Lăng kính Văn Quyến: HLV Miura nên học thầy Calisto
Cứ nhìn chính bản thân mình, có lẽ nhiều người sẽ rút ra được bài học. Thời còn khoác áo SLNA, được chơi bên cạnh những đồng đội hiểu ý và được “phục vụ”, bản thân tôi rất lười di chuyển và “phục vụ” lại. Thế nhưng, khi khi sức nhanh và phong độ không còn lại chuyển qua các đội bóng khác phải chơi độc lập, tự tôi cảm thấy mình cần phải thay đổi để phù hợp và tồn tại. Nghĩa là thay vì đứng một chỗ đợi cơ hội, tôi lại cố gắng để tìm kiếm cơ hội cho mình.
Đó là chuyện của cầu thủ và tự chúng tôi đều biết. Đối với các HLV thì theo tôi, vấn đề này chắc chắn phải nhạy cảm hơn. Thời HLV Calisto còn làm việc ở ĐTQG, theo tôi cảm nhận ông ấy chính là người chịu nhiều áp lực nhất so với những HLV mà tôi từng làm việc. Rất nhiều những câu chuyện mà chỉ có thầy Tô và số ít học trò biết được. Ông ấy là người rất bảo thủ nhưng cuối cùng, để có được thành công cũng đã phải nhún và thay đổi rất nhiều. Đó là cái hay của ông Calisto, với môi trường BĐVN.
Kể những câu chuyện đó ra để mọi người thấy rằng, ngoài bóng đá, vị thế xã hội thì chắc chắn ai cũng biết và phải tìm cách để thay đổi mình. Với HLV Miura, tôi cũng đang cảm nhận thấy nhiều sự bất trắc về tương lai của ông ấy. Có thể khi thành công, ông ấy bảo thủ với quan điểm, suy nghĩ của mình được nhưng khi “sức nóng”, áp lực đang tập trung vào mình thì cách tốt nhất để giải thoát là thay đổi và thích nghi, sao cho hợp tình, hợp lý.
Tôi không dám đánh giá, nhận xét gì về U.23 VN hay HLV Miura. Ở khía cạnh thông thường nhất, xem trận bóng không mất tiền với toàn các ngôi sao trẻ mà khán giả phải bỏ ra về thì thực sự tôi thấy hơi khó hiểu.
Có thể đó là thử nghiệm, xáo trộn nhưng “cờ” trong tay mình cơ mà…