HLV Park Hang Seo, HLV Toshiya Miura và triết lý bóng đá “đàn ông”
Park Hang Seo. Toshiya Miura. Hai cái tên không có mẫu số chung. Tuy nhiên, họ đều mang đến Việt Nam thứ triết lý “đàn ông”.
1. Năm 2014, HLV Toshiya Miura đến Việt Nam trong sự ngỡ ngàng bởi trước đó, bản CV (lý lịch công việc - tác giả) của chiến lược gia người Nhật không hề bóng nhoáng. 3 năm sau, cũng một người Đông Á khác đến với đất nước của hình chữ S. HLV Park Hang Seo bóng bẩy hơn rất nhiều khi từng là trợ lý cho HLV Guus Hiddink cùng ĐT Hàn Quốc lọt vào đến tận bán kết World Cup 2002.
Đó cũng chỉ là sự hào nhoáng của quá khứ. Ông Park Hang Seo đến Việt Nam với tư cách của một HLV trưởng dẫn dắt đội bóng hạng Ba Hàn Quốc đang vật lộn với cuộc chiến trụ hạng. Cũng như người tiền nhiệm Toshiya Miura, HLV Park được đón nhận bằng cả ánh mắt hồ nghi.
Cả hai vô hình trung cùng được đặt vào ở sân chơi châu Á, trước những đối thủ sừng sỏ của châu lục. Olympic Việt Nam phải chạm trán với Olympic Iran ở vòng bảng Asiad 2014. Và HLV Toshiya Miura đã khiến cả châu Á chấn động khi hạ đối phương với tỷ số 4-1.
Giới truyền thông của đất nước Tây Á chỉ ngắn gọn nhưng thâm sâu: “Olympic Việt Nam đã dạy cho Iran bài học về bóng đá”. Khởi đầu khá mỹ mãn của chiến lược gia người Nhật và sau đó, ông cùng Olympic lọt đến tứ kết, đưa U23 Việt Nam giành Huy chương Đồng SEA Games 2015 và cùng ĐT Việt Nam lọt vào bán kết AFF Cup 2016. Một thành tích không đến nỗi nào nếu đặt trong bối cảnh của bóng đá Việt Nam thời điểm bấy giờ. Vô định và thất bại.
Hơn ba năm sau, không hẹn mà gặp, HLV Park Hang Seo cũng trình làng giải đấu chính ở VCK U23 châu Á. U23 Việt Nam đã không thể tạo nên bất ngờ nhưng cách thể hiện trước U23 Hàn Quốc khiến đối thủ nhìn bằng ánh mắt khác.
Nhật báo Chosun Ilbo có tiêu đề khá đau: “Park Hang Seo và U23 Việt Nam tra tấn Hàn Quốc tới cùng”, còn tiền đạo Lee Keun-ho thì xin lỗi người hâm mộ vì không thi đấu đúng phong độ. Park Hang Seo đi theo người tiền nhiệm Toshiya Miura, đem lại niềm tin cho giới mộ điệu đất nước hình chữ S.
2. Trở lại thời điểm cách đây hơn 3 năm, đó là quãng thời gian chìm trong mộng đẹp của bóng đá Việt Nam với lứa cầu thủ U19 gồm Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,... Cả nước sục sôi với “đám trẻ nhà bầu Đức” này. Vô hình trung, nó mang đến nỗi xót xa cho “đàn anh” Olympic. Không kèn, không trống và không nhiều kỳ vọng nhưng HLV Miura khiến tất cả phải nhắc tên ông với chiến công hiển hách trên đất Hàn Quốc.
“Đám trẻ nhà bầu Đức” cũng được hoạch định cho tương lai của bóng đá nước nhà, được nêm chặt lối chơi ban bật nhỏ. Ấy thế, HLV Miura không nghĩ vậy. Ông là HLV trưởng và ông cần có quyền năng tối thiểu trong tay là lựa chọn con người và xây dựng lối chơi phù hợp với triết lý bóng đá của mình.
Ông gạt bỏ những chỉ trích của bầu Đức để đưa thứ bóng đá “đàn ông” đến với công chúng. Chưa bước lên đỉnh cao nhất nhưng cách làm bóng đá của HLV Toshiya Miura đáng để nhìn nhận.
Khác với đồng nghiệp, HLV Park Hang Seo đến Việt Nam với sự kỳ vọng lớn. Nhất cử nhất động của ông và các học trò đều nằm trong lăng kính hiển vi của giới truyền thông và người hâm mộ. Và ông Park khẳng định mình với thứ bóng đá “đàn ông”.
Không ưu ái bất cứ cầu thủ nào, ông sẵn sàng loại những cầu thủ không có khát khao và luôn chào đón mọi nhân tố tiềm ẩn. Văn Đức hay Thành Chung, Xuân Mạnh đến với U23 Việt Nam bằng tấm vé vớt. Ông dũng cảm sử dụng sơ đồ 3-4-3 vốn ít khi xuất hiện trên bình diện bóng đá Việt Nam.
HLV Park Hang Seo đang thể hiện thứ triết lý bóng đá “đàn ông”. Sòng phẳng và sẵn sàng tạo nên bất ngờ. Vẫn còn chặng đường dài để “đo” năng lực thực sự của thuyền trưởng người Hàn Quốc nhưng quãng thời gian vừa qua, ông Park đã đặt dấu ấn cho mình.