Tố nhau vi phạm hợp đồng, Đặng Văn Lâm và Muang Thong giải quyết ở tòa?
Ngày 12/1, trên đài TrueID, CLB Muang Thong United cho hay, họ sẽ trừng phạt Đặng Văn Lâm nếu thủ thành này không quay lại tập luyện. Tờ Thairath cho biết thêm, Văn Lâm đã không liên lạc với Muang Thong, biến mất trong một tuần qua.
"Văn Lâm đã không tập luyện cùng CLB Muang Thong United trong thời gian dài. Theo thông tin từ CLB, Văn Lâm cố tình bỏ tập và không có lý do vắng mặt.
Thời điểm hiện tại, không một ai ở CLB Muang Thong United có thể liên lạc được với thủ môn này. Văn Lâm đang nhận được sự quan tâm của 3 CLB Cerezo Osaka (Nhật Bản), Dynamo Moscow (Nga) và Sporting Braga (Bồ Đào Nha) nhưng hiện tại, cầu thủ này vẫn còn hợp đồng với CLB Muang Thong United tới năm 2022.Việc Văn Lâm bỗng dưng mất tích có thể vi phạm hợp đồng và bị CLB Muang Thong United phạt nặng", tờ này nhấn mạnh.
Sau khi phía Muang Thong United bày tỏ quan điểm trên truyền thông, một ngày sau, người đại diện của Đặng Văn Lâm là Andrey Grushin cho biết: "Văn Lâm đã chấm dứt hợp đồng với Muang Thong United, do đội bóng này vi phạm điều khoản tài chính đã cam kết. Việc chấm dứt hợp đồng tuân thủ đúng quy định của FIFA".
Theo đó, thời hạn hợp đồng giữa Muang Thong United và Đặng Văn Lâm đến tháng 5/2022. Sự căng thẳng này đang đẩy mối quan hệ giữa Muang Thong United và Đặng Văn Lâm đi xa. Với sự tranh chấp về quan điểm mang tính pháp lý, không loại trừ khả năng, nếu không tìm tiếng nói chung, cả hai có thể đưa nhau ra tòa.
Theo Luật chuyển nhượng của FIFA, điều 13 ghi rõ, hợp đồng giữa cầu thủ và đội bóng chỉ có thể bị hủy khi thời hạn kết thúc hoặc thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, theo Điều 14, hợp đồng có thể bị một bên hủy bỏ mà không chịu hậu quả gì (bị phạt tiền hay trừ điểm) vì một lí do nào đó. Lí do nào đó ở đây không được xác định nhưng chẳng hạn như việc một cầu thủ không được trả lương trong nhiều tháng.
Dựa vào điều khoản này, nếu phía Đặng Văn Lâm chứng minh Muang Thong United vi phạm tài chính, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không chịu hậu quả nào. Trong trường hợp vi phạm hợp đồng, điều 17 ghi rõ, nếu hợp đồng bị hủy không có lí do, cá nhân vi phạm sẽ phải bồi thường. Mức độ bồi thường liên quan đến mưc lương của cầu thủ, lợi ích liên quan giữa hợp đồng hiện tại và hợp đồng, thời gian còn lại của hợp đồng…
Ngoài ra, cầu thủ đó có thể bị phạt chuyên môn, bị cấm thi đấu trong một số trận tới 4 tháng hay thậm chí là 6 tháng. Án phạt sẽ có hiệu lực vào đầu mùa giải sau ở đội bóng mới. Phạt chuyên môn sẽ không được áp dụng nếu cầu thủ đơn phương vi phạm hợp đồng mà không có lí do sau giai đoạn bảo vệ. Giai đoạn bảo vệ của cầu thủ trên 28 tuổi như Đặng Văn Lâm là 2 năm. Tuy nhiên, anh ta vẫn bị phạt nếu không thông báo thời gian hủy hợp đồng trong vòng 15 ngày kể từ trận đấu cuối của mùa giải.
Ngược lại, nếu Muang Thong United vi phạm hợp đồng, đương nhiên, Đặng Văn Lâm có thể ra đi tự do. Ngoài ra, Điều 17 ghi rõ, CLB vi phạm hợp đồng trong giai đoạn bảo vệ cũng sẽ phải bồi thường và phạt chuyên môn. Còn nếu một CLB kí hợp đồng với cầu thủ đã hủy hợp đồng không có lí do, họ coi như cũng vi phạm. CLB sẽ bị cấm đăng kí cầu thủ mới trong hai kì chuyển nhượng.
Bất cứ ai vi phạm các quy định của FIFA (quan chức CLB, đại diện cầu thủ, cầu thủ) dẫn đến vi phạm hợp đồng giữa cầu thủ và đội bóng để thúc đẩy chuyển nhượng cầu thủ cũng sẽ bị phạt.
Đối với trường hợp của Đặng Văn Lâm và Muang Thong United, FIFA có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến việc tuyển dụng giữa một câu lạc bộ hoặc LĐBĐQG và huấn luyện viên có yếu tố nước ngoài, trừ khi ở cấp quốc gia có cơ quan trọng tài độc lập đảm bảo giải quyết công bằng tranh chấp.
Dựa trên các cơ sở pháp lý mà phía Đặng Văn Lâm và Muang Thong United đưa ra, FIFA đứng ra giải quyết. Dựa trên phán quyết từ FIFA, cả hai có thể đưa nhau ra Tòa án thể thao quốc tế nếu không thấy tính thuyết phục cao. Tuy vậy, khả năng “nhờ” Tòa án thể thao quốc tế can thiệp để thắng ngược không cao bởi rất khó để các cá nhân, tập thể lật ngược thế cờ từ phán quyết của FIFA.