Nghịch lý bóng đá Việt Nam (Tiếp): Bất đồng hay chưa “đoàn kết cao”?
Sau Đại hội và BCH VFF, người có tiếng nói và quyết định cao nhất đương nhiên phải là vị trí Chủ tịch. Lên cầm cờ, ông Lê Hùng Dũng được kỳ vọng rất nhiều, bởi vị trí đầu tàu như ông sẽ cáng đáng rất nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc quản lý và điều hành tổ chức xã hội nghề nghiệp này cũng như lãnh đạo việc thực hiện những định hướng, quyết định, nghị quyết của Đại hội, BCH, Thường trực BCH để chèo lái cả nền bóng đá.
Thế nhưng từ khi ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF, nếu nói vai trò và trách nhiệm của ông Dũng là mờ nhạt thì cũng không hẳn nhưng ông Dũng chưa tập trung cao nhất cho công việc ở VFF thì lại không sai. Do bận công việc kinh doanh, cộng với sức khỏe không tốt nên thời gian vị Chủ tịch này điều hành và xuất hiện ở VFF là khá ít. Dấu ấn của ông cũng ít, đáng tiếc lại chủ yếu liên quan đến những phát ngôn không đúng mực của người đứng đầu.
Không thể trực tiếp gánh vác trọng trách, ông Dũng buộc phải phó thác công việc cho thuộc cấp bằng việc ký quyết định bổ nhiệm PCT phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm thêm vị trí PCT Thường trực. Đó là việc chẳng đặng đừng, trong hoàn cảnh cấp bách và chưa có phương án khả thi hơn.
Việc tìm người và người tìm việc, về bản chất thì đó là sự hợp lý. Bởi xét cho cùng, nếu nhìn vào các quan chức VFF với PCT Đoàn Nguyên Đức - tài chính, Nguyễn Xuân Gụ - truyền thông, Trần Quốc Tuấn - chuyên môn và Trần Anh Tú – uỷ viên) thì ông Tuấn “tổng” đương nhiên là thích hợp nhất trong vai trò cánh tay phải, có thể đứng ra gánh trọng trách.
Là người trẻ tuổi nhất nhưng nếu so với các đồng nghiệp còn lại, PCT Trần Quốc Tuấn lại được xem là người biết việc và có nhiều mối quan hệ trong và ngoài nước nhất. Tuy nhiên, cái dở của ông Dũng là cách phó mặc hoàn toàn công việc cho cấp dưới, không thể kiểm soát tốt và trong nhiều trường hợp để lệch hướng khiến “con tàu mất lái”.
Thiếu người đứng đầu đủ uy tín để cáng đáng nên một mình ông Tuấn phải “lĩnh ấn”, lo tất từ đối nội, đối ngoại với hàng tá công việc khác nhau. Quyền lực, quyền lợi và tầm ảnh hưởng tất yếu dẫn đến những phát sinh, nhất là khi trong chính Thường trực VFF không có sự đồng nhất ngay từ đầu, trong khi PCT Đoàn Nguyên Đức thì ở quá xa, không trực tiếp tham gia công tác điều hành, quản lý còn ông Trần Anh Tú (Ủy viên Thường trực BCH) thì được xếp “ngồi mâm riêng”.
Ông Gụ nhiệm vụ chính là lo mảng công các truyền thông, đối ngoại nên cũng rất khó để “nhảy vào lửa” trong bối cảnh cần người bao quát, có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Còn ông Đức, ngay cả vị trí PCT tài chính cũng chưa làm được gì và giống như một vị khách ngay chính tại ngôi nhà VFF nên rất khó để đòi hỏi nhiều hơn.
Trong khi đó, nếu cần huy động sức mạnh tập thể thì lại mỗi người một phách, khó tìm được điểm chung. Cuối cùng mọi quyền lực ở VFF được tập trung vào một mình ông Trần Quốc Tuấn, với quá nhiều nhiệm vụ, công việc cũng như tầm ảnh hưởng. Bởi cơ chế, những mối quan hệ phức tạp cùng vô vàn câu chuyện phía sau, việc xuất hiện tình trạng chuyên quyền hay thiếu tính dân chủ đang tồn tại ở VFF cũng không lấy gì làm lạ.
Công việc của cả nền bóng đá từ đối nội, đối ngoại gần như tập trung vào một cá nhân, trong khi đó lại xuất hiện thêm cả những lợi ích nhóm, thế nên nội bộ VFF có bất đồng hay nói một cách bóng bẩy là “đoàn kết chưa cao” thì cũng đúng.
Cái sai và vấn đề từ người đứng đầu để rồi ngay chính bộ sậu lãnh đạo VFF cũng có vấn đề, đó mới là vấn đề đáng lo nhất bây giờ…
Sau khi cuộc họp BCH VFF ngày 14/10 vừa qua, trả lời câu hỏi của truyền thông về việc VFF có đoàn kết và nhìn về một hướng trong công tác điều hành và quản lý bóng đá, PCT Nguyễn Xuân Gụ thẳng thắn trả lời: “VFF không mất đoàn kết, chỉ chưa đoàn kết cao thôi”!
Không thể trực tiếp gánh vác trọng trách, ông Dũng buộc phải phó thác công việc cho thuộc cấp bằng việc ký quyết định bổ nhiệm PCT phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm thêm vị trí PCT Thường trực.