Thịt chuột, thịt chó... Văn Lâm đối diện với những "cú sốc" thế nào trong ngày đầu tìm cơ hội ở Việt Nam?
Đặng Văn Lâm với bức tâm thư mong muốn được thử sức trong màu áo U23 Việt Nam được nhắc đến nhiều, nhưng ít ai biết hành trình từ Nga trở về Việt Nam của Lâm "tây" như thế nào.
Những pha bắt bóng của Đặng Văn Lâm khiến đối thủ ôm hận tại AFF Cup 2018
Vì sao Văn Lâm quyết định trở về Việt Nam dù theo tập ở hai đội bóng danh tiếng nước Nga là Spartak Moscow và Dinamo Moscow, từ cú sốc văn hoá đến ẩm thực ở trong những ngày đầu một mình tìm cơ hội ở quê hương của bố được thủ thành vừa cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 trải lòng với Sport.ru trong một bài phỏng vấn khá dài cách đây 6 năm, ngày 13/10/2012. Webthethao xin lược dịch lại bài phỏng vấn đó.
-Sport.ru: Trên từ điển mở Wikipedia cho biết trước khi về Việt Nam, anh đã nhận được sự chú ý của Spartak và Dinamo Kiev?
-Văn Lâm: Đúng là Spartak, nhưng Dinamo thực ra là Dynamo Moscow. Đầu tiên là Spartak. Hồi tôi khoảng 8 hay 9 tuổi. Ở lớp 1 và lớp 2, chúng tôi có đội bóng của trường. Tôi thường chạy chơi ở sân bóng của trường. Một hôm tôi gặp HLV của đội bóng trường, ông ấy bèn đẩy tôi vào trong khung thành và yêu cầu tôi thử cản phá những cú sút. Có trái tôi bắt gọn, có trái tôi đẩy được, và rồi ông ấy nói: 'Em có muốn làm thủ môn cho đội lớp 3?'. Thế là tôi trở thành thủ môn.
Vị HLV này có mối quan hệ tốt với Giám đốc sân Spartak và được họ đồng ý sắp xếp cho một trận đấu giao lưu với lứa 1994 của Spartak. Trận đó chúng tôi thua tới 0-13, và tôi là người vào lưới nhặt bóng cả 13 lần. Nhưng sau trận, HLV của Spartak tiến tới tôi hỏi tôi bao nhiêu tuổi, tên là gì và rồi bảo tôi tới tập cùng đội. Ông ấy là Alexander Georgievich Yartsev, đã 93 tuổi. Và tôi bắt đầu nghiệp thủ môn.
-Anh gắn bó với Spartak bao nhiêu lâu?
-5 năm. Tôi nhớ khi vừa mới được nhận, mẹ tôi mua một túi sô cô la cho tôi mang đến phân phát cho mọi người ở đội bóng như một món quà ra mắt. Từ lớp 5, tất cả chúng tôi được gửi đến trường học ở Sokolniki, nơi các cầu thủ sinh từ năm 1988 đến 1993 theo học.
-Ấn tượng sâu đậm nhất của anh trong thời gian ở Spartak?
-Chúng tôi thường xuyên được đi ra nước ngoài. Tôi đã vô cùng may mắn, vì trong 5 năm ở đấy tôi được đi khoảng 10 nước. Chuyến đi đáng nhớ nhất là tham gia một giải đấu ở Pháp, và tôi được nhận danh hiệu Thủ thành xuất sắc nhất giải đấu đó. Chúng tôi giành mọi danh hiệu. Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất, Hậu vệ hay nhất, Tiền vệ xuất sắc nhất, Tiền đạo hay nhất đều vào tay chúng tôi. À dĩ nhiên rồi, cả HCV nữa.Tôi vẫn giữ những kỷ niệm của giải đấu đó ở nhà. Chúng tôi là đội bóng không biết thất bại là gì. Chúng tôi giành vàng ở tất cả các giải đấu ở Moscow. Tôi vẫn rất nhớ HLV Yartsev. Ông ấy khiến cho mọi cầu thủ ông huấn luyện đều thấm nhuần tinh thần thể thao.
Chung kết AFF Cup 2018: Những pha bắt bóng của Đặng Văn Lâm khiến hàng công ĐT Malaysia câm lặng
-Làm thế nào anh lại bén duyên với Di namo?
-Khi Yartsev được thay bằng HLV mới, tôi dính chấn thương và phải phẫu thuật. Sau ca phẫu thuật, tôi đánh mất phong độ và mất vị trí chính thức trong khung gỗ. Tôi khi đó 15 tuổi và đưa ra mong muốn với CLB được đem cho mượn. Tôi được cho Krylya Sovetov mượn và chơi ở đó đúng 1 năm. Tôi vẫn nhớ có lúc phải tập luyện dưới thời tiết âm 30 độ C. Vô cùng khó khăn vì mặt sân cứng và vẫn đóng băng. Thực sự rất đau khi rơi xuống mặt sân như thế.
Tháng cuối của năm, tôi tập luyện với Lokomotiv và được Sergei Ovchinnikov (HLV thủ môn ĐT Nga - PV) huấn luyện. Giờ quay trở lại với Spartak nhỉ?
-Vâng
-HLV Spartak bảo tôi trước khi ra đi: 'Cậu sẽ được cho mượn 1 năm, và sau đó sẽ trở lại đây'. Khi tôi quay lại, tôi ra sân tập và nhận được câu hỏi từ ông ta: 'Cậu là ai? Sao lại vào đây?'. HLV đấy tên là Sidorov. Cuối cùng ông ta gửi tôi cho HLV thủ môn. Tôi bèn hỏi ông ta: 'Là sao?', và ông ta nói một câu mà đến giờ tôi vẫn nhớ: 'Cậu biết không, Leo. Tôi từng chơi kèn Harmonica. Nhưng sẽ phải làm gì nếu tôi không có khả năng thẩm âm?'. Câu nói đó làm tôi tổn thương. Tôi về nhà, nói lại với mẹ mọi chuyện, sau đó quẳng túi đựng đồ vào một góc và ở lì trong nhà một tuần liền. Nhưng một ngày tôi thấy mình nhớ trái bóng. Tôi nói với mẹ tôi: 'Mẹ à, hãy bắt đầu với điều gì đó'.
-Và anh bắt đầu từ đâu?
-Chúng tôi lấy BXH giải vô địch Moscow. Tôi nhìn vào Top 5, tôi không muốn khom lưng nhìn xuống dưới. Có 5 đội Spartak, CSKA, Lokomotiv, Torpedo và Dinamo. Ở vị trí thứ 5 là Dinamo, và tôi quyết định bắt đầu từ đây. Tôi tới sân của đội bóng này, tìm một HLV và hỏi: 'Ông có thể cho tôi thử được không?'. Ông ấy nhìn tôi và nói: 'Cậu có phải Lev Dang từng chơi cho Spartak?'. Tôi trả lời 'Đúng vậy'. Ngày hôm sau tôi được nhận.
Thước phim hiếm về nhà vô địch AFF Cup 2018 Đặng Văn Lâm khi còn thi đấu ở Nga
-Tại sao anh không tiếp tục gắn bó với Dinamo?
-Hợp đồng của tôi hết hiệu lực và tôi vừa mới tốt nghiệp. Họ gọi tôi lên văn phòng và nói: 'Xin lỗi, chúng tôi sẽ không gia hạn hợp đồng với cậu'. Tôi thậm chí còn không hỏi vì sao. Tôi gần như ngay lập tức quyết định sẽ không thử việc ở CLB nào tại Nga nữa. Bố tôi là người Việt Nam, và tôi nói với bố tôi: 'Bố, thử tìm kiếm ở Việt Nam xem'. Về cơ bản tôi vẫn nghĩ về quê hương của bố 2 năm trước khi tốt nghiệp. Và chúng tôi bắt đầu tìm kiếm.
-Cuộc tìm kiếm diễn ra thế nào?
-Tôi có nhiều họ hàng đang sống ở Việt Nam, và khi tôi còn nhỏ vẫn thường bay về vào những dịp nghỉ. Lần này tôi về với bố và chọn 4 CLB đang chơi ở V.League, và một đang chơi ở giải hạng Nhất. Chúng tôi bắt đầu gọi điện. Đội bóng đầu tiên là ở Sài Gòn. Tôi không tập với đội một mà với đội U19 của họ. Ấn tượng đầu tiên thật kinh khủng: mặt sân đúng là cơn ác mộng, phòng thay đồ cũng thế với mùi của nhà vệ sinh. Đó là cơ sở vật chất khủng khiếp đối với cầu thủ trẻ. Tôi vẫn nhớ có nhiều điều kỳ lạ.
-Có chuyện gì xảy ra vậy?
- Đội bóng đấy được gọi là Дандык (theo cách gọi của Văn Lâm và phiên âm ra tiếng Việt là "Đan đức" - PV). Tên CLB bắt đầu bằng từ D và logo CLB giống hệt Dinamo. Giống từ phông chữ, giống cả màu sắc. Tôi nghĩ thầm: 'Ồ, đây là Dinamo'. Tôi đã tập thử việc ở đó và nhận thấy cần tìm kiếm thêm. Hai CLB tiếp theo, một ở TP.HCM và một ở Hà Nội cũng không hơn gì. Điều kiện cơ sở vật chất đều kinh khủng. Sau đó tôi đến thành phố Pleiku, đến CLB HA.GL. Khi trở về Nga, tôi có đọc được thông tin Arsenal mở học viện ở đó, và do vậy quyết định thử vận may ở HA.GL.
-Ồ
- Khi tôi đến HA.GL, tôi thở hắt ra. Tôi đã có một chuyến tham quan ngắn, thấy rất thích mọi thứ ở đây. Tôi nghĩ: 'Đây là tất cả những gì mình cần'. Đây là nơi tốt nhất tại Việt Nam. CLB có ông chủ rất quyền lực, một nhà kinh doanh, kiểu như Abramovich của Việt Nam. Sự thật là tôi chỉ tập thử việc cùng đội U19 nhưng tôi nghĩ cũng không vấn đề. Cuối cùng CLB đồng ý ký hợp đồng với tôi. Hai năm qua tôi chơi cho HA.GL, và năm ngoái chúng tôi kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5.
- Mọi thứ nghe thật thú vị. Nhưng việc anh được thử việc có thực sự dễ dàng?
- Vâng, tôi chỉ đơn giản lên Google, gõ tên đội bóng và xem sân vận động nằm ở đâu. Sau đó tôi nhấc máy gọi và rồi tới trực tiếp và hỏi xem có được thử hay không.
- Có bao nhiêu đội tại HA.GL?
- Có lớp năng khiếu và Học viện HA.GL JMG và đều tập ở một khu. Ở đó có các đội của các lứa tuổi - lứa 15, 16, 17. Ở học viện JMG, các cầu thủ chơi bóng không đi giày trong 2 năm đầu tiên. Cái cách các cầu thủ trẻ thể hiện thật khó miêu tả bằng lời. Họ sở hữu kỹ thuật điêu luyện, nhanh. Xem họ chơi bóng rất thú vị. Tuy nhiên cho tới thời điểm này vẫn chưa có cầu thủ nào được "xuất khẩu".
- Nói chung có nhiều sự khác biệt trong tập luyện ở Nga và Việt Nam?
- Không chỉ trong tập luyện, mà cả cách thức. Ngay ngày đầu tiên tôi đã thấy ngạc nhiên vì phải dậy lúc gần 6 giờ sáng. Có 2 buổi tập trong ngày. Sáng thì 8h30 vì nếu ra sân tập muộn hơn, bạn sẽ bị ánh nắng thiêu đốt. Dù sao thì tôi cũng may mắn vì có HLV thủ môn. Anh ấy đến từ Thái Lan, và chúng tôi nhanh chóng tìm được ngôn ngữ chung. Ở Nga, yếu tố kỹ thuật và sức bền được đặt lên hàng đầu. Ở Việt Nam cũng vậy, tất nhiên cũng quan trọng. Tuy nhiên tâm lý thủ môn lại gần như không được quan tâm. Mỗi buổi tập, HLV thủ môn người Thái Lan nói chuyện, chia sẻ với tôi rất nhiều. Những buổi nói chuyện như thế đôi lúc giúp tôi rất nhiều.
Họ hàng nổi tiếng - Chuột - Đồng tính
- Nghe nói anh có chị là người nổi tiếng tại Việt Nam?
- Đúng vậy, đấy là chị họ của tôi. Gia đình tôi hầu hết đều làm nghệ thuật. Ông nội tôi có 4 gái, 3 trai và 2 người sinh đôi. Bác Đặng Hùng là Giám đốc một trường dậy múa tư nhân ở Việt Nam. Bác rất nổi tiếng và con gái bác cũng vậy. Chị ấy là một người mẫu, một diễn viên múa. Cha mẹ tôi cũng theo con đường nghệ thuật: Bố tôi từng là một diễn viên múa ba-lê, mẹ tôi từng là một diễn viên.
Xúc động hình ảnh Lâm "Tây" ôm cột dọc, bật khóc sau khi ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018
Gia đình của Đặng Văn Lâm đều có truyền thống về nghề múa. Trong đó, bố của Đặng Văn Lâm là Đặng Văn Sơn - một nghệ sĩ múa giỏi từng đóng góp không nhỏ cho ngành múa Việt Nam. Bác anh là NSND Đặng Văn Hùng. Chị họ của Văn Lâm là "thiên nga làng múa" Linh Nga. Tuy nhiên, chính tình yêu bóng đá từ nhỏ đã khiến Văn Lâm quyết tâm theo đuổi con đường sự nghiệp gắn liền với quả bóng, sân cỏ.
- Hai năm trước anh lần đầu tiên xa gia đình, thử thách với một giai đoạn chưa biết tương lai sẽ thế nào. Những tháng đầu tiên đấy hẳn rất khó khăn?
- Dĩ nhiên. Dù trước đó tôi về Việt Nam nhiều nhưng lần đó thì khác hoàn toàn. Nhiều thứ lạ lẫm. Ví dụ như thời tiết. Ở nơi tôi đến rất nóng bức, rất khó khăn để chơi bóng. Hay thức ăn. May là có đồ ăn châu Âu, vì đồ ăn Việt Nam... Tôi dĩ nhiên ăn được đồ Việt, nhưng tôi thích ăn đồ Âu hơn. Tôi không khó tính trong vấn đề ăn uống. Nếu có đồ gì khiến tôi bối rối, tôi sẽ không cố gắng thử như thịt chó chẳng hạn.
Tôi nhớ có một lần chúng tôi đi đá sân khách, ở địa phương nổi tiếng với món thịt chuột. Bữa ăn vì vậy có một số món chế biến từ thịt chuột như rán. Một đồng đội người Brazil của tôi đi qua được vẫy là mời ăn thử. Anh ấy tưởng thịt gà và thử một miếng. Nhưng khi nghe nói đấy là thịt chuột, anh ấy nôn ra gần hết.
- Các cầu thủ coi anh là người Nga hay người Việt?
- Người Nga. Họ thường xuyên hỏi: 'Có đúng là có tuyết ở Nga?'. Tôi kể cho họ về những buổi tập dưới thời tiết lạnh âm đến 30 độ C. Ai cũng thấy sốc vì ở đây, chỉ cần nhiệt độ xuống đến khoảng 10 độ C thì nhiều người già cũng không chịu được rồi, và vật nuôi chết rét không ít. Khi tôi trả lời bằng tiếng Việt, ngay lập tức bị hỏi dồn kiểu 'Làm thế quái nào anh biết tiếng Việt?', 'Bố anh là ai?', 'Mẹ cậu là ai?'. Khi tôi đi cùng thằng em trai, tôi bảo hôm nay đến mày trả lời đấy. Tôi nghĩ chắc là do chiều cao. Thường thì người Việt thấp bé, trong khi tôi cao 1m87. Tôi đi đâu cũng đều nhận ánh mắt tò mò từ những người khác.
- Ở Nga, tên anh là Lev Dang, tên Việt Nam của anh là gì?
- Lâm, Đặng Văn Lâm. Đặng là họ, Lâm là tên còn Văn là gì đó tương tự vậy. À tôi quên chưa nói với anh chuyện này. Tôi từng được phỏng vấn ở Việt Nam bằng tiếng Nga. Một kênh truyền hình nổi tiếng ở Việt Nam cử một phóng viên biết tiếng Nga đến phỏng vấn tôi và họ bắn phụ đề chạy dưới khi lên hình. Hồi mới về, rất nhiều phóng viên tìm đến tôi vì đây là trường hợp thủ môn người Nga đầu tiên từng tập ở Spartak và Dinamo về Việt Nam.
- Người hâm mộ ở Việt Nam chắc khác với NHM Nga?
- Đúng, đúng. Tôi thực sự thấy nhớ những âm thanh hát hò tại Spartak. Khi anh bước vào sân, thì trên khán đài cất lên những bài hát, tiếng trống. Ở Việt Nam thì họ toàn chơi kèn, có cả dàn nhạc nhưng hoàn toàn không có tiếng hát hò gì cả. Tất cả đều im lặng. Chỉ có một đội bóng có những CĐV quá khích, có tin đồn thậm chí đã có những vụ nổ súng trước đây.
- Năm ngoái anh được triệu tập lên U19 Việt Nam. Anh vẫn nhớ điều đó diễn ra thế nào chứ?
- CLB chủ quản của tôi nhận được fax từ LĐBĐ Việt Nam, với nội dung triệu tập tôi về Thủ đô. Vậy là tôi lên máy bay. Hồi đấy là mùa Hè, nóng đến 40 độ, không khí thì ẩm ướt, thật khủng khiếp. Chỉ mới 9 giờ sáng thôi mà tôi đã không thể ngồi ngoài trời được. Nó giống như thể tập luyện trong phòng xông hơi. Nhưng được khoác áo đội tuyển quốc gia luôn là điều tuyệt vời. Tôi vẫn nhớ trận đầu tiên của mình. Chính xác hơn là sau trận. Tôi ra khỏi phòng thay đồ và đi lang thang các phòng dưới gầm khán đài thì gặp một CĐV. Anh ta nói với tôi: 'Bọn tôi thực sự thích cách anh bắt bóng. Chúng tôi muốn anh làm thủ môn chứ không phải người khác'. Nghe những điều này thật sự tôi thấy vui. Các phóng viên săn ảnh tôi mỗi ngày bất chấp sự thật là tôi mới chỉ bắt các trận đá tập của ĐTQG, cũng như ở CLB, tôi vẫn chưa được ra sân.
- Vì sao vậy?
- Chúng tôi đang có một thủ môn giỏi người Nigeria. Anh ấy từng vô địch U17 Thế giới 11 năm trước.
- Ở đội tuyển quốc gia cũng có sự trùng hợp?
-Đúng hơn đơn giản là vì một thủ môn về từ Nga, từng theo tập ở lò Spartak và Dinamo.
- Giờ anh đang ở tập trung cùng đội hay thuê căn hộ ở ngoài?
- Tôi ở cùng đội, và có hầu hết mọi thứ ở đây. Chỉ có một ngoại binh người Brazil gần 30 tuổi thuê nhà trong thành phố vì anh sống cùng vợ và con nhỏ. Giờ tôi ở cùng em trai mình vì từng xảy ra thảm kịch.
- Thảm kịch gì vậy?
- Trước đó tôi ở cùng một đồng đội sinh năm khoảng 1990. Khi tôi trở về Moscow, cậu ấy được triệu tập vào ĐTQG nhưng ngay sau đấy gặp tai nạn trên đường. Hai chiếc xe buýt đâm vào nhau và cánh cửa khoang hành lý bật ra đâm thẳng vào cổ anh ấy. Đồng đội cũ đấy của tôi phải sang Thái để phẫu thuật vài lần nhưng toàn bộ phần bên phải cơ thể của anh ấy liệt hoàn toàn. Vì thế phòng tôi bị trống và em trai tôi đến ở với tôi.
- Tại sao anh vẫn chưa thể quen sinh hoạt ở Việt Nam?
-Đầu tiên là truyền hình. Tôi gần như không xem. Các bộ phim Việt Nam gần như không thể xem nổi. Điều thứ hai là sự chăm chỉ của mọi người. Ở đây họ thực sự yêu thích được làm việc. Chúng tôi có một bác sỹ tuyệt vời. Anh ấy lúc nào cũng dậy vào 5h30 sáng, khởi đầu bằng chaỵ 20 vòng sân lúc 6 giờ. Ngày nào cũng vậy. Giờ chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị mùa giải mới, và sẽ chạy với anh ấy. Đúng là một người tuyệt vời!