Số áo “thần thánh” nào đang chờ đón Công Phượng ở Incheon United?
Cách đây 2 ngày, CLB Incheon United đã gửi bản danh sách lên BTC K.League. Theo đó, tân binh của họ là Nguyễn Công Phượng không có tên. Đây cũng là điều hợp lý bởi tiền đạo xứ Nghệ vừa mới xin visa và chỉ sang Hàn Quốc để ký hợp đồng chính thức vào ngày 14/2.
Do “chậm chân” hơn các đồng đội nên Phượng “Núi” không thể chọn những số áo ưng ý nhất của mình. Các số áo mà anh mặc trước đây đều đã có… chủ. Số 10 quen thuộc thuộc về ngoại binh Aguilar.
Trong khi đó, số 14 thuộc về tiền vệ Yoon Sangho, số 16 của hậu vệ Lee Yunpyo hay số 44 của Kim Jeungho. Đội hình của Incheon United gửi lên BTC K.League có tới 37 cầu thủ, đồng nghĩa có tới 37 số áo.
Trong phạm vi các số từ 1-30, thường được các cầu thủ lựa chọn, những số “đẹp” đều đã có chủ nhân. Chỉ có số 3, số 5, số 12, số 18 và số 23 vẫn còn trống. Với Công Phượng, anh thi đấu trên hàng công nên các số 3 và 5 rất khó để làm “hài lòng” tiền đạo này.
Các số còn lại 12, 18 hay 23 đều là sự lựa chọn khả thi. Tuy nhiên, theo quan niệm của các cầu thủ Việt Nam, họ thường lựa chọn những con số đặc biệt gắn liền với cuộc sống, chẳng hạn: ngày sinh, số xe địa phương nơi sinh ra, mã vùng điện thoại,…
Phượng “Núi” sinh ra ở Nghệ An và biển số xe của xứ Nghệ là 37 nhưng số áo này đã có chủ nhân. Dù không có cơ hội sở hữu số này áo song tiền đạo xứ Nghệ có thể lựa chọn số áo theo biển số xe của Gia Lai là 81, nơi mà anh gắn bó trong hơn 10 năm qua.
Đặc biệt hơn, Công Phượng có thể “tri ân” bầu Đức bằng cách chọn số áo biển số xe của Bình Định, là nơi mà ông bầu này sinh ra, với số áo 77. Hoặc có thể, Phượng chọn số 84, là mã vùng điện thoại quốc tế của Việt Nam.
Vẫn còn rất nhiều số áo để tiền đạo này lựa chọn. Tuy nhiên, điều mà người hâm mộ chờ đợi là màn thể hiện của anh nhằm khẳng định giá trị tài năng chứ không phải chỉ đơn thuần mang tính thương mại như thương vụ của Xuân Trường 3 năm về trước.