Cafe 24h: Vì đó là bóng đá
Tôi ngồi với ông Đỗ Khánh Tùng – PGĐ Sở VH-TT&DL Quảng Ninh để nghe vị PGĐ Sở sinh năm 1976 này “vò đầu bứt tai” về chuyện… thiếu vé. Cũng bởi sân Cẩm Phả quá bé, chỉ hơn 1 vạn chỗ ngồi nhưng điều quan trọng là người Quảng Ninh “máu”. Ở sân Thanh Hóa, người ta có khẩu hiệu “khán giả là tài sản lớn nhất của CLB” thì nếu xét theo khía cạnh đó, Quảng Ninh đang sở hữu một khối tài sản lớn. Nó giống như ở đây người ta sở hữu các mỏ than vậy. Vấn đề làm sao để “xúc lên” và thu tiền.
Nó sẽ là câu chuyện của bóng đá Quảng Ninh trong tương lai khi có một SVĐ mới, to đẹp hơn, gần trung tâm Hạ Long hơn sân Cẩm Phả. Xây sân không khó, dù kế hoạch có thể là món tiền khổng lồ lên tới 1000 tỷ đồng, nhưng giữ được khán giả lại là chuyện khác.
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi nhiều, vừa có khoáng sản, vừa có thể phát triển du lịch. Vì thế, có lẽ họ biết cách khai thác những tiềm năng như khai thác khoáng sản và cũng biết cách “chiều lòng” khách đến SVĐ như chiều khách du lịch.
Cẩm Phả chính là nơi có màn múa hát chào sân của các ca sỹ một cách thường xuyên. Có những buổi diễn trước trận đấu, BTC phải chi tới 200 triệu đồng cho dàn ca sỹ tên tuổi, ngôi sao. Số tiền ấy còn nhiều hơn tổng số tiền bán vé. Nhưng, cũng chính vì thế mà khán giả thấy gần với bóng đá, với cầu thủ hơn. Họ đến sân không chỉ để xem bóng đá mà còn được thưởng thức những điều khác, được tiếp cận những ngôi sao showbiz.
Đây không phải là cách làm mới ở châu Âu, còn tại Việt Nam, bầu Thụy của CLB Sài Gòn.Xuân Thành cũng từng mời ca sỹ Ngọc Sơn làm Đồng Chủ tịch CLB để lo phần “múa hát” trước và giữa các trận đấu. Nhưng, làm được và bền bỉ như Quảng Ninh thì không dễ.
Giá trị của bóng đá đôi khi lại nằm ở những thứ… không bóng đá và điều quan trọng là cách làm và ai muốn làm.
Hôm qua, nhìn sân Cẩm Phả rừng rực không khí trong cái nóng kinh khủng đầu hè lại chạnh lòng nhớ về cuộc so tài Việt Nam – CHDCND Triều Tiên mới đây. Một trận đấu của Đội tuyển Quốc gia nhưng sân Mỹ Đình còn quá nhiều chỗ trống và rõ ràng là khán giả thiếu mặn mà.
Hóa ra không phải là đá ở đâu, đội nào đá với đội nào mà chính là thiếu những đầu tàu “kích cầu” tình yêu bóng đá. Đừng bao giờ đổ lỗi cho NHM khi họ không đến sân (!).
SONG AN