SEA Games 29: Trọng tài Boxing thiên vị nước chủ nhà?
SEA Games 29 không phải là sự kiện được những tín đồ boxing quan tâm. Thế nhưng, đối với những võ sỹ Đông Nam Á, đây là cơ hội để họ có thể giành được một tấm HCV quốc tế, qua đó khẳng định tên tuổi của mình trong làng boxing khu vực.
Tranh cãi là điều xảy ra như cơm bữa ở một môn thi đấu có cách tính điểm mang tính chủ quan như boxing. SEA Games 29 đã chứng kiến nhiều tranh cãi nổ ra, thậm chí còn vượt quá giới hạn của nó. Với sự hỗ trợ của truyền hình và các thiết bị phát sóng hiện đại, người hâm mộ có thể thấy rõ những gì đang diễn ra trên sàn đấu, đặc biệt là những điều mang tính xúc phạm tới sự trong sạch của boxing và sự minh mẫn của những vị giám khảo.
Trong trận đấu vòng loại hạng Light Flyweight (46-49 kg), võ sỹ người Philippines, Carlo Palaam đã bị xử thua trước Muhamad Redzuan của Malaysia với tỷ số 0-5 dù thi đấu hay hơn.
Không chỉ kiểm soát trận đấu rất tốt, Palaam còn đấm ngã (knockdown) đối thủ, nhưng pha knockdown này không được tính điểm. Trong khi đó, tay đấm chủ nhà Muhamad Redzuan có đến hàng chục pha ôm khóa, ghì đầu thì lại không bị xử phạt.
Đỉnh điểm của sự khó hiểu là khi Muhamad Redzuan lao vào ôm lấy Carlo Paalam, dí phần cổ tay của chiếc găng bên trái vào thẳng mặt đối thủ, thế nhưng trọng tài lại quay sang người bị hại Carlo Paalam và... ra hiệu cảnh cáo trừ điểm.
Video: Trọng tài phạt Carlo Paalam (xanh) vì... lỗi Muhamad Redzuan (đỏ)
Không chỉ ở vòng loại, Redzuan tiếp tục nhận được sự "hỗ trợ" của trọng tài trong trận bán kết với đối thủ đến từ Lào, Lasavongsy Bounpone. Trong hiệp 2, tay đấm nước chủ nhà đã dí đầu Bounpone xuống nhưng trọng tài người Myanmar, Naing lại phạt lỗi đối với người... bị hại.
Video: Bounpone (xanh) bị Redzuan dí đầu trong trận bán kết
Không chỉ được trọng tài "biếu không" chiến thắng, các VĐV Malaysia còn được "thưởng" thêm thời gian nghỉ ngơi trong trận đấu.
HCĐ Olympic 2015 Eumir Marcial đối mặt với tay đấm nước chủ nhà Indran Ramakrishnan tại vòng loại hạng Middleweight. Về lý thuyết, Marcial được đánh giá cao hơn rất nhiều so với Indran. Thực tế cũng cho thấy điều này khi tay đấm người Philippines khiến đối thủ đo sàn bằng một cú móc phải ngay trong hiệp 1.
Thế nhưng, trọng tài Bazarbaev đã có hành động vô cùng kỳ quặc khi cho phép tay đấm nước chủ nhà về góc đài xanh để... lau mặt cũng như có thêm hơn 20 giây hồi phục thể lực. Dù điều này không thể giúp cho Indran có được thắng lợi chung cuộc, hành vi trái luật của trọng tài Bazarbaev đáng bị lên án khi sự thiên vị đã được bộc lộ quá rõ ràng.
Video: Indran Ramakrishnan (xanh) được trọng tài tặng thêm 20 giây nghỉ ngơi
Trên thực tế, những đấu trường lớn nhất như Olympic vẫn luôn diễn ra những tranh cãi ở môn boxing chứ không riêng gì SEA Games. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ, những bê bối không chỉ khiến cho công sức của những VĐV chân chính "bỏ sông, bỏ biển" mà còn khiến cho những nỗ lực phát triển môn thể thao này tại "vùng trũng" dần trở thành... con số không tròn trĩnh.
Có một điều trùng hợp thú vị, trước khi tổ chức SEA Games 29, Malaysia chưa từng giành được bất kỳ tấm HCV boxing nào kể từ năm 2009. Thậm chí, mới chỉ cách đây vài tháng, BTC còn đưa ra quyết định loại bỏ nội dung boxing nữ, nơi có sự xuất hiện của tay đấm từng 4 lần giành HCV SEA Games Josie Gabuco, ra khỏi Đại hội thể thao lớn nhất khu vực.
Rất nhiều dấu hỏi được đặt ra xoay quanh thái độ của các quan chức cấp cao tại Liên đoàn Boxing thế giới (AIBA) cũng như những vị "cầm cân nảy mực" tại Kuala Lumpur lúc này. Có một điều chắc chắn rằng, sự nghi vấn sẽ còn tăng lên gấp bội sau những bê bối tại SEA Games 29.