Từ những sai lầm ngớ ngẩn: Hệ quả tất yếu
Một tình huống mà khả năng đội bạn căng ngang để bóng chạm tay là rất thấp nhưng Tiến Thành vẫn cẩn thận, khoá hai tay đằng sau lưng và động tác vào bóng sai cơ bản để rồi đốt lưới nhà. Một tình huống không đáng có và Nguyên Mạnh đã quay lại quát tháo đồng đội. Dễ hiểu, thủ môn của SLNA cả trận chơi tốt nên để thua những bàn như vậy rất dễ ức chế và phản ứng.
Nguyên Mạnh xưa nay trầm tính, ít khi thấy anh thể hiện cái tôi của mình nhưng 2 trận vừa rồi, chứng kiến những sai lầm của đồng đội, anh đã không còn giữ được sự điềm đạm. Cũng khó trách Nguyên Mạnh bởi trở lại ĐTVN sau chấn thương, thủ môn này đã thể hiện một phong độ cực kỳ ấn tượng. Phản ứng có thể hiểu rất con người, khi công lao của mình không được đồng đội giữ gìn, dù có thể, nó thuộc về khả năng, trình độ và không thể khác.
Trong quá khứ, Nguyên Mạnh cũng từng mắc sai lầm. Nếu nói về mức độ nghiêm trọng thì lỗi của Nguyên Mạnh trận gặp Indonesia hay Malaysia tại AFF Cup 2014 thậm chí còn lớn hơn. Trưởng thành, cứng cáp hơn từ những sai lầm ấy và có thể, Nguyên Mạnh cũng muốn các đồng đội của mình trải nghiệm điều đó, để không mắc lại những lỗi tương tự.
Câu chuyện của Nguyên Mạnh, Đinh Tiến Thành hay những sai số đáng tiếc lẫn đáng trách của nhiều tuyển thủ nói lên vấn đề về tâm lý, bản lĩnh vốn như “lối mòn” của các ĐTVN. Điều đáng nói, ở ĐTVN dưới thời Miura thì sai sót cá nhân kiểu ngớ ngẩn rất nhiều và nếu xét về trình độ của những cái tên được ông lựa chọn, tin tưởng thì cũng đúng là có lý do.
Ngạc nhiên và vô lý khi ĐTVN lại có chỗ cho những cầu thủ dự bị của dự bị và ở CLB còn trầy trật kiếm tìm vị trí nên sai lầm xuất hiện, bản chất cũng là hệ quả tất yếu.
LÂM VŨ