Cafe 24h: Sự hổ nhục của bóng đá
Bạn đã kinh khiếp câu chuyện về vụ thảm án ở Bình Phước và không đủ theo cái gọi là “hội chứng đám đông” mà một nhà báo đã ví sự háo hức đi xem xét xử một phiên tòa là “đi xem bắn người”?
Bạn đã mất lòng tin vào câu chuyện vì… con ruồi mà một người đàn ông bị đẩy vì tù với cái giá 7 năm? Nó có thể xuất phát từ lòng tham của người đàn ông ấy nhưng có vẻ như kết luận kia là quá nghiệt ngã.
Bạn đã đủ đau lòng với vụ sập dàn giáo ở Hà Tĩnh vì sự tắc trách của những chủ đầu tư khiến hơn 10 công nhân thiệt mạng?
3 phiên tòa diễn ra trong một ngày có vẻ như đủ để bạn thấy cuộc sống có gì đó bất an, đủ để bạn về thẳng nhà và bật ti vi?
À, còn bóng đá!
Người ta có lần nói bóng đá là thứ thuốc phiện của tinh thần. Trận đấu của U.23 VN và một đội bóng của Nhật Bản, bạn nhận ra một điều thế này: Tại sao cũng những con người ấy, ở cấp độ thấp hơn, như là khi khoác áo U.19 VN hay HA.GL chẳng hạn thì khán giả đến xem ầm ầm, đông kín. Thế nhưng khi U.23 đá lại đìu hiu, vắng vẻ?
Vì giá vé cao, không hẳn. Thứ đánh mất nhiều nhất ở những trận đấu thời HLV Miura chính là người ta ít thấy niềm vui khi xem bóng đá.
Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất. Cũng trên tivi hôm đó, họ cho quay một cảnh clip: Những người đàn ông ngồi lặng lẽ với nhau, có phần căng thẳng, sự hiện diện của một phụ nữ, có vẻ như luật sư càng làm cho vụ việc trở nên bí ẩn. Họ mở ra một đống tiền và bắt đầu đếm: Hơn 800 triệu.
Đây sẽ là một trong những hình ảnh phản cảm nhất trong năm, hình ảnh khiến người ta phải nghĩ lại quá nhiều về môn thể thao Vua. Quế Ngọc Hải ôm tiền vào trả nợ cho Anh Khoa, bởi đã gây ra chấn thương cho đồng nghiệp.
Có lẽ chưa ở đâu, chưa có thứ luật lệ nào - trừ Việt Nam - mà ở trong sân chơi do VFF tổ chức lại xảy ra chuyện này: Cầu thủ gây ra chấn thương phải trực tiếp đền tiền cho cầu thủ bị chấn thương. CLB đâu, VFF đâu hay là bây giờ cầu thủ phải ra sân trong sự nơm nớp lo lắng chuẩn bị cả đống tiền ở nhà để nhỡ đâu mình gây ra chấn thương cho đối thủ?
Một thứ “bóng đá thời… đồ đá”, nơi mà những người điều hành đưa ra thứ luật lệ, bất chấp nó vi phạm các loại luật Dân sự và Lao động nhưng cuối cùng “nhắm mắt làm ngơ”. Đến đánh nhau ngoài đường họ cũng không có kiểu đền bù và giao dịch thế này.
Nếu bóng đá không làm cho người ta cảm thấy tin và yêu cuộc sống này hơn thì làm ơn, đừng mang thêm những sự hổ nhục mỗi ngày.