Con đường nào sẽ đưa U19 Việt Nam tới thành công?
Liên tiếp những thất bại trong hai năm 2017 và 2018 khiến người hâm mộ đặt ra dấu hỏi lớn với tuyển U19 Việt Nam. Bởi đây là nòng cốt cho SEA Games được tổ chức tại Hà Nội vào 3 năm sau.
Ngược dòng 2 năm về trước, tuyển U19 Việt Nam của những Quang Hải, Tiến Dũng hay Đức Chinh lên đường sang Bahrain dự giải U19 châu Á với sự hoài nghi đến từ khán giả. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn không có độ "hot", luôn bị dè bỉu và đem so sánh với lứa Công Phượng, Xuân Trường của 2 năm về trước đó nữa.
Nhưng tất cả phải "ngả mũ thán phục" trước màn trình diễn đến từ các học trò HLV họ Hoàng. Họ đi từ không đến có. Những gương mặt bị "ném đá" sau trận thua 0-6 trước Thái Lan tại chung kết Đông Nam Á 2015 đã trở thành người viết sử, khi lần đầu đưa bóng đá Việt Nam được dự World Cup ở nội dung sân cỏ.
Nên quen dần với những thất bại
Như một quy luật bất thành văn, tuyển U19 Việt Nam của năm 2018 cũng phải chịu đựng sức ép sau những thành công từ thế hệ "đàn anh" trong quá khứ. Đã lọt đến top 4 đội mạnh nhất châu lục năm 2016, dĩ nhiên, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn phải tự đặt ra mục tiêu tương tự cho mùa bóng 2018. Bởi không một đội tuyển nào muốn thành tích thụt lùi.
Nhưng chính thuyền trưởng người Khánh Hòa còn khá dè chừng để có thể tái lập kỳ tích của 2 về trước. Nằm vào bảng đấu có sự hiện diện của các đối thủ mạnh đến từ Jordan, Australia và Hàn Quốc, những người lạc quan nhất cũng chỉ mong thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có thể vượt qua được vòng đấu bảng, chứ chưa dám "mơ cao, mộng lớn" đến tấm vé dự World Cup.
Những linh cảm, dự tính "không lành" trở thành hiện thật. Không có những bất ngờ hay câu chuyện cổ tích nào được tuyển U19 Việt Nam viết tiếp. Ba thất bại liên tiếp, ông Tuấn và học trò khép lại hành trình tại giải châu Á 2018 ngay từ vòng bảng. Hai năm trước, tuyển U19 Việt Nam đưa nghiệp cầm quân của ông Tuấn lên nấc thang mới. Nhưng giờ đây, chiến lược gia người Khánh Hòa đã trở về "mặt đất" ngay chính tại sân chơi châu lục.
Tin liên quan:
Từ thành tích của U19 Việt Nam: Năm "hạn" của bóng đá trẻ!
Không ai hiểu được học trò của mình bằng chính người thầy. Nhà cầm quân 50 tuổi nhận thức rõ sự khác biệt đến từ hai thế hệ. Lớp cầu thủ U19 Việt Nam dù được đào tạo bài bản, được "thử lửa" tại đấu trường hạng Nhất, hạng Nhì hay giải trẻ. Nhưng để được ví như "đàn anh" là điều không thể. Bởi trong tay ông Tuấn không có những "dị nhân", "quái kiệt" như nhiều năm trước, thậm chí nhiều cầu thủ trong đội đến người hâm mộ còn không "biết tên, biết mặt".
Những thất bại liên tiếp từ giải Đông Nam Á đến đấu trường châu Á trong 2 năm qua buộc những nhà làm công tác đào tạo trẻ phải thừa nhận rằng: "Bạn có làm bóng đá trẻ tỉ mỉ, khoa học đến nhường nào thì trong tính toán luôn có những sai số nhất định". Đó là chuyện đương nhiên. Bởi mỗi thời điểm sẽ có những lứa cầu thủ khác nhau. Một nền bóng đá để cho ra liên tiếp những sản phẩm chất lượng là điều không thể.
Không đội tuyển nào có thể đứng trên đỉnh cao hay vinh quang mãi. Nhìn đâu xa, bóng đá Việt Nam trong giai đoạn 2007 đến 2010 tràn ngập "hoa hồng". Nhưng lại chìm trong bóng tối bằng thất bại tại AFF Cup 2012 và SEA Games 2013. Nhưng đến giờ, thế hệ này vẫn cung cấp cho tuyển Việt Nam những cầu thủ chất lượng như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Trọng Hoàng hay Nguyễn Huy Hùng.
Cho nên thất bại của tuyển U19 tại các giải đấu trẻ trong 2 năm qua là điều không phải quá bi thảm. Vậy đừng quá khắt khe, "ban tặng" những câu phê bình, buôn ra nhiều lời tổn thương đến lứa cầu thủ mà mới 2 năm trước đó thôi, họ đã đưa người hâm mộ "ngấy ngây" trong sự sung sướng khi lọt đến tứ kết U16 châu Á.
Thất bại là mẹ thành công!
Muốn biết một nền bóng đá tốt hay yếu, phần đông thường nhìn vào đội tuyển Quốc gia của nước này để đưa ra nhận xét, đánh giá. Như tuyển U20 Anh vô địch World Cup 2017, nhưng người dân không đổ ra đường ăn mừng. Bởi họ thừa hiểu đội tuyển Quốc gia vẫn chưa một lần lên đỉnh cao thế giới sau 52 năm.
Dĩ nhiên, chẳng ai thấy vui khi đội bóng của họ đón nhận thất bại. Con người thì luôn nhìn về phía trước, bởi nơi đó luôn có một đích nhắm, mục tiêu để bản thân hướng đến và chinh phục. Thất bại là mẹ thành công. Điều quan trọng là việc tuyển U19 Việt Nam sẽ trưởng thành như thế nào sau liên tiếp những thất bại.
Các cầu thủ trẻ U19 đang chịu những sức ép, bị cảm thấy tổn thương và khiến nhiều người đặt dấu hỏi lớn về sự thành công trong tương lai. Nhưng nó được ví như một lò xo, dồn nén những cảm xúc của các tuyển thủ U19 Việt Nam bấy lâu nay. Đến khi bị nén hết mức rồi tự khác sẽ bung ra một cách mạnh mẽ, để họ chinh phục những khát khao, hoài bão và khẳng định được thương hiệu của bản thân.
Muốn phác thảo nên câu chuyện cổ tích, chúng ta phải có lòng tin và cùng nhau nhìn về một hướng bằng sự quyết tâm cao. Nhiều lần các đội tuyển Việt Nam đã khiến chúng ta phải thay đổi nhận thức về sự hội nhập Quốc tế. Nói đâu xa tuyển U19 năm 2016, hay mới đây tuyển U23 và Olympic là những minh chứng cụ thể.
Cứ đi rồi sẽ đến, cuộc đời sẽ thay đổi nếu chúng ta có lòng tin và hoài bão. Suy cho cùng những "ngọn núi" cao cũng chỉ để thử thách bản lĩnh và ý chí của con người. Nhưng vinh quang không dễ kiếm tìm. Nếu muốn nắm lấy cơ hội ấy, thế hệ cả tuyển U19 hiện tại không được phép run sợ hay ảo tưởng về sức mạnh của mình.
Tác giả: Hữu Thành