 2023. Giờ đây, sau khi đã đạt được, bóng đá nữ Việt Nam cần có giải pháp nghiên cứu để ổn định, duy trì và phát triển”, ông Tuấn nói.

Trên Vnexpress, cựu HLV nữ Việt Nam và Úc, Steve Darby nhận định bóng đá nữ Việt Nam cần giải quyết 2 vấn đề trong thời gian tới. Đầu tiên là nguồn lực tài chính và thứ hai là tìm kiếm, bổ sung nhiều cầu thủ năng lực. 

Theo Steve Darby, thể hình là điểm yếu lớn nhất của bóng đá nữ khi ra châu lục. VFF cần xây dựng một chương trình cụ thể để tìm kiếm, đào tạo các tài năng có chiều cao tốt không chỉ trong nước mà cả nước ngoài với những cầu thủ có bố hoặc mẹ gốc Việt. 

Muốn ĐTQG mạnh, giải VĐQG phải thật mạnh

Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nam, người có thâm niên gắn bó với bóng đá nữ quả quyết: "Một ĐQTG mạnh phải dựa trên nền tảng giải VĐQG và các CLB phải mạnh. Nếu chúng ta cứ có 6 CLB như hiện tại thì rất khó. Làm sao có chiến lược phát triển từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VFF, lãnh đạo các tỉnh và đặc biệt là doanh nghiệp, cần tiến tới ổn định giải VĐQG có từ 10-14 đội như V.League. Đó là nền móng cho sự phát triển".

Ông Hải Anh cho rằng, ông không bất ngờ khi Việt Nam dự World Cup. Ông nói: “Mặc dù người Thái đi trước nhưng chỉ xây phần ngọn, chúng ta xây từ móng. Cả Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam có giải VĐQG từ năm 1998 đến giờ. Chúng ta trải qua 25 mùa giải, năm 2008 có 14 đội nhưng đến nay rơi rớt chỉ có 6 địa phương làm.

Thái Lan không có hệ thống đá giải trẻ còn chúng ta còn có U16, U19 và cả Cúp Quốc gia. Việt Nam còn thiếu sân chơi bóng đá học đường, U11 và U13. Bóng đá học đường từ đó mới ra nhiều nhân tố."

Đội tuyển Việt Nam trở về nước và tất cả mong chờ vào tương lai tốt đẹp cho bóng đá nước nhà.

Theo ông Hải Anh, các địa phương làm bóng đá nữ rất khó. Không phải HLV giỏi nam làm nữ là được. Ông cũng là người góp công xây dựng bóng đá nữ ở Sơn La. Từ đó, ông hiểu và nắm bắt các yếu tố cho sự phát triển của một đội bóng nữ. 

VFF có nhắc đến nguồn lực từ các cầu thủ Việt kiều trong tiến trình phát triển sắp tới của bóng đá nữ Việt Nam. Ông Hải Anh cho hay: "Quan điểm của tôi là nội lực, còn phương án các cầu thủ Việt kiều là trước mắt. Một giải VĐQG mạnh, có nhiều đội, chất lượng cầu thủ tốt, kinh tế lên thì Việt kiều sẽ về. Cách làm Philippines chỉ là ăn xổi".

Ông nói rằng, mỗi người có một triết lý, cách làm việc riêng nhưng quan điểm của ông là đầu tư, tạo sân chơi nâng cao số lượng và chất lượng các đội bóng.

Ông tính toán và đưa ra giải pháp phối kết hợp giữa các địa phương: "Đối với một CLB nữ, nếu đầu tư làm khoảng 4-5 năm thì có thể chơi ở giải VĐQG rồi. Ngoài ra, cần có sự phối kết hợp giữa các tỉnh thành. Những tỉnh/thành phát triển mạnh bóng đá nữ sẽ hỗ trợ các tỉnh/thành mới. Một CLB có điều kiện sẽ giúp một CLB mới.

Khi kết hợp, địa phương mạnh sẽ trực tiếp lên tuyển chọn rồi sau đó đưa cầu thủ, HLV về, tuyển chọn thêm ở các vùng lân cận, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, ăn nghỉ trong 2-3 năm. Khi chơi được ở U16, địa phương đó có thể tự làm về sau".

Đó là giải pháp đưa ra nhưng ông Hải Anh cho rằng: “Vấn đề là tỉnh nào làm". Ông chốt lại: “Để phát triển, cần các giải pháp lâu bền. VFF cũng cần tổ chức hội thảo để có thêm những ý kiến, đóng góp. Và hơn hết là cải thiện thể chất. Để dự World Cup và thi đấu sòng phẳng, chúng ta cần kế hoạch dài hơi, 10 năm, 20 năm, thậm chí là nhiều hơn chứ không thể nóng vội”.

 

Nằm trong chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023), tỉnh Hà Nam sẽ tổ chức Chương trình giao lưu bóng đá giữa CLB nữ Phong Phú Hà Nam với CLB INAC Kobe Leonessa và U16 Phong Phú Hà Nam với U16 CLB Hanshian United Ladies của thành phố Kobe và tỉnh Hyogo, Nhật Bản. 

INAC Kobe Leonessa là CLB hàng đầu ở Nhật Bản. Tại World Cup 2023, đội bóng này góp mặt 4 cầu thủ là thủ môn Ayaka Yamashita, Shiori Miyake, Mina Tanaka và Miyabi Moriya. Họ cùng Urawa Reds là những CLB có nhiều cầu thủ góp mặt nhất trong ĐTQG nữ Nhật Bản. 

Nhà vô địch World Cup 2011 đang gây ấn tượng mạnh khi toàn thắng 3 trận vòng bảng, ghi 11 bàn và không để thủng lưới bàn thua nào. Ở vòng 1/8, Nhật Bản sẽ chạm trán Na Uy. 

 

Phương Ngọc
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội