Nguyễn Thị Vân Anh: Chân chạy "nhà quê" thành doanh nhân tỷ phú
Từ cuộc tình duyên xuyên biên giới
Khi mới tròn 20 tuổi, kỷ lục gia chạy rào quê Đông Anh (Hà Nội) đã gây xôn xao làng điền kinh bởi đã dám yêu, dám cưới, rồi theo chồng ra nước ngoài bỏ đường chạy. Mối tình duyên tuyệt đẹp của chị với cựu HLV trưởng ĐTQG bóng đá nữ Steve Darby bắt đầu ở chính “vườn ươm” Nhổn.
Phải rất lâu, nữ VĐV điền kinh mới dám nhận lời yêu. Chính chị cũng choáng khi Darby cầu hôn, còn gia đình dĩ nhiên phản đối quyết liệt, vì khoảng cách chênh lệch tới 25 tuổi, ông con rể lại ở mãi tận Anh sang Việt Nam.
Cho đến bây giờ, chính ông xã Darby cũng phải nể phục vì bản lĩnh cùng sự quyết đoán khó tin của Vân Anh. Nhờ thế ông mới có một nội tướng tuyệt vời cùng cô con gái yêu Ngân Thương, khởi đầu từ lễ cưới đặc biệt cách đây 13 năm.
Còn cựu tuyển thủ vẫn tự nhận là quê mùa ngày nào lại khẳng định chính nhờ cuộc tình duyên xuyên biên giới mà mình đã thay đổi hoàn toàn, trước hết là một nhận thức mở cùng sự tự tin để có thể làm chủ cuộc sống, công việc của mình. Thay vì bó hẹp trong vai của người vợ - người mẹ, Vân Anh độc lập tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Chị có nhiều ý tưởng, tới mức ông Darby - dù nhất mực chiều vợ - nhiều khi cũng phải than trời.
Bà chủ khách sạn kiếm tiền tỷ
Một trong những việc làm chứng tỏ cá tính mạnh mẽ, quyết liệt của Vân Anh chính là quyết định trở về Việt Nam định cư, lập nghiệp lâu dài. Ông Darby lúc đầu chưa ủng hộ nhưng sau đó đã bị thuyết phục bởi sự kiên định cùng những lý lẽ sắc bén, chính đáng của vợ. Và cách đây 3 năm, Vân Anh đã cùng con gái về trước. Trong khi đó, ông Darby một mình tiếp tục du mục huấn luyện khắp Đông Nam Á, thi thoảng nếu thu xếp được thì về quê vợ, còn không 2 mẹ con lại bay sang thăm.
Vừa chân ướt chân ráo về nước, Vân Anh đã bắt tay ngay vào triển khai dự án mà chị ấp ủ từ lâu là mở một khách sạn ở vùng đất yêu thích Sa Pa (tỉnh Lào Cai) để thỏa chí kinh doanh. Không thuê lại địa điểm sẵn có, chị đã mất cả tháng trời chọn lựa và đàm phán mua lại một mảnh đất vàng 1.000m2 ở con phố đẹp nhất Thác Bạc, rồi đưa cả nhóm thiết kế, đội thợ “xịn” từ Hà Nội lên thi công.
Cuối năm 2013, một khách sạn có cái tên rất đặc thù H’Mong Sapa của bà chủ Vân Anh đã khai trương gồm 6 tầng và 30 phòng hiện đại, đạt tiêu chuẩn 3 sao. Chị thuê hẳn chuyên gia nước ngoài về làm quản lý điều hành, song lại ưu tiên sử dụng nhân lực là người dân tộc bản địa với số lượng chiếm tới 70%.
Không chỉ tạo hiệu ứng tức thời, với chất lượng dịch vụ cao, phong cách riêng lại nhờ cái tên của bà chủ “như Tây” nên H’mong Sa Pa lập tức hút khách. Các phòng ở đây luôn kín chỗ 90%, lúc cao điểm thậm chí còn “cháy” phòng, mang về lợi nhuận cao. Bà chủ khách sạn cũng thành lập thêm Công ty TNHH Ngọc Ngân để mở rộng lĩnh vực và địa bàn kinh doanh.
Hiện tại, H’mong Sapa cùng Ngọc Ngân đã nổi lên như một thương hiệu sáng giá trên vùng đất du lịch hàng đầu ở phía Bắc, mang về cho tuyển thủ điền kinh “quê mùa” ngày nào khoản lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm.
Dù đã là một bà chủ tiền tỷ, từng đi qua tới vài chục nước, sống nhiều năm ở nước ngoài song Vân Anh vẫn giữ được nét nữ tính, đặc trưng của một phụ nữ Việt, với tình cảm sâu đậm cùng sự gắn bó tự nhiên với quê hương. Vân Anh rất thích nấu ăn cùng những bữa cơm gia đình, và là một đầu bếp cừ, có thể nấu rất nhiều món ăn cả Âu, Á và Việt Nam.
Chị còn tích cực làm từ thiện, chủ động liên kết mở các lớp học văn hóa, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc, thậm chí còn có cả vài cô con gái nuôi người Mông.
Nói thật khi đến với thể thao, tôi chỉ nghĩ mình cố gắng để thành công rồi có một công việc như HLV hay giáo viên thể chất sau khi giải nghệ đã may lắm rồi. Trong nhiều năm, cũng như nhiều đồng nghiệp, tôi cũng tự bó hẹp mình với nghiệp thể thao, với một vòng tròn khép kín của tập luyện và thi đấu. Có lẽ chính mối tình duyên định mệnh phải trải qua rất nhiều gian khó, lựa chọn đã giúp tôi có bước ngoặt. Qua thời gian và sự trải nghiệm, tôi đã hiểu mình cần phải làm gì và có thể làm gì cho cuộc sống, tương lai của mình. Hóa ra nữ VĐV Việt Nam chúng tôi hoàn toàn đủ sức làm được nhiều việc, với nhiều lợi thế rất riêng, nếu quyết tâm thay đổi suy nghĩ, hành động. Và như mọi người thấy, giờ đây, không ai còn bảo tôi chỉ là “nội tướng” của ông Darby”, cựu kỷ lục gia điền kinh, golf thủ, doanh nhân Vân Anh.
Nếu như các đồng đội cùng thời ở ĐTQG điền kinh hầu hết đều đang bó buộc trong cuộc sống khó khăn gắn chặt với đường chạy cùng chuyên môn thể thao thuần túy, cựu kỷ lục gia chạy rào Vân Anh đã vượt lên như một mẫu hình hoàn toàn khác biệt. Chị đã là một doanh nhân-tỷ phú, một golf thủ có hạng tại Việt Nam, với đầy đủ các phẩm chất, kỹ năng của một người phụ nữ tự chủ, năng động, sáng tạo thời hiện đại. Chị có thể một mình lái xe trên hành trình xuôi ngược Hà Nội - Lào Cai mỗi tuần vài lần, và trên xe lúc nào cũng có một bộ đồ golf. Ngay trên sân golf, Vân Anh luôn kè kè 1 chiếc ipad, 2 chiếc điện thoại sẵn sàng xử lý cả “núi” công việc từ xa.
Trong 3 năm theo chồng sang dẫn dắt một CLB tại Singapore, Vân Anh đã được mời làm người mẫu độc quyền cho một thương hiệu thời trang hàng đầu của Đảo quốc Sư tử, nhờ hình thể lý tưởng, khuôn mặt góc cạnh, lại có thể nói giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa. Cựu kỷ lục gia chạy rào còn xuất hiện trên cả tạp chí lừng danh FHM. Chính nghề làm người mẫu tay trái ấy đã giúp chị có một nguồn thu nhập rất khá, đủ để không phải phụ thuộc vào chồng mà còn có tích lũy cho mục tiêu trở lại quê hương đầu tư.