Vàng hay không vàng?
Vẫn còn những tranh cãi xung quanh cuộc bầu chọn QBV Việt Nam 2014. Thành Lương lên ngôi xứng đáng, cũng chẳng ai chê trách. Nhưng tiếc cho Văn Quyết – đồng đội của Lương ở HN T&T và ĐTQG. Thậm chí tiếc cả cho Công Vinh với những nỗ lực trong năm rồi và cả Minh Tuấn – tiền vệ nhạc trưởng của T.Quảng Ninh được ông Miura “chấm” bóng vàng.
Thật ra còn 2 tranh cãi nữa. Thứ nhất tiêu chí nào cho một cuộc bình chọn QBV? Phong độ và thành tích với đội tuyển hay là với CLB? Ở đây có thể thấy ngay là thành tích với đội tuyển đóng vai trò quyết định và dĩ nhiên nó không thuyết phục khi phong độ, thành tích ở CLB mới là thước đo chuẩn cho cả một năm của cầu thủ.
Tranh cãi thứ hai, trong một môn thể thao đòi hỏi về tính tập thể cao như bóng đá, có nhất thiết phải có một giải thưởng tôn vinh cá nhân?
Không chỉ giải thưởng QBV Việt Nam gây tranh cãi mà giải thưởng Ballon d’Or cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Những chiến lược gia đề cao lối chơi tập thể cho rằng giải thưởng cá nhân có tác động tiêu cực tới toàn đội. Chẳng hạn, HLV Arsene Wenger của Arsenal đã từng chỉ trích danh hiệu QBV. Gần đây đến lượt Mourinho, khi ông này lên tiếng ủng hộ Wenger. Mou nói: “Bóng đá bây giờ đang để mất dần khái niệm tập thể và bị cuốn vào yếu tố cá nhân. Với tôi, bóng đá là trò chơi của tập thể. Tính cá nhân chỉ được chào đón nếu nó giúp tập thể tốt hơn. Ở đó, bạn phải nỗ lực vì chúng tôi chứ chúng tôi không thể làm việc vì bạn. Chúng ta luôn nhìn vào phong độ, số liệu thống kê cá nhân để đánh giá cầu thủ chạy nhiều hay ít, chơi tốt hay dở. Nếu một cầu thủ chạy 11km được đánh giá chơi tốt hơn cầu thủ chạy 9km thì đó là sự đánh giá chủ quan vì mọi thứ có thể ngược lại”.
Nhìn vào danh sách QBV Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, Công Vinh 3 lần, Thành Lương 3 lần, nghĩa là chỉ 2 cầu thủ chiếm tới 60% này đã “thống trị” giải thưởng. Nó càng cho thấy sự cảm tính của mỗi lá phiếu. Việc ai được QBV đơn giản chỉ là “ai được quý hơn” chứ không hẳn là “ai giỏi hơn” hay “đóng góp nhiều hơn”.
BĐVN cũng đi vào vết xe đề cao vai trò cá nhân mà xóa nhòa đi tính tập thể.
Chẳng hạn, ở đội U.19 thì chỉ loanh quanh mấy cái tên Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Và đó là sức hút chứ không hẳn là U.19 hay HA.GL.
Có người nói rằng nếu SEA Games năm nay thiếu cái tên Công Phượng thì “hết sốt”. Có vẻ lại là một bất công nữa trong bóng đá. Nói như Mourinho là rất chuẩn: “Bóng đá là trò chơi của tập thể. Tính cá nhân chỉ được chào đón nếu nó giúp tập thể tốt hơn. Ở đó, bạn phải nỗ lực vì chúng tôi chứ chúng tôi không thể làm việc vì bạn”.
Đây cũng là lời nhắn gửi với chính Thành Lương – chủ nhân mới mà cũ của QBV Việt Nam 2014.
SONG AN