Triệt Quyền Đạo: Dấu gạch nối võ thuật hai thế giới Đông - Tây
Di sản võ thuật lớn nhất của Lý Tiểu Long là dấu gạch nối hoàn hảo giữa chữ "Đạo" của võ thuật Phương Đông và cách tập luyện khoa học của võ thuật Phương Tây.
Bấy lâu nay, số người nhìn nhận Lý Tiểu Long như một diễn viên luôn nhiều hơn số người nhìn nhận ông như một võ sư. Chẳng thế mà Từ Hiểu Đông - gã võ sĩ MMA đình đám một dạo tại Trung Quốc - có lúc từng bạo miệng cho rằng Lý Tiểu Long chỉ là một "võ sĩ nghiệp dư" được tâng bốc lên tầm huyền thoại.
Thế nhưng, Lý Tiểu Long không phải ngẫu nhiên được Times xếp vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỉ 20.
Không chỉ tạo cảm hứng cho hàng triệu người để họ bắt đầu bước chân vào võ đường, di sản võ thuật lớn nhất của Lý Tiểu Long - môn võ Triệt Quyền Đạo - còn trở thành một dấu gạch nối hoàn hảo cho chữ "Đạo" của võ thuật Phương Đông chảy vào phương pháp tập luyện rất khoa học của võ thuật Phương Tây.
Vốn là một sinh viên khoa Triết tại Đại học Washington, tư tưởng triết học Phương Đông có ảnh hưởng sâu sắc đến Lý Tiểu Long. Điều này khiến Triệt Quyền Đạo (Tiệt Quyền Đạo) không quá giống một môn võ, mà giống một tư tưởng, một lối tư duy võ thuật mang màu sắc của Triết học nhiều hơn là võ học.
“Trước hết hãy nói về chữ nghĩa. Tiệt có ý nghĩa là ngăn lại, chặn đứng. Quyền là nắm đấm, là quyền pháp. Đạo là đường đi hay cách thức. Tiệt Quyền Đạo là cách thức của quyền pháp ngăn chặn," Lý Tiểu Long giải thích một cách đơn giản về môn võ của mình.
Clip Lý Tiểu Long đấu với võ sư đai đen Karate Taky Kimura trong khi bịt mắt:
Tuy nhiên, nếu Vịnh Xuân quyền có hệ thống bài quyền và phương pháp xuất quyền riêng, chú trọng quyền đánh thẳng và ngắn, bộ pháp đặc trưng là "Nhị tự kiềm dương mã"; quyền pháp Thái Lý Phật thì chú trọng phát lực đánh xa, bức độ quyền cước rộng, dũng mãnh, thì Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long lại không có hệ thống bài quyền hay kỹ thuật riêng biệt nào.
Huyền thoại họ Lý thậm chí còn răn các học trò đừng bám vào một khuôn mẫu nhất định. Ông từng nói: "Sự quan sát đích thực chỉ bắt đầu có khi không còn những khuôn mẫu định sẵn và sự tự do diễn đạt chỉ xảy ra khi người ta vượt qua những môn phái, phương pháp, hệ thống và các tổ chức."
Clip Lý Tiểu Long giao đấu với đệ tử Ted Wong vừa được công bố đã thu hút cả chục triệu lượt xem
Mới nghe, điều này khá lạ lùng. Người ta đã quá quen với việc các môn võ phải luyện tập dựa trên những bài quyền, những thế võ nhất định.
Lý Tiểu Long đã trực tiếp gạt bỏ điều này. Ông khẳng định rằng quả thật mọi hình thức khuôn mẫu đều cần thiết cho giai đoạn vỡ lòng, nhưng về sau, võ sinh phải tìm cách vượt khỏi cái khuôn mẫu đó mới có thể tự do thể hiện trọn vẹn năng lực của mình được.
Tổng quan hơn, Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long sẽ chấp nhận mọi hình thức kỹ thuật của mọi môn phái, nhưng luôn tìm cách chi phối, cải thiện những kỹ thuật đã học để tìm ra một phong cách riêng, thích hợp nhất cho từng võ sinh.
"Triệt Quyền Đạo là một môn nghệ thuật giải quyết vấn đề với tính cá nhân hoá cao độ. Do đó, nó không thể đồng nhất khi đến với mọi người,” Dan Inosanto, một trong số những đệ tử xuất sắc nhất của Lý Tiểu Long giải thích một cách hình tượng hơn.
"Hổ không thể chiến đấu như chim ưng và ngược lại ưng không thể chiến đấu như hổ. Cho nên, mỗi người phải tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu của chính bản thân mình rồi khởi bước từ đó."
Với tư tưởng trên, không khó lý giải vì sao bộ pháp của Triệt Quyền Đạo có bóng dáng của Quyền Anh, Vịnh Xuân, Karate, và thậm chí cả… khiêu vũ thể thao. Những đòn đá trong Triệt Quyền Đạo cũng được kế thừa từ Teakwondo, Muay Thái. Quyền pháp nhang nhác cái bóng của Vịnh Xuân, Boxing. Quật ngã thì đến từ Judo và Vật, Wrestling.
Không dừng lại ở đó, điều quan trọng nhất khiến Triệt Quyền Đạo khác hẳn với các môn võ cổ truyền Phương Đông là việc Lý Tiểu Long áp dụng triệt để phương thức luyện tập của Phương Tây vào môn võ thuật ông sáng lập.
Theo Lý Tiểu Long, tập võ là phải dùng được võ, do đó ông quan niệm những bài tập Gym, những bài tập thể lực là rất cần thiết với võ sinh. Ở Phương Tây, việc rèn thể lực ở Gym là bình thường, nhưng với giới võ Phương Đông, nơi mà người học võ đa phần chú trọng vào chiêu số, việc đặt song song tầm quan trọng của những bài tập thể lực với việc rèn luyện chiêu thức là cả một cuộc cách mạng.
Isometrics là những bài tập giúp căng cứng múi cơ mà không nhờ đến sự chuyển động của cơ thể.
Bản thân Lý Tiểu Long cũng sử dụng rất nhiều bài tập thể lực của giới Quyền Anh hồi đó. Lý luôn tìm cách thử những bài tập mới, từ chạy bộ, nâng tạ, uốn dẻo, cho đến những động tác gần giống với Calisthenics và Isometrics hiện đại.
Kể cả việc tập chiêu thức của Triệt Quyền Đạo cũng được thay đổi sao cho gần với thực tiễn nhất.
Trong lúc tập luyện, Lý thường không để các học trò của mình vung quyền trong không khí. Thay vì thế, ông yêu cầu các học viên sử dụng bao cát khi luyện đấm - đá nhằm "cảm nhận đòn tốt hơn".
Tương tự, dù là người ưa giao đấu bằng tay trần, Lý Tiểu Long cũng khuyến khích các học trò mang găng, thậm chí là mặc đồ bảo hộ tốt nhất có thể trong những buổi đối luyện sparring. Theo Lý, với bảo hộ, võ sinh và bạn tập có thể ra đòn phóng khoáng, thoải mái hơn mà không lo chấn thương.
Điều đáng tiếc cho Triệt Quyền Đạo là Lý Tiểu Long đã tạ thế khi ông còn quá trẻ ở cái tuổi 32. Tuy nhiên, với những di sản tinh thần và võ thuật mà Lý Tiểu Long đã để lại, Triệt Quyền Đạo vẫn có thể tự hào với vị thế cầu nối hoàn hảo cho chữ "Đạo" của võ thuật Phương Đông và phương pháp tập luyện khoa học của võ thuật Phương Tây.