Bóng rổ không chuyên Hải Phòng lạc lối: Thừa lái tàu, thiếu thuyền trưởng
Hải Phòng - một trong những cái nôi của bóng rổ Việt Nam
Vào thời điểm hiện tại, Hải Phòng không phải là địa phương phát triển mạnh về bóng rổ. Có nhiều lý do dẫn tới hiện trạng này, nhưng yếu tố lịch sử chắc chắn không phải là một trong số đó. Trên thực tế, đây là một trong những nơi phát triển bóng rổ sớm nhất cả nước.
Ở Thế kỷ XX, trong giai đoạn đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, môn bóng rổ bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Cùng với các thành phố lớn khác như Hà Nội, Sài Gòn, Huế, ... Hải Phòng là một trong những địa phương phát triển bóng rổ mạnh mẽ nhất.
Sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào bóng rổ có phần lắng xuống tại đây và ở thời kỳ hiện đại cũng không nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên, môn thể thao này vẫn ngầm phát triển trên các sân chơi phủi, trong các trường học qua nhiều thế hệ. Lượng người chơi không quá đông đảo, nhưng trải dài qua các lứa tuổi và luôn có một số lượng ổn định.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của VBA nói riêng và bóng rổ Việt Nam nói chung, trái bóng cam cũng dần được đón nhận tại Thành phố Hoa Phượng Đỏ. Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm tới với môn thể thao này, nhen nhóm phong trào trên khắp Thành Phố. Từ đây, Hội Bóng rổ Không chuyên Hải Phòng ra đời với mục tiêu xây dựng sân chơi, phong trào bền vững.
Cái chết yểu của Hội Bóng rổ Không chuyên Hải Phòng
Đáng tiếc là Hội Không chuyên này chỉ tồn tại trong đúng 2 năm trước khi tan rã. Trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi, Hội đã kịp tổ chức một giải đấu dành cho các câu lạc bộ Không chuyên trên địa bàn Thành phố (tương đương HBL ở Hà Nội). Tuy nhiên, một vụ ẩu đả trong trận đấu Chung kết đã đánh dấu chấm hết cho phong trào ngắn ngủi này.
Theo những người có tiếng nói trong phong trào bóng rổ ở Hải Phòng, sự tan rã của Hội Không chuyên là tất yếu và vụ ẩu đả ấy chỉ đẩy nhanh quá trình. Nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc nơi đây thiếu những người có đủ uy tín để dẫn dắt phong trào.
Thực tế, bóng rổ không chuyên tại Hải Phòng có rất nhiều người từng tiếp xúc với những nơi có phong trào bóng rổ lớn trên cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và cố gắng đem những kinh nghiệm, mô hình của những nền bóng rổ này về áp dụng cho Thành phố Cảng. Tuy nhiên, những người này không thể tìm được tiếng nói chung và dần tách nhau ra, đi theo những con đường riêng.
"Người Hải Phòng có cá tính rất mạnh nên đó có thể là lý do khiến Hội Không chuyên khi ấy tan rã", HLV Lê Hà Anh, Giám đốc Trung tâm bóng rổ Thành Gióng nhận xét. "Hải Phòng không thiếu người tài, nhưng không có một người đủ cái uy, cái tầm để cho cả phong trào tin tưởng".
Sự chia rẽ ấy dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi người đi một con đường riêng. Ở Hải Phòng có 4-5 câu lạc bộ lớn và hàng chục câu lạc bộ nhỏ (các trường THPT), nhưng các đội hiếm khi muốn giao lưu với nhau. Các đội bóng thường tổ chức những giải đấu nội bộ, hoặc đi cọ xát, giao hữu với những địa phương khác.
Một trong những lý do khác khiến phong trào bóng rổ tại Đất Cảng không mạnh là sự thiếu hụt lực lượng học sinh - sinh viên. Mỗi năm lại có một lượng lớn thanh niên lên Hà Nội hoặc vào Thành phố Hồ Chí Minh để theo học các trường THPT, Đại học. Số trường ĐH ít ỏi ở Hải Phòng là không đủ để giữ chân nhiều học sinh ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
"Không chỉ bóng rổ, mà ở bất cứ môn thể thao nào, nếu thiếu lứa tuổi học sinh - sinh viên thì rất khó làm phong trào. Những người tài của bóng rổ Hải Phòng đa phần đều lên Hà Nội học tập hoặc định cư, thành ra công tác phát triển phong trào gặp nhiều khó khăn", HLV Hà Anh chia sẻ.
Trẻ hóa phong trào - có phải bước đi đúng đắn?
Từ năm 2016, Thành phố Hải Phòng có những sự quan tâm nhất định để giúp phong trào bóng rổ tại đây phát triển trở lại. Dù sự quan tâm, đầu tư này còn hời hợt và mang tính chất thời điểm, nhưng không thể phủ nhận đây là cú hích để các câu lạc bộ, trung tâm bóng rổ gia tăng quy mô.
Những năm gần đây, các đơn vị tư nhân tổ chức ngày càng nhiều giải đấu 3x3, 5x5 cho các lứa tuổi trẻ, bắt đầu từ U23, U18 rồi dần dần có cả lứa tuổi U15, U12. Những giải đấu này gần như là dịp hiếm hoi mà các câu lạc bộ trên địa bàn Thành phố có sự giao lưu.
"Người ta nghĩ rằng các em trẻ có thêm cơ hội cọ xát, đấu giải để tích lũy kinh nghiệm, mà các câu lạc bộ cũng có thêm cơ hội giành giải thưởng, đạt thành tích cao. Các em nhỏ còn vô tư, thi đấu không va chạm nhiều nên họ cũng thoải mái cho các em tham dự", một nhân vật lớn xin được giấu tên của bóng rổ Hải Phòng nhận định.
Từ những giải đấu này, kinh nghiệm thực chiến của các vận động viên lứa tuổi học sinh được tăng cường rõ rệt. Giới chuyên môn khẳng định chất lượng của các giải trẻ gia tăng qua từng năm, khi các VĐV trẻ thi đấu mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn. Việc các giải đấu thường xuyên mời về những đội khách mời từ Lào Cai, Hà Nội hay Nam Định cũng giúp các em được cọ xát thêm với nền bóng rổ của các địa phương khác.
Tuy nhiên, bóng rổ Hải Phòng vẫn cần có những sân chơi lớn hơn, để khi các cầu thủ trẻ vượt quá độ tuổi học sinh - sinh viên, họ vẫn có môi trường để phát triển niềm đam mê, đắm mình vào bầu không khí cạnh tranh. Nhiều baller Hải Phòng đã phải lên Hà Nội để đầu quân cho các đội bóng tại HBL, tận hưởng cảm giác tranh tài mà ở quê nhà không hề có.
Nếu coi bóng rổ Hải Phòng là một con tàu, thì con tàu lớn này vẫn đang neo đậu ở Lạch Tray, còn nhiều chiếc xuồng nhỏ đang tách khỏi con tàu để hướng về biển lớn. Những chiếc xuồng này có thể đi rất nhanh, nhưng khó có thể đi xa giữa muôn trùng sóng gió.