Võ sĩ quyền Anh Olympic xử lý những vết cắt như thế nào?
Một khi không có mũ bảo hộ, dù là những tay đấm nghiệp dư hay những tay đấm chuyên nghiệp đều có nguy cơ nhận những vết cắt do găng tay của đối thủ gây ra. Trong khi ấy, Rio 2016 lại là kỳ Olympic đầu tiên mà các võ sĩ không đeo mũ bảo hộ, kể từ khi môn quyền Anh được thi đấu lần đầu tiên tại Olympic 1984 ở Los Angeles.
Nhân dịp này, bác sĩ Mike Loosemore của đội quyền Anh Vương quốc Anh giới thiệu khái quát cách xử lí những vết cắt ở vùng đầu của các võ sĩ.
Sơ cứu trong trận đấu
Những vết cắt chảy máu trong trận đấu có thể được xử lý bởi các bác sĩ đấu trường (cutman), huấn luyện viên, hay trợ lý với các trận đấu bán chuyên.
Các bác sĩ hay huấn luyện viên cần đánh giá độ nghiêm trọng của vết thương để quyết định có tiếp tục cần theo dõi vết thương đó sau khi trận đấu kết thúc hay không. Thông thường dung dịch Adrenaline Chloride nồng độ một phần ngàn được sử dụng rộng rãi nhất trong trường hợp này.
Để cầm máu, người ta lau sạch xung quanh, day nhẹ rìa vết thương, rồi đặt phần bông của một chiếc tăm bông đã thấm ướt dung dịch Adrenalin vào chính giữa vết cắt, ấn nhẹ và giữ trong một khoảng thời gian.
Lưu ý nên sử dụng loại tăm bông chuyên dụng trong vệ sinh vết thương chứ không phải loại tăm bông bằng sợi cotton vẫn được bày bán nhiều trên thị trường. Sợi bông khi thấm máu sẽ mủn ra và để lại những mảnh nhỏ trong vết cắt, dễ gây nhiễm trùng.
Cũng không nên thoa Vaselin lên trên vết thương. Nhiều người lầm tưởng rằng thoa một lớp Vaselin có thể chống bụi cho vết cắt, nhưng thực tế một vết thương được để hở sẽ lành nhanh hơn. Chưa kể việc thoa Vaselin sẽ gây khó khăn cho việc xử lý hậu kỳ.
Một điều nữa cần chú ý là không lau trực tiếp vào vết cắt. Cơ chế cầm máu là để các hạt máu đông bít lại các mao mạch, ngăn các mao mạch tiếp tục xuất huyết. Việc lau sẽ quết đi những hạt máu đông li ti và khiến các mao mạch tiếp tục chảy máu. Do đó, tốt nhất là chỉ ấn vào vết cắt chứ không quệt hay lau.
Clip minh họa xử lý vết cắt trong trận đấu:
Xử lý sau trận đấu
Xử lý vết thương sau trận đấu sẽ phụ thuộc vào vị trí và độ nông/sâu của vết thương. Ưu tiên hàng đầu là đưa võ sĩ vào bệnh viện, nơi bảo đảm tiệt trùng và có công cụ chuyên nghiệp để chữa trị. Các vết thương nên xử lý chính xác, nếu không, việc tái phát hoặc nhiễm trùng trở lại rất có thể xảy ra.
Vài võ sĩ sẽ dễ bị các vết thương trên mặt hơn người khác do cấu tạo xương mặt của họ hoặc do phong cách thi đấu không chú trọng phòng thủ vùng đầu.
Điều cần chú ý nhất của việc xử lý hậu kỳ là làm khép lại vết thương. Những vết thương lớn sẽ cần được khâu bằng chỉ y tế. Với các vết thương nhỏ hơn, người ta sử dụng một loại keo y tế chuyên dụng hoặc gạc dán Steri-Strip - có chức năng tương tự với những miếng dán y tế (urgo) ta vẫn dùng khi đứt tay - nhưng mỏng hơn nhiều.
Xử lý khi tham gia giải đấu
Trong một giải thi đấu quyền Anh, ví dụ Olympic, các võ sĩ sẽ được tiếp tục thi đấu khi vết cắt đã khép miệng, vệ sinh sạch sẽ và không có dấu hiệu nhiễm trùng.
Vấn đề là ở chỗ một vết cắt đã khép miệng có thể bị tụ máu, sưng tấy dẫn đến việc giám khảo không cho phép thi đấu trong trận đấu tiếp theo. Để tránh tụ máu, võ sĩ nên làm lạnh vết cắt bằng nước đá, và nếu ngủ qua đêm thì nên ngủ trong tư thế dốc với chân và thân thể đặt thấp hơn đầu.
Quá trình hồi phục
Không còn nhiều việc để làm trong giai đoạn này, trừ việc ăn uống đủ dinh dưỡng và giữ vết thương không bị xé ra một lần nữa. Sử dụng kem bôi da chứa vitamin E để giúp vết cắt liền miệng nhanh hơn. Trước khi trở lại tập luyện hoặc thi đấu, có thể thoa Vaseline xung quanh vết thương để tránh mồ hôi và bụi rơi vào.
Nếu một người vẫn tiếp tục bị thương ở cùng một vị trí, vấn đề thường là do cấu tạo cơ địa của họ hơn là từ vết thương cũ. Những mô da ở vết sẹo sẽ cứng hơn da thường, do đó vết thương sẽ chỉ bị nứt ra nếu võ sĩ thi đấu quá sớm trước khi vùng da bị tổn thương hình thành mô sẹo.