Sự tương đồng giữa vụ Quế Ngọc Hải và “Phán quyết Bosman”?
Tháng 5/1990, mong muốn rời RFC Liege để gia nhập Dunkerque, một CLB Pháp của Bosman đã không được chấp thuận dù hợp đồng của anh với đội bóng Bỉ chỉ còn vài tháng nữa là đáo hạn. RFC Liege cho rằng Dunkerque khó có thể trả nổi khoản tiền bồi thường do vậy họ không cung cấp giấy tờ cần thiết lên LĐBĐ Bỉ để cho phép Bosman chuyển tới chơi tại Pháp. Thời điểm đó, CLB có quyền đồng ý hay không cho cầu thủ ra đi dù đã hết hạn trong hợp đồng.
Những lá đơn khiếu nại Bosman đệ lên LĐBĐ Bỉ, đến UEFA rồi cả FIFA nhưng đều lần lượt bị bác, và cựu cầu thủ người Bỉ quyết định kiện cả RFC Liege, LĐBĐ Bỉ và UEFA lên Toà án Công lý châu Âu ở Luxembourg. Lập luận của Bosman cho rằng việc thanh toán phí chuyển nhượng cho người đã hết hợp đồng theo Điều 17 của FIFA là vi phạm quyền tự do di chuyển của công dân EU.
Dựa vào Điều 39 (nay là Điều 45) về quyền tự do thay đổi nơi làm việc của người lao động trong Hiệp ước EC của Liên minh châu Âu, Toà án công lý châu Âu đã phán quyết Bosman thắng kiện; và cũng từ đó “Phán quyết Bosman” được ra đời và nó cho phép các cầu thủ EU được quyền chuyển nhượng tự do ở thời điểm cuối thời hạn hợp đồng, với điều kiện họ chuyển từ một CLB thuộc EU đến một CLB thuộc EU khác.
Toà án Công lý châu Âu khi ra phán quyết đã bác lập luận của UEFA cho rằng bóng đá là môn thể thao đặc thù riêng. Thể thao, trong đó có bóng đá là một lĩnh vực đặc biệt, một loại hình sản phẩm hoạt động sinh lời và có cả lao động chuyên nghiệp, vì vậy cần phải áp dụng luật kinh doanh và luật lao động vào bóng đá chuyên nghiệp.
Đương nhiên, sẽ là khập khiễng nếu lấy “vụ Bosman” làm hình ảnh tham chiếu với vụ việc Quế Ngọc Hải đang làm nóng cầu trường bóng đá trong nước thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn vào “Phán quyết Bosman” để thấy, luật, quy định là do con người đặt ra và nó hoàn toàn có thể thay đổi được khi nhìn thấy sự bất cập.