Tấn bi kịch của bóng đá Việt Nam
Thế nhưng, không có bất kỳ quan chức nào của VFF dám ra mặt mà đều chọn giải pháp im lặng, né tránh…
1. Trước khi U.23 VN lên đường dự VCK U.23 châu Á đã xảy ra một chuyện hài hước: Trợ lý của ông Miura là HLV Trần Công Minh đã xin rút lui để về dẫn dắt đội Cà Mau chuẩn bị lực lượng cho giải hạng Nhất 2016. Theo vị HLV người Đồng Tháp thì “hợp đồng với VFF có thời hạn 2 - 3 năm gì đó nhưng mỗi thời điểm thì người ta đưa ra những lựa chọn khác nhau…”. Rất bất ngờ, vị Trợ lý này vừa được mời về Phòng các ĐTQG thì chia tay, xin thôi luôn nhiệm vụ ở U.23 VN, dù Công Minh chẳng khác nào “cánh tay phải” của HLV Miura, khi trong suốt quá trình chuẩn bị cho VCK U.23 châu Á gắn bó và tạo dựng được sự gắn bó. Giống mỗi lần tập trung Olympic, ĐTVN hay U.23 VN trước đó, hết Trợ lý này đến Trợ lý kia xin rút và VFF phải “chữa cháy”, HLV của B.Bình Dương là Nguyễn Thanh Sơn được thuyết phục lên “giúp đỡ”.
Xét ở góc độ chuyên môn thì HLV Trần Công Minh sẽ là người có tiếng nói rất quan trọng với HLV Miura tại VCK U.23 châu Á, có thể góp ý hay đưa ra những tư vấn cho ông thầy người Nhật về chiến thuật lẫn cách dùng người. Thế nên, mới xảy ra chuyện đáng buồn tại VCK U.23 châu Á là một Trợ lý thổ lộ “nếu góp ý hay phản biện, tự chúng tôi biết sẽ phải xách giỏ về nhà luôn. HLV Miura không nghe và không phải người muốn có sự chia sẻ, ý kiến kiểu như thế”.
Có thể HLV Miura “độc đoán” về chuyên môn và bỏ ngoài tai những góp ý như lời trần tình của của vị Trợ lý kia. Thế nhưng, chuyện VFF để HLV Trần Công Minh ra đi rõ ràng đã “phế đi cánh tay phải” của ông thầy người Nhật tại VCK U.23 châu Á. Và chuyện để một Trợ lý có tiếng nói quan trọng nhất về chuyên môn nghỉ trước thềm giải đấu thì chắc chắn, phía sau phải có vấn đề.
2. Với vai trò TTK VFF kiêm Trưởng đoàn U.23 VN tại VCK U.23 châu Á, ông Lê Hoài Anh là người sẽ có được những đánh giá chính xác nhất về những gì HLV Miura đã làm được, kể cả những đóng góp cho BĐVN nhưng khi được đề cập, đại diện của VFF chỉ có thể chuyển hướng qua lãnh đạo VFF khi “chờ Thường trực họp”.
Cần nhắc lại rằng, sau khi U.23 VN thất bại tại SEA Games 28 thì TTK Lê Hoài Anh từng cho biết ông là người được giao trực tiếp tìm hiểu, tham gia thương thảo, ký hợp đồng với HLV Miura. Thế nhưng vị TTK của VFF không dám và không thể đưa ra bất cứ thông tin, quan điểm nào trước những vấn đề cần được giải đáp, khi chưa “có lệnh”.
Ngày trở về, ông Lê Hoài Anh chỉ đưa ra câu trả lời chung: “Do giải đấu chỉ vừa kết thúc, nên chúng tôi chưa bàn đến tương lai của HLV trưởng Miura. Chúng tôi chưa có một quyết định nào cả. Thời gian tới, thường trực VFF sẽ có cuộc họp để quyết định chuyện có tiếp tục với HLV Miura hay không. Vì thời hạn kết thúc hợp đồng của HLV Miura đến tháng 4 nên chúng tôi sẽ có quyết định sớm về chuyện này”. Còn về chuyện đánh giá những gì HLV Miura đã làm cùng BĐVN, ông Lê Hoài Anh chỉ có thể chia sẻ “đó là trách nhiệm của Chủ tịch và BCH VFF”. Đó là điều nghịch lý và cũng nói lên nhiều điều, với đại diện của lãnh đạo VFF trong tư cách Trưởng đoàn của U.23 VN tại VCK U.23 châu Á.
3. Thực tế, chuyện tương lai của HLV Miura dường như đã được định đoạt sau VCK U.23 châu Á và không khó để dư luận có thể dự đoán được là ông thầy người Nhật sẽ chia tay BĐVN sau gần 2 năm gắn bó. Thế nhưng điều đáng buồn sau một giải đấu cấp châu lục lộ ra khá nhiều vấn đề trong đó có vị trí của HLV Miura cũng như những thông tin về sự bất cập tồn tại trong chính lòng đội bóng mà những gì thể hiện ở trận đấu “lột xác” với U.23 U.A.E như là một minh chứng, đó là việc chẳng có ai dám đứng ra chịu trách nhiệm, hay thậm chí đơn giản chỉ là đại diện cho VFF để lên tiếng hay ra mặt.
Kể từ ngày U.23 VN trở về nước sau VCK U.23 châu Á, tuyệt nhiên không có một đại diện nào của VFF xuất hiện hay dám đả động đến chủ đề đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận. Thế nhưng, nghịch lý là Thường trực VFF lại mải mê “nói về nhau” trên báo còn chuyện mổ xẻ, rút kinh nghiệm hay ít vẫn là chia sẻ về những gì xảy ra ở một giải đấu thì tất cả đều “né”. Có lẽ, các quan chức cần thêm thời gian để thống nhất câu trả lời cũng như cách để ứng phó, khi đối diện với rất nhiều câu hỏi.
Không phải trách nhiệm, ngay đến việc dám xuất hiện hay lên tiếng cũng không có, quả thật đúng là bi kịch với một nền bóng đá mà những người có trách nhiệm cao nhất sợ nhất là... trách nhiệm.
Rõ ràng, nhiều vấn đề tồn tại cần được thẳng thắng nhìn nhận và giải quyết từ cách làm không giống ai của BĐVN. Điển hình chuyện tuyển HLV ngoại cần vạch ra một chiến lược dài hơi, hay vừa đi vừa mò đường như thời 2 chuyên gia Nhật. Khi VFF nhìn HLV Miura gây được tiếng vang nhất thời đã vội mời ông Takashi dẫn dắt ĐT nữ VN, dù ông thầy người Nhật chưa biết gì về bóng đá nữ và phải chia tay sau 1 năm gắn bó.
Bây giờ, tương lai của HLV Miura rất được quan tâm, nhưng điều ấy cũng chỉ là bề nổi của nhiều vấn đề tồn đọng ở BĐVN. Thực tế, sa thải HLV Miura chắc chắn không khó với VFF nhưng có “chữa cháy” như cách nghỉ chơi với HLV Takashi mới là điều đáng bàn. Bởi BĐVN đã quen với chuyện hô hào về một tương lai khởi sắc, một bước tiến khi bổ nhiệm HLV ngoại nhưng thất bại thì chưa thấy ai nhận trách nhiệm.
Ngày mai (28/01),VFF dự kiến sẽ họp BCH tại TP.HCM. Cuộc họp lần này của VFF sẽ bàn bạc nhiều vấn đề, trong đó có việc xác định tương lai của HLV Miura.