Boxing nhà nghề, môn nghệ thuật trừu tượng đẫm máu và bay bổng
Ở hội họa, các họa sĩ mới vào nghề luôn cố gắng làm tác phẩm của mình trở nên chân thực và sinh động nhất, nhưng với những bậc thầy, thứ nghệ thuật của họ lại thoạt trông như một cuộc chiến màu sắc, những nét vẽ nghuệch ngoạc mà chỉ số ít người chơi tranh mới có thể cảm thụ. Boxing nhà nghề cũng chính là thứ nghệ thuật trừu tượng như thế
Những thứ trừu tượng
Đối với những người xem tranh vẽ như một tờ giấy phủ màu, nghệ thuật trừu tượng và hằng hà những trường phái “lập dị” khác giống như những thứ khó hiểu chướng khí nếu so với những bức tranh đẹp như ảnh chụp. Tuy nhiên, sự chân thực sống động đó mới chỉ là bề nổi của hội họa, trong khi sự "lập dị" kỳ bí mới là tảng băng chìm mà chỉ những người yêu tranh mới cảm thấu.
Hội họa phát triển với nhiều hướng đi khác nhau cho các họa sĩ. Người thì cố gắng tỉ mỉ chăm chút cho tác phẩm trở nên chân thực, người lại đi vào sự ấn tượng trong màu sắc, có người chọn đau thương làm cảm xúc sáng tác,...
Ở những bậc thầy, khi hội họa ăn sâu vào trong tâm hồn họ, họ nhìn thấy những định nghĩa khác của mỹ thuật mà từ đó, họ phát triển thành những trường phái riêng biệt với những cái đẹp riêng biệt.
Boxing cũng tương tự như vậy, với những người không hiểu nghệ thuật của nó, Boxing chỉ là những cú đấm đi với những pha KO choáng ngợp. Khán giả đại chúng không thể nhìn ra nhịp độ trận đánh, khả năng gài đòn, giấu đòn, hay thậm chí là những chiêu trò diễn ra ngay trong những khoảnh khắc đổi đòn loạn đả. Boxing nhà nghề là một môn nghệ thuật phức tạp, càng hiểu nó, bạn càng nghiện nó và càng muốn mọi người biết về nó.
Vẻ đẹp từ sự khó hiểu
Salvador Dali nổi tiếng với những bức tranh gây ảo giác, Picasso thành danh với nét vẽ nguệch ngoạc như một đứa trẻ và Vincent Van Gogh lại chọn truyền tải những nỗi đau trong những gam màu cơ bản. Giống như thế, có người “nghệ sĩ Quyền Anh” chọn khai thác sự hung tợn của những nắm đấm như Mike Tyson, nhưng cũng có những con người chọn những bước di chuyển làm chủ đạo như Vasyl Lomachenko.
Những bức tranh của Salvador Dali luôn gây ảo giác cho người xem, trong khi tranh của Picasso lại nguệch ngoạc kỳ lạ. Tất cả đều là nghệ thuật
Khi nhìn vào một tác phẩm “lập dị”, người chơi tranh đúng nghĩa sẽ nhìn vào những kỹ thuật phối màu, những cảm xúc trong từng nét vẽ hay tập trung vào những ấn tượng mà hội họa mang lại cho họ. Với boxing, những con người, ăn, ngủ cùng Boxing sẽ nhìn vào cả một quãng đường thầm lặng tiến tới pha KO cuối trận, nhìn lại từng khoảnh khắc mà đôi bên cùng ra đòn, cố gắng đọc và hiểu mỗi giây phút trên võ đài của mồ hôi và máu.
Nghệ thuật là không thể áp đặt
Boxing không phân nhiều hệ phái như các môn võ khác, dù vậy, nó vẫn phát triển với rất nhiều lối đánh khác nhau cho những võ sĩ và chiến thuật khác nhau. Trong mỗi lối đánh đó lại đòi hỏi khả năng khai thác các kỹ thuật khác nhau cũng như những ưu thế khác nhau. Boxing có thể vừa là môn đối kháng điên loạn nhưng đồng thời cũng có thể là những khoảng khắc rình rập bay bổng. Đó chính là những trường phái nghệ thuật của Boxing. Tuy nhiên, để đến với những “trường phái” này, người võ sĩ phải trải qua đủ thăng trầm trong nghề chứ chẳng thể ngày một ngày hai tự chọn hướng đi cho bản thân.
Những boxer non trẻ thường rất bay bổng và mơ tưởng về một tương lai được sánh vai với các bậc thầy. Họ bỏ qua nền tảng mà cố gắng theo đuổi thứ nghệ thuật trừu tượng của các vĩ nhân để rồi khi vỡ mộng, họ lại quay trở về với căn bản. Vô tình, một ngày nào đó nghệ thuật đưa họ rẽ nhánh sang một hướng đi hoàn toàn mới. Đó chẳng phải là con đường chung của nghệ thuật ư? Bám lấy nền tảng rồi một ngày, nghệ thuật đưa đẩy người nghệ sĩ rẽ nhánh sang một hướng đi mới hoàn toàn mới với những định nghĩa về vẻ đẹp hoàn toàn mới.
Boxing là một môn nghệ thuật và Boxing nhà nghề là nghệ thuật trừu tượng.