Vấn đề của V.League trước thềm mùa giải 2016: Cách mạng “cái đầu”
Từ một lời “tuyên chiến”
Tại Hội nghị BCH tháng 12 rồi Đại hội thường niên VFF sau đó, đề xuất quy định về số lượng và phương thức xác định đội xuống hạng trước đó được HĐQT VPF phê duyệt và đưa vào Dự thảo Điều lệ gửi cho các CLB, được thông qua. Theo đó, kết thúc mùa giải 2016, đội đứng cuối BXH V.League sẽ phải xuống hạng và đội xếp liền kề phía trên sẽ phải đá play-off với đội được đá play-off ở giải hạng Nhất (Đội đứng đầu lên hạng, 2 đội xếp thứ 3 và 4 thi đấu lấy suất đá với đội xếp thứ 2 chọn ra đội đá play-off với đại diện V.League).
Phương án 1,5 suất lên xuống hạng ở mùa 2016 được quyết đó, cuối cùng lại vấp phải sự phản đối của một số đội. Có cả một chiến dịch lôi kéo, vận động ngấm ngầm diễn ra sau đó với sự tham gia của quá nửa số đội tham dự V.League để áp lực rút xuống chỉ còn 1 suất lên xuống hạng. Số đông với quyền lực đám đông, lại trong bối cảnh từ cấp thượng tầng BĐVN có nhiều thứ loạn nên bên dưới cũng bị chi phối đã đặt VPF vào thế đối đầu và sức ép.
Về cơ bản, tình huống bất ngờ này giống như vụ lùm xùm trao Cúp cuối mùa 2015, khi VPF và BTC sắp xếp để B.Bình Dương đăng quang vòng áp chót trên sân nhà Gò Đậu, sau khi sớm vô địch sớm 2 vòng. Thế nhưng đội bóng đất Thủ với quyền lực, ảnh hưởng lớn và cái thế “đại bàng” đã ép ngược BTC thay đổi, khi nhất quyết chỉ nhận Cúp ở Cao Lãnh trong trận đấu cuối cùng. Nghịch lý khi B.Bình Dương chi phối ngược BTC nhưng VPF phải chịu do quá nhiều cái khó, để nhà vô địch V.League 2015 tự quyết định và chủ động trong việc tổ chức lễ đăng quang.
Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ trong vụ quyết định về số lượng, phương thức lên xuống hạng mà một số CLB “tuyên chiến”, VPF đã hành động quyết liệt. Bên cạnh việc tác động hậu trường, VPF gửi thẳng một công văn trả lời SLNA về việc góp ý sửa đổi Điều lệ V.League 2016, với khẳng định đề xuất và quyết định 1,5 vé lên xuống hạng là hợp lý cùng đề nghị đội bóng xứ Nghệ xem xét, ủng hộ “cho sự thành công chung.
“Tăng tính cạnh tranh, hấp dẫn của giải đấu; Giảm thiểu nguy cơ phát sinh các hiện tượng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hình ảnh giải đấu và BĐVN; Đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ để tăng nguồn thu tài trợ…”. Lý do mà VPF đưa ra với các đội bóng phản đối là “không thể cãi được” và bản chất vấn đề nằm ở chỗ, đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam “nắm được thóp” của những người tham gia cuộc chơi.
Việc đề nghị chỉ nên có 1 suất xuống hạng trực tiếp, không đá play-off bản chất là vấn đề quyền lợi, tính toán của các đội bóng. Khác biệt chỉ là nửa suất nhưng nó có tác động rất lớn đến cả giải đấu, chi phối quá nhiều thứ và đặc biệt, liên quan đến những toan tính hậu trường có thể phát sinh. “Đọc vị” và xử lý tốt, VPF đã thành công khi bóng chưa lăn và đó là điều không phải ai cũng biết phía sau một “cuộc chiến” âm thầm.
Đến những cải cách
Tự bản thân quyết định cần phải có ít nhất 1,5 suất lên xuống hạng đã là một thay đổi, chứng tỏ tiếng nói của đơn vị tổ chức V.League, hạng Nhất. Ở khía cạnh đơn giản nhất, đó là việc “lên giá” cho sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam, khi việc lên “ngồi mâm” không thể đơn giản như vài năm gần đây, một trong những mấu chốt khiến giải đấu loạn cho mọi thứ quá dễ như “đi chợ” và trở thành cơ hội để tiêu tiền. Và ở mùa giải 2016 này, các giải chuyên nghiệp sẽ có nhiều thay đổi có thể coi là “cách mạng”.
Ví dụ như việc chia tay nhà tài trợ bóng Động Lực, đối tác chung thân bao năm qua của BĐVN, để kết duyên với thương hiệu Grand Sport. Ví dụ như việc tái ký với Toyota, VFF còn thuyết phục thương hiệu này tài trợ xe cho giải thưởng dành cho khán giả. Hay việc xây dựng kênh truyền thông riêng, có nhà tài trợ Number One và tính ra đến thời điểm này có được 7 nhà tài trợ bên cạnh Xe tải Hino, Điện thoại di động Pavapen, Bảo hiểm Hùng Vương và Becamex, Đồng Tâm Long An.
Những thay đổi và cách tân trong công tác trọng tài mà việc trang bị bộ đàm, bình xịt bọt như là công cụ hỗ trợ tối thiểu cho các ông Vua sân cỏ, giống như tất cả các giải đấu lớn trên thế giới áp dụng, cũng có thể coi là minh chứng cho sự cố gắng của những người làm công tác tổ chức.
Và điều quan trọng nhất, đó là yếu tố con người. Những thay đổi nhân sự ở cấp quản lý, điều hành VPF đã giúp đơn vị này từng bước một thoát khỏi tầm ảnh hưởng, chi phối của những “thế lực cũ” để có quyền, sự chủ động và tính toán hơn trong công tác tổ chức. Những bài học đau thương từ 2-3 mùa giải gần đây đã khiến VPF ý thức rõ về việc phân cấp cũng là phân tách người làm công tác quản lý, điều hành với công tác tổ chức để tránh tình trạng thâu tóm quyền lực, chuyên quyền lẫn khả năng chi phối và tính ra, đó cũng có thể coi là một bước đột phá để trông đợi.
Để thay đổi, làm mới và chuyên nghiệp hoá các giải chuyên nghiệp Việt Nam là điều không dễ. Tuy nhiên, với mùa giải 2016 thì ít nhất có những cơ sở để hy vọng, khi ngay từ chính VPF đã dám và có thể thay đổi, bắt đầu những “cái đầu”.